Ca sĩ Tuấn Ngọc: Nỗi ân hận của người đàn ông nghiêm khắc

(Dân trí) - Trên sân khấu, anh như một người kể chuyện tình không bao giờ biết mệt, thì ngoài đời anh lại là người rất ít nói, đặc biệt là nói về cuộc sống của mình. Nhưng anh dành riêng cho tôi một cuộc phỏng vấn hơn 2 giờ đồng hồ, đã kể về những điều ẩn sâu bên trong người đàn ông kiệm lời tưởng chừng như lạnh lùng kia.

Dân trí xin trích đăng bài phỏng vấn ca sĩ Tuấn Ngọc của tác giả Hoàng Nguyên Vũ trích trong cuốn sách “Thân phận và Hào quang” sắp phát hành. Cuốn sách hé lộ góc khuất cuộc đời của những nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam.

***

Thật hiếm có một giọng hát nào được cuộc đời trao tặng nhiều ưu ái như Tuấn Ngọc bởi suốt mấy chục năm qua, nếu kể về một ca sĩ được nhiều người thần tượng nhất, không thể không nghĩ ngay đến anh.

Trên sân khấu, anh như một người kể chuyện tình không bao giờ biết mệt, thì ngoài đời anh lại là người rất ít nói, đặc biệt là nói về cuộc sống của mình. Nhưng anh dành riêng cho tôi một cuộc phỏng vấn hơn 2 giờ đồng hồ, đã kể về những điều ẩn sâu bên trong người đàn ông kiệm lời tưởng chừng như lạnh lùng kia.

Một giọng hát nam tính nhất và hiếm tìm, nhiều người nghĩ vậy, trừ tôi. Vì tôi biết, một người đàn ông hát bao giờ cũng có những cung bậc tình cảm riêng của mình truyền tải qua chất giọng. Người ta sẽ muốn được nghe kể những câu chuyện tình với nhiều cung bậc, nên nếu cứ nhất nhất một thứ, chắc gì đã phải là một cách kể thú vị.

Nhưng Tuấn Ngọc thì khác. Anh hát bình tĩnh, rất bình tĩnh, nhưng cũng thật mê hoặc. Giọng hát gần như chẳng cần biết buồn, biết cô đơn, biết khổ đau nhưng lại nói được hết những cái buồn nhất, cô đơn nhất và đau nhất.

Nếu một ai đó đang quằn quại trong đau khổ vì tình phụ, hẳn sẽ cảm thấy dịu ngọt khi nghe Tuấn Ngọc bởi nỗi đau khổ suy cho cùng là một thứ dửng dưng thật hồn nhiên.

Không biết từ bao giờ Tuấn Ngọc hát như thế và cũng không biết sự trải nghiệm cuộc đời làm khác đi bao nhiêu phần trăm những gì là Tuấn Ngọc nhất nhưng đến hôm nay, người đàn ông tuổi 62 này vẫn thoát tục để kể chuyện tình: “Ngủ đi mộng vẫn bình thường. À ơi có tiếng thùy dương mấy bờ. Cây dài bóng xế ngẩn ngơ. Hồn em đã chín mấy mùa buồn đau”.

Sống với nỗi buồn vừa đủ

Đến bây giờ nhiều người vẫn thắc mắc tại sao tìm trong băng đĩa cũ được thu âm trước năm 1975, giữa một rừng “sao” ca sĩ vang danh một thời, không hề thấy có tên anh xuất hiện…

Cả tuổi trẻ tôi hát nhạc ngoại. Tôi biết hát từ năm tôi lên 4 và đến năm 11 tuổi, tôi đã đứng trên sân khấu với những ca khúc nhạc Mỹ. Những băng đĩa hồi xưa cũng chỉ thâu nhạc Việt chứ không thâu nhạc Mỹ, nên chẳng bao giờ tôi đi thâu băng. Thế nên năm 1975, khi tôi đi khỏi Sài Gòn, cũng không mấy ai biết đến tôi cả.

Nam danh ca Tuấn Ngọc
Nam danh ca Tuấn Ngọc

Có thể hiểu anh nổi tiếng cũng khá muộn màng, mãi đến sau này khi anh sang hải ngoại và bắt đầu tìm đến với nhạc Việt?

Tôi không nghĩ đến việc nổi tiếng hay không nổi tiếng. Thực ra tôi hát nhạc Việt từ nhỏ, trước khi hát nhạc Mỹ. Đến năm 1971, ca sĩ Lệ Thu có làm một cuốn băng Tứ quý gồm Lệ Thu, Khánh Ly, Duy Trác và tôi. Một thời gian dài hát nhạc ngoại nên khi quay lại hát nhạc Việt, tôi thấy tôi hát không chuẩn nên tôi lại tiếp tục phiêu du với nhạc Mỹ.

Năm 1981, tôi trở lại với nhạc Việt, trong cuốn băng với Lệ Thu lấy tựa đề Thuở ban đầu. Với cuốn băng này, tôi vẫn thấy mình chưa có duyên với nhạc Việt nên lại thêm một chặng hành trình nữa với 5 năm đi chơi nhạc ở Hawaii.

Nếu gọi là sự trở lại với nhạc Việt thật sự và tôi bắt đầu chặng hành trình thành công với việc hát những ca khúc tiếng mẹ đẻ phải là từ năm 1989, sau khi thu chung cuốn băng Lời gọi chân mây với Thái Hiền. Có thể như thế là muộn, nhưng tôi tin cái gì cũng đều có duyên cớ và số phận.

Trước đây tôi cũng không nghĩ rằng tôi sẽ hát những ca khúc Việt Nam rồi nổi tiếng, nhưng đúng là những thứ không tính đến là những thứ sẽ xảy ra. Những gì mình tính, chắc gì đã đến?

Nhưng suy cho cùng, làm gì thì làm, tôi cũng không thể hát nhạc ngoại hay bằng nhạc Việt Nam. Vì chỉ khi hát bằng tiếng mẹ đẻ, người ta sẽ hiểu được những tận cùng cảm xúc trong giai điệu và ca từ.

Nhưng những ca khúc gắn với tên tuổi anh thường là những tình khúc buồn. Người ta chỉ hiểu và hát lên được những tận cùng cảm xúc, nếu như người hát phải là người trong cuộc?

Với tôi thì không. Như một diễn viên nhập vai, không nhất thiết người diễn viên phải có số phận giống nhân vật mới diễn xuất thành công được. Cái chính là mình hiểu mình đang hát gì. Nghệ sĩ đâu cứ phải tự bó buộc mình trong một tông màu nhất định. Cái tôi cần, là những ca khúc có chiều sâu để mình thể hiện cho tới, chứ cứ trông vào những vật vã đớn đau để mà hát cho hay, thì sức đâu mà hát cho nổi?

Nếu có một cách lý giải khác, thì tôi nghĩ, bản thân tình khúc Việt Nam phần đông những ca khúc hay là những ca khúc buồn, với những tình yêu không có những đoạn kết hạnh phúc. Người ca sĩ không nhất thiết phải buồn đau như người trong ca khúc, nhưng chắc chắn một điều rằng họ sẽ không bao giờ hát hay, nếu như họ không là con người tình cảm.

Tình cảm? Đó là những điều bên trong người đàn ông có vẻ phớt đời, hơi “lạnh” Tuấn Ngọc ư?

Không. Tôi trông thế nhưng lại là người sống thiên về nội tâm. Nhưng nếu có buồn, thì tôi cũng chỉ sống với một nỗi buồn vừa đủ. Tôi chỉ nghĩ mình là một người đa cảm, chứ không đa tình.

Nhiều người thì nghĩ nghệ sĩ thật sự phải đa tình mới sáng tạo nghệ thuật được, tôi thấy chẳng nhất thiết phải thế. Một sự đa cảm vừa đủ, một trái tim không được thiếu tình cảm, là có thể làm nên được tôi để đứng vững mà hát.

Tôi không bao giờ để nỗi buồn lái tôi đi và bây giờ tôi cũng không muốn hát nhạc buồn vì tôi nghĩ, nên mang đến cho người nghe những gì vui hơn, yên ả hơn chứ đừng mang buồn bã đến.

Bản thân sự đồng cảm giữa người nghệ sĩ với khán thính giả là một sự sẻ chia. Có thể buồn đến cùng cực nhưng đó là một cách cùng nhau đốt nỗi buồn cho cháy hết. Ở một khía cạnh nào đó, cũng là điều Tuấn Ngọc làm được khi hát những ca khúc buồn, chứ nếu hát những gì vui tươi thì dễ gì có được sự sẻ chia này?

Tôi đã từng hát những ca khúc vui nhộn nhạc ngoại, nhưng tôi thật sự là tôi khi trở về với những ca khúc Việt Nam mà tôi đã hát. Bản thân ca khúc với những giai điệu và ca từ sâu đã là sự sẻ chia lớn, người nghệ sĩ như một chiếc cầu nối chuyển tải. Tôi biết ơn những ca khúc vàng đó và đó là những ca khúc mà đến cả thời con cháu chúng ta vẫn phải nghe và nó sẽ là những ca khúc luôn sống. Và biết bao nhiêu ca sĩ khác sẽ cùng tiếp tục làm cầu nối chia sẻ thôi.

Tôi học các em tôi kể cả những mất mát

Ta cứ nói nhiều về âm nhạc mà quên chưa hỏi anh, anh có phiền không nếu kể một chút về cuộc sống đời thường của anh ở Mỹ?

Tôi sống giản dị cùng vợ và ba đứa con với một cuộc sống bình thường như bao người đàn ông khác. Cô con gái đầu làm thiết kế thời trang. Đứa thứ hai đang học đại học và đứa út năm nay đã 20 tuổi. Tôi cũng dành nhiều thì giờ cho âm nhạc, luyện giọng hàng ngày và mỗi lần hát ở đâu tôi cũng đều vào phòng thu nhỏ ở nhà để tập dượt.

Tuấn Ngọc hát cùng em gái, ca sĩ Khánh Hà trên sân khấu
Tuấn Ngọc hát cùng em gái, ca sĩ Khánh Hà trên sân khấu

Thế còn thời gian anh dành cho gia đình thì sao, thưa anh?

À, cũng thế thôi. Nhà tôi gần khu chợ của người Việt. Tôi đi chợ thì vợ tôi nấu ăn, tôi nấu ăn thì vợ tôi rửa chén. Một cuộc sống thật bình lặng và tôi thích thế.

Gia đình toàn là những nghệ sĩ tên tuổi với những mặt anh tài: nghệ sĩ Lữ Liên (bố anh) cùng chị Bích Chiêu và các em như Khánh Hà, Anh Tú, Lưu Bích, Lan Anh, Thúy Anh. Một gia đình toàn người nổi tiếng lại có cá tính nghệ thuật, có dễ xung đột (ít nhất là về mặt nghệ thuật), thưa anh?

Điều đó cũng đương nhiên thôi. Chúng tôi may mắn được bố truyền cho cái nghề nhưng mỗi người đều phát triển theo một con đường riêng khó so sánh. Mọi bất đồng quan điểm đều có nhưng đều trên cơ sở tôn trọng.

Tôi thì thấy hạnh phúc. Thời còn sống ở Việt Nam còn hạnh phúc hơn nhiều. Gặp nhau mỗi ngày, làm việc với nhau mỗi ngày và được hát, được khen chê nhau mỗi ngày. Không riêng gì nghệ thuật, mà ngay cả đời thường, cũng có những lúc xích mích, cãi vã nhưng gia đình chúng tôi là một đại gia đình biết thương yêu nhau và sống vì nhau, nâng đỡ nhau. Có chỉ trích nhau, cũng trên tinh thần xây dựng.

Nếu được “thần tượng” một nghệ sĩ trong số các em mình, anh sẽ thần tượng ai?

Lưu Bích làm được những cái tôi không làm được. Cô ấy là một ca sĩ đặc biệt.

Vậy còn Khánh Hà, một ngôi sao rất được ngưỡng mộ ở Mỹ và cả ở Việt Nam?

Trong gia đình tôi, Khánh Hà là một ca sĩ giỏi nhất. Em là một người hát rất hay và là một ca sĩ đắt giá nhất trong cộng đồng người Việt ở Mỹ.

Khi ca sĩ Anh Tú, người em trai của anh ra đi, một thời gian dài anh không đi hát…

Đó là một cú sốc lớn với tôi. Tú mất khi tuổi còn trẻ. Đến bây giờ nghĩ lại tôi vẫn còn đau.

Tôi chỉ có một người em trai là Tú, anh em tôi hai tính cách khác nhau hoàn toàn. Tú vui tính, luôn biết giúp đỡ người khác và luôn được nhiều người thương mến trong khi tôi lại bị chê là khó tính, khó chịu.

Hai anh em dù rất thương nhưng cũng có nhiều điểm xung khắc. Giờ nghĩ lại, ước gì được trở lại ngày ấy, tôi sẽ không làm cho em buồn, tôi sẽ điều chỉnh mình để Tú được vui. Nhưng mọi thứ cũng đã xảy ra rồi và thời gian cũng chẳng quay ngược được.

Anh đã làm gì quá đáng để phải ân hận thế, thưa anh?

Sự nghiêm khắc. Nghiêm khắc quá mức cần thiết của một người anh với một người em.

Để chăm lo chồng con, ái nữ nhà họ Phạm Duy - ca sĩ Thái Thảo, vợ anh đã nghỉ hát khi giọng hát đang vào độ sung mãn?

Chắc là cô ấy nhường tôi. Tôi có hỏi lý do hoài mà không nói đó, nên tôi nghi là vậy (cười). Vợ tôi cũng giản dị như tôi. Cô ấy ngay thẳng, chân thật, không bon chen, là người thích sống cho gia đình.

Giữa hai gia đình nghệ thuật lẫy lừng này, thế hệ thứ ba (thế hệ cháu) của cả hai vẫn chưa thấy sự bừng sáng nhất định nào đó về nghệ thuật. Rất xin lỗi anh khi được hỏi, anh có thấy buồn vì điều này không?

Không phải là chưa bừng sáng mà là không ai theo. Bên nhà tôi cũng vậy và phía nhà vợ tôi cũng vậy. Nói riêng về các con tôi, thực tế tôi vẫn muốn các con theo nghề cha mẹ nhưng nó không lựa chọn điều này. Tôi luôn tôn trọng sự lựa chọn của con và đành thấy buồn một chút. Mấy đứa nhỏ sinh ra và lớn lên bên Mỹ, nên cách sống của chúng cũng rất độc lập.

Vậy những nề nếp gia phong của người Việt, anh chị có nặng nề với các cháu hay cho các cháu chọn cách sống phóng khoáng bên kia?

Nặng nề thì không mà có nặng nề cũng không được vì giữ nếp giữ tục ở Mỹ khó lắm. Tôi chỉ muốn con cái tôi làm sao phải biết trên biết dưới, sống ân nghĩa và có đạo đức là được rồi. Chúng suy nghĩ hơi Tây nhưng không có nghĩa lơ là với các giá trị gia đình. Tôi luôn để các con tự do ý kiến nhưng không được quá trớn và đặc biệt, dù có Tây có Mỹ đến đâu thì ăn cơm cũng phải mời người lớn tuổi.

Tuy nhiên gia đình tôi, bố mẹ và con cái đều là những người bạn. Chúng tôi luôn hỏi ý kiến của nhau. Mỗi lần tôi đi diễn, chọn trang phục gì đều phải hỏi ý kiến các con. Nếu chúng đồng ý tôi mới mặc.

Vậy những trang phục anh chọn thường được các con đồng ý nhiều hơn hay bị từ chối nhiều hơn?

Từ chối nhiều hơn (cười). Có lẽ càng già, gu thẩm mỹ càng có vấn đề nên thời gian gần đây hay bị các con từ chối! Nhưng sự khó tính của các con suy cho cùng cũng là “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”.

Nhìn lại tất cả những gì cuộc đời cho mình, anh có nghĩ mình là người rất may mắn?

Tôi luôn nghĩ vậy, có lẽ cuộc đời khá ưu ái với mình. Ở tuổi này vẫn còn đi hát được. Cả cuộc đời tôi sống bằng tiếng hát cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Cuộc sống bình yên chan hòa với gia đình và sự nghiệp luôn được công chúng đón nhận, đó là những điều tôi cảm thấy hài lòng.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Trích "Thân phận và Hào quang"