1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Ca sĩ ký tên vào tranh của hoạ sĩ nổi tiếng là hành động... vô duyên

(Dân trí) - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, ca sĩ dù có nổi tiếng đến mấy cũng không được phép ký tên vào bề mặt tác phẩm nghệ thuật bởi làm như thế là phá hỏng bố cục tác phẩm, không tôn trọng tác giả… Ông xem đây là hành động thiếu văn hoá và vô duyên.

Hoạ sĩ Trần Khánh Chương chia sẻ: “Một tác phẩm nghệ thuật thì chỉ tác giả là người “đẻ” ra tác phẩm đó mới được quyền ký. Nếu người sở hữu bức tranh vì hâm mộ nghệ sĩ mà muốn họ ký để làm kỷ niệm thì chỉ có thể ký ở phía sau bức tranh chứ không thể ký trực tiếp lên bề mặt tác phẩm như thế.

Việc ký tên vào bề mặt bức tranh sẽ làm hỏng bố cục của tác phẩm, không tôn trọng tác giả… Ca sĩ có nổi tiếng đến mấy cũng không được phép làm hành động đó. Tác phẩm của người khác chứ có phải tác phẩm của anh đâu. Ngay cả ca sĩ hát bài hát của người khác cũng không được phép sửa chữa ca từ hay giai điệu cơ mà.

Các nghệ sĩ bên bức tranh của họa sĩ Hứa Thanh Bình trước khi bị ký tên sau phiên đấu giá từ thiện.
Các nghệ sĩ bên bức tranh của họa sĩ Hứa Thanh Bình trước khi bị ký tên sau phiên đấu giá từ thiện.

Bản thân người mua cũng phải ý thức trong việc tôn trọng quyền tác giả của tác phẩm. Không phải bỏ tiền ra mua tranh có nghĩa là bức tranh đó toàn quyền của mình đâu. Luật đã quy định rất rõ, đối với những tác phẩm nghệ thuật, người bỏ tiền mua chỉ có quyền lưu giữ tài sản ấy còn quyền nhân thân vẫn thuộc về tác giả.

Tôi cho đó là hành động thiếu văn hoá. Các ca sĩ dù với bất kỳ lí do gì thì việc ký tên vào bề mặt một bức tranh của họa sĩ nổi tiếng như họa sĩ Hứa Thanh Bình là quá vô duyên. Giới họa sĩ hoặc công chúng có những phản ứng gay gắt đối với hành vi này là đúng. Đó là hành động khó lòng chấp nhận!”.

Họa sĩ Đỗ Duy Ngọc bức xúc bày tỏ: “Đây là cách của giới nghệ sĩ tinh hoa xứ Việt đối xử với một tác phẩm nghệ thuật sao? Về nguyên tắc, một tác phẩm hội họa chỉ có một chữ ký, đó là chữ ký của tác giả, xác nhận tác phẩm của mình, ngoài ra không thể có một chữ ký nào khác, dù trước hay sau của bức tranh. Hơn nữa, không thể viết vẽ bừa bãi trên một tác phẩm đã được hoàn thiện, làm như thế là hành động phá hoại tác phẩm.

Họa sĩ Hứa Thanh Bình đã bán tác phẩm của mình cho người mua nhưng không thể không đau đớn và cảm thấy bị xúc phạm khi nhìn thấy tác phẩm của mình bị đối xử như thế này. Và người mua đấu giá bức tranh này nữa, ngoài việc đóng góp để làm việc thiện lành, người mua cũng có sự trân trọng nghệ thuật. Các người đang làm những hành động phỉ nhổ nghệ thuật dù đang hô hào phụng sự nghệ thuật”.

Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đức Bình đã thẳng thắn phát biểu rằng: “Hành động của các ca sĩ kỹ tên lên tranh là rất phản cảm, không thể chấp nhận được. Đây có thể xem như là một hành động bôi bẩn tác phẩm nghệ thuật.

Mỗi bức tranh là một tác phẩm thị giác hoàn chỉnh và việc các ca sĩ ký tên lên đó đã phá hỏng đi bức tranh. Điều này chứng tỏ những ca sĩ kia không hiểu biết về mỹ thuật, hội hoạ; không hiểu biết về các giá trị của một tác phẩm. Tôi cho rằng, hành động ký tên lên bức tranh để lưu danh (ngoại trừ tác giả) là hành động miệt thị nghệ thuật”.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng ký tên lên bề mặt của bức tranh khiến dư luận lẫn giới họa sĩ phẫn nộ.
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng ký tên lên bề mặt của bức tranh khiến dư luận lẫn giới họa sĩ phẫn nộ.

Họa sĩ Siu Quý - Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP HCM cũng chia sẻ: “Các nghệ sĩ showbiz ký tên lưu niệm lên mặt trước một tác phẩm hội họa. Họ đang bán đấu giá bức tranh hay bán đấu giá chữ ký? Thật đau lòng với cách ứng xử văn hóa của các nghệ sĩ làm văn hóa”.

Hoạ sĩ Hồ Trọng Minh nói: “Việc làm cùng những lời chia sẻ của Đàm Vĩnh Hưng và Vũ Hà dẫn tôi tới một liên tưởng truyện “Dagestan của tôi” mà R. Gamzatov đã tả về những kẻ chọn mua những bình gốm đẹp đẽ xứ Bankhara rồi mang lên trên đồi thi nhau ném vỡ trước sự giận dữ, xót xa của các người thợ. Họ làm thế vì họ nghĩ họ đã bỏ tiền ra mua rồi, họ muốn làm gì thì làm.

Ở Việt Nam ta có câu ngạn ngữ: “Mất tiền mua mâm thì đâm cho thủng/Mất tiền mua thúng thì đựng cho mòn”. Phải chăng cái thứ văn hóa đó đã thấm tới một số nghệ sĩ khi ứng xử với tác phẩm của nghệ sĩ khác. Họ có thể cao hứng, tươi cười ký tên to đùng, nguệch ngoạc trên tác phẩm mỹ thuật mà họa sĩ đã đắm chìm trong suy tưởng và khổ công sáng tạo.

Dưới góc nhìn của văn hóa ứng xử, có câu nói “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” đại để là cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác. Trong đời sống thường ngày đã vậy, trong môi trường nghệ thuật càng cần cẩn trọng hơn. Các nghệ sĩ này có muốn được xã hội ứng xử với họ như cách họ đã làm với tác phẩm của người khác không?

Về phía luật pháp, bức tranh của tác giả Hứa Thanh Bình là đối tượng được bảo hộ theo Điểm g, Điều 14, Luật Sở hữu trí tuệ.

Theo mục 4, điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ, tác giả có quyền “Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”.

Không chỉ có Đàm Vĩnh Hưng mà Lệ Quyên cũng có hành động tương tự.
Không chỉ có Đàm Vĩnh Hưng mà Lệ Quyên cũng có hành động tương tự.

Với những hành vi đã được ghi lại bằng hình ảnh và một phần bởi sự xác nhận của chính những người đã tham gia ký tên trên bức tranh, có thể đã vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ. Tác giả và công luận hoàn toàn có quyền lên án và đòi luật pháp bảo vệ tác phẩm cũng như quyền tác giả đối với trường hợp trên.

Tuy nhiên, trước khi Luật pháp lên tiếng, dư luận cũng rất công minh và không hề cảm tính đã kịp thời phản ánh, làm rõ và chờ đợi lời chia sẻ thật tâm của người trong cuộc. Họ muốn được xã hội ứng xử thế nào với tác phẩm của mình?”.

Theo tìm hiểu, bức tranh liên quan đến sự việc ồn ào có tên “Advancement” do họa sĩ Hứa Thanh Bình sáng tác. Bức tranh được đấu giá trong đêm nhạc và đấu giá quyên góp giúp đỡ diễn viên Lê Bình, Mai Phương chữa ung thư phổi cũng như ủng hộ đồng bào lũ lụt tổ chức tại TP.HCM hồi tháng 8 vừa qua.

Khánh Toàn