Ca sĩ hát sai lời ca khúc: Không ai bảo hộ ca từ

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc chỉ biết thu tiền, không quan tâm đến việc bảo vệ toàn vẹn tác phẩm.

Quyền tác giả tại Việt Nam đã được quy định chi tiết trong Bộ Luật Dân sự 2005, Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị định 100/NĐCP/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan. Theo đó, tác giả có quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm của mình và được Nhà nước bảo hộ. Nhưng thực tế những quy định này vẫn chưa được thực thi nghiêm túc, các cơ quan hữu quan chưa làm tròn trách nhiệm của mình.

Trung tâm bảo vệ tác quyền chỉ... thu tiền

Theo số liệu công bố, mỗi năm, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (Trung tâm Tác quyền) thu hàng chục tỉ đồng từ phí tác quyền của tác giả. Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, từng khẳng định việc bảo vệ lợi ích chính đáng và hợp pháp những sáng tạo của nhạc sĩ là trách nhiệm, mục tiêu của trung tâm. Song khi nói đến trách nhiệm của trung tâm này, các nhạc sĩ lại... thở dài vì hầu như họ chỉ làm nhiệm vụ thu tiền tác quyền mà không có trách nhiệm bảo vệ toàn vẹn tác phẩm, trong đó có ca từ.

Ca sĩ hát sai lời ca khúc: Không ai bảo hộ ca từ

Ca sĩ Thanh Thúy cho rằng việc hát sai lời trong ca khúc Hương thầm là do lấy nguồn từ cuốn nhạc được bán ở nhà sách. Ảnh: Tấn Thạnh

Nhạc sĩ Quốc Dũng cho rằng hiện nay Trung tâm Tác quyền chỉ quan tâm 2 việc là bảo đảm đúng tên bài hát và tên tác giả, còn chuyện ca từ bị sai thì không quan tâm và dường như đó là trách nhiệm mà đơn vị này không... cáng đáng nổi. Nhạc sĩ Phú Quang cũng cho rằng: “Chưa có quy định nào về xử phạt ca sĩ hát quên lời hay tự “sáng tạo” ca từ cả. Cũng không có cơ quan nào đứng ra làm việc này. Tôi không hy vọng gì vào chuyện can thiệp của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cũng như không hy vọng sẽ có một cơ quan nào đó đứng ra bảo vệ quyền lợi cho mình vì nó dường như quá xa vời”.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu bức xúc: “Tôi đã không biết bao nhiêu lần lên tiếng về vấn đề này nhưng nói hoài, nói mãi cũng đâu lại vào đấy. Trung tâm Tác quyền chỉ quan tâm tới việc làm sao đi thu tiền của tác giả cho nhiều chứ việc hát sai, đúng mặc kệ, chẳng ai quan tâm và nói đến”.

Đề cập đến vấn đề này, nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết: “Ca sĩ hát sai lời là vi phạm pháp luật, quyền nhân thân của tác giả bài hát. Vì thế, tác giả có quyền lên tiếng khiếu nại để đòi lại quyền lợi cho mình”. Nhưng các nhạc sĩ cho rằng họ không biết kiện tụng ở đâu, còn Trung tâm Tác quyền, trong ý nghĩ của họ, chỉ là thu tiền, thu càng nhiều càng tốt chứ không có nhiệm vụ đứng ra giải quyết việc này.

Cần có nhạc văn bản chính xác nhất

Thực tế cho thấy không phải ai cũng có cơ hội gặp trực tiếp người nhạc sĩ để lấy được văn bản gốc và tìm hiểu ý nghĩa thấu đáo của từng ca từ trong lời bài hát nên việc hát sai lời là chuyện khó tránh khỏi. Trong khi đó, hiện nay nguồn nhạc tràn lan trên thị trường, trong khi các ca sĩ đa số lấy văn bản từ những sách chép nhạc được bán tại các nhà sách là chủ yếu. Ca sĩ Thanh Thúy cho biết khi thu âm ca khúc Hương thầm, chị lấy văn bản từ cuốn nhạc mua ở nhà sách, trong văn bản bài hát Hương thầm in là “cây bưởi sau nhà ngan ngát hương thơm”.

Nhiều ca sĩ cũng cho biết nếu hát sai lời cũng chỉ thường gặp ở những ca khúc cũ, xưa mà lý do là họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm ra một văn bản chính xác nhất. Một nam ca sĩ bày tỏ: “Là ca sĩ tất nhiên ai cũng muốn hát đúng lời ca khúc vì đó là tôn trọng tác giả và công chúng. Nhưng hiện có khá nhiều nguồn nhạc khác nhau mà chúng tôi không biết nguồn nào đáng tin cậy. Thay vì lấy lời ca khúc trên internet, đăng mỗi nơi một kiểu, chúng tôi thường lấy lời trong những tuyển tập nhạc được bán ở các nhà sách. Nhưng cũng không ngờ tỉ lệ sai lời ở nguồn này khá nhiều”.

Thực tế này cho thấy cần có một địa chỉ đáng tin cậy tập hợp ca khúc có lời chính xác và hoàn chỉnh nhất, từ đó mọi người có thể sử dụng mà không sợ bị sai. Đây là mong mỏi của hầu hết các ca sĩ, nhạc sĩ hiện nay. Trung tâm Tác quyền chỉ làm nhiệm vụ lưu trữ những bản gốc bài hát do nhạc sĩ gửi về làm tư liệu cho riêng mình để đối chứng trong giải quyết tranh chấp bản quyền. Trong khi ca sĩ cần bản gốc để thể hiện chính xác thì không có. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu nói ông đã không biết bao nhiêu lần lên tiếng đề nghị cần có những biện pháp nhưng các cơ quan từ sở đến bộ cũng chỉ... cười trừ.

“Tôi nghĩ Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Âm nhạc các tỉnh nên có một địa chỉ chính thức lưu trữ văn bản các tác phẩm âm nhạc có lời chính xác nhất để mọi người có thể vào đó sử dụng. Tránh tình trạng ca sĩ muốn hát bài hát nào đó phải chạy tìm văn bản từ nhiều nguồn khác nhau mà đôi khi thiếu sự chính xác” - ca sĩ Thanh Thúy nói. NSƯT Thế Hiển cũng mong muốn những bài hát gốc của mình được một cơ quan nào đó lưu trữ, để khi ca sĩ cần thì lấy ngay trong trường hợp họ không gặp được nhạc sĩ. Vậy ai sẽ làm việc này? Không ai khác là những cơ quan có trách nhiệm như Sở VH-TT-DL, Bộ VH-TT-DL, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, các hội âm nhạc địa phương, Trung tâm Tác quyền... mà đáng ra công việc này họ đã làm từ lâu rồi chứ không phải đến bây giờ chờ lên tiếng... yêu cầu.
 

Karaoke - “Ổ” sai lời ca khúc

Lời bài hát trên karaoke là sai nhiều nhất. Ca sĩ hát sai lời trên sân khấu có thể nghe xong rồi quên nhưng trên các phương tiện ghi âm, ghi hình như karaoke thì hậu quả... khôn lường, hết người này đến người kia hát sai lâu ngày thành phổ biến đến mức khi nghe lại bản nhạc gốc đúng lời cứ cho rằng ca sĩ hát sai. Bạn đọc Trinh Nguyễn cho rằng: “Nhiều giọng ca chuyên nghiệp hiện nay cũng “được rèn luyện” từ karaoke nhưng ca từ trong karaoke có thể nói sai đến mức làm chệch nội dung bài hát”. Theo nhạc sĩ Thế Hiển, lỗi thuộc về những người biên tập không cẩn thận, nếu không muốn nói là cẩu thả trong việc thu thập và ghi lời ca khúc với số lượng nhiều đã dẫn đến sai sót trong ca từ. Trong khi đó, nhạc sĩ Trần Tiến thẳng thắn: “Các đơn vị karaoke chỉ làm nhiệm vụ kinh doanh kiếm tiền mà bất cần nghệ thuật thì làm gì họ quan tâm đến việc làm sao cho lời bài hát chính xác”. “Sự cẩu thả trong kiểm duyệt của các cơ quan chức năng cũng như của người sản xuất karaoke dẫn tới hậu quả ca từ bị sai” - bạn đọc Trinh Nguyễn góp thêm.



 

Theo Minh Nga
Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm