Quảng Nam:

Cả làng cùng phục dựng miếu Thần Nông trăm tuổi

Công Bính

(Dân trí) - Trải qua thời gian và chiến tranh, miếu Thần Nông làng Phong Hồ ở Quảng Nam đã xuống cấp nặng. Để phục dựng ngôi miếu linh thiêng này, người dân trong làng chung tay đóng góp, mong mùa vụ bội thu.

Ngày 3/9, miếu Thần Nông ở làng Phong Hồ (phường Điện Nam Bắc, thị xã Điện Bàn) được bà con dân làng khánh thành sau thời gian phục dựng.

Cả làng cùng phục dựng miếu Thần Nông trăm tuổi - 1

Miếu Thần Nông ở làng Phong Hồ, phường Điện Nam Bắc, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam (Ảnh: Công Bính).

Người dân trong làng kẻ ít người nhiều cùng chung tay phục dựng lại di tích lịch sử rất quan trọng của làng, nhằm tưởng nhớ các bậc tiền hiền, những người đầu tiên đến đây định cư và cả những người đã hy sinh trong chiến tranh tại mảnh đất này.

Ông Trần Văn Thọ (người cao tuổi làng Phong Hồ) cho biết ở làng này có 4 xóm, gồm xóm Đồng, xóm Đò, xóm Làng và xóm Rừng. Hàng trăm năm trước, thời ông cha mở cõi vào vùng đất phương Nam, có người dừng chân ở vùng đất Điện Bàn này khai hoang, phục hóa, tạo làng xóm và trồng lúa nước.

Qua thời gian, người dân làng nghĩ đến việc xây dựng miếu thờ Thần Nông để cầu mong cho vụ mùa tươi tốt. Mỗi năm làm 2 vụ tháng 3 và tháng 8 (âm lịch). Sau mỗi vụ gặt, dân làng đến miếu cúng cơm mới, cảm tạ trời đất cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, người dân có chén cơm ăn.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, làng Phong Hồ trở thành con đường di chuyển của cán bộ, quân chủ lực... từ vùng căn cứ phía tây Quảng Nam xuống căn cứ ở các xã vùng đông và ra hoạt động trong nội thành Đà Nẵng.

Cả làng cùng phục dựng miếu Thần Nông trăm tuổi - 2

Lễ khánh thành miếu Thần Nông vừa phục dựng (Ảnh: Công Bính).

Khu vực miếu Thần Nông làng Phong Hồ là nơi hoạt động của rất nhiều cán bộ, chiến sỹ như Nguyễn Hồng Thắng, Lý Trân, Nguyễn Thành Năm (tức Năm Dừa). Trong đó có rất nhiều du kích, bộ đội đã hy sinh.

Ông Trần Quốc Thuần (một người cao niên khác ở làng Phong Hồ) kể lại nhiều câu chuyện trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm tại làng. Nhiều cán bộ, du kích đào hầm bí mật hoạt động ở làng. Tại miếu Thần Nông, bà con cũng đào một căn hầm bí mật để bảo vệ du kích, cán bộ. 

Cả làng cùng phục dựng miếu Thần Nông trăm tuổi - 3

Dân làng đến tạ lễ miếu Thần Nông, mong mùa vụ bội thu, người dân ấm no (Ảnh: Công Bính).

"Ở khu vực miếu Thần Nông và làng Phong hồ này có rất nhiều căn hầm bí mật để cán bộ, du kích hoạt động. Đây là vùng chiến đấu ác liệt giữa quân ta và quân địch. Tại đây, quân ta đã dành nhiều chiến công và cũng hy sinh, mất mát nhiều; trong đó có 7 chiến sĩ Điện Nam hy sinh, được dựng tượng đài tưởng niệm", ông Trần Quốc Thuần kể.

Do ảnh hưởng của bom đạn trong chiến tranh, cộng với sự tàn phá của thời gian, miếu Thần Nông đã xuống cấp nghiêm trọng. Một số hạng mục công trình gần như biến mất hoàn toàn như bình phong, cổng ngõ.

Được chính quyền địa phương đồng ý, bà con làng Phong Hồ cùng chung tay đóng góp, con cháu đi làm ăn xa cũng tham gia hỗ trợ. Kẻ ít người nhiều, có người ủng hộ 100.000 đồng, có người vài trăm nghìn đồng, tổng cộng có 400 triệu đồng.

Kẻ góp của, người góp công phục dựng miếu Thần Nông ngay tại vị trí ngôi miếu cũ. Ngày 3/9, con cháu cả làng cùng hân hoan tề tựu tạ ơn trời đất đã ban cuộc sống ấm no cho dân làng.

Cả làng cùng phục dựng miếu Thần Nông trăm tuổi - 4

Làng Phong Hồ từng là căn cứ địa của cán bộ, chiến sỹ hoạt động cách mạng (Ảnh: Công Bính).

Ông Trần Văn Thọ chia sẻ: "Công trình miếu Thần Nông làng Phong Hồ được phục dựng góp phần duy trì và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử truyền thống của dân tộc, mang lại đời sống tinh thần phong phú cho bà con nhân dân tại địa phương".

Miếu Thần Nông làng Phong Hồ được xây dựng cách đây hàng trăm năm, nằm cách cầu Phong Hồ về phía Tây Bắc khoảng 100m. Miếu là nơi thờ cúng vị Thần Nông nhằm cầu mong cho mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa.

Miếu được xây bằng gạch nung và vôi vữa, cao khoảng 2,7m từ mặt đất gò tự nhiên, rộng gần 3m2. Miếu gồm có một cửa chính quay về hướng Nam, cửa được xây vòm theo phong cách cổ của người Việt, có 4 mái và dán ngói mũi hài.

Lễ cúng hàng năm thường được diễn ra trang trọng và thành kính từ sự chung tay, góp sức của bà con nhân dân và sự tham gia của các tộc họ trong làng.