Ca khúc Việt “đắt giá” nhất năm 2013 thu được 164 triệu đồng

(Dân trí) - Sáng tác của nhạc sĩ K.Đ, “Quên cách yêu” với sự thể hiện của ca sỹ Lương Bích Hữu đã vượt qua nhiều nhạc phẩm tên tuổi trở thành ca khúc sinh lợi nhất năm 2013 khi thu về được 164 triệu đồng tiền tác quyền.

Tại buổi tổng kết hoạt động năm 2013 của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam sáng ngày 15/1, luật sư Phạm Thanh Thủy, Giám đốc Trung tâm khu vực phía Bắc tiết lộ, ca khúc nhạc Việt Quên cách yêu đứng đầu danh sách những ca khúc thu được nhiều tiền tác quyền nhất trong năm vừa qua với 164 triệu đồng.

Được biết, đây là một sáng tác khá mới của nhạc sỹ K.Đ do ca sỹ Lương Bích Hữu thể hiện. Ngay từ khi ra mắt vào năm 2012, ca khúc này đã luôn có mặt trong top đầu các bảng xếp hạng trên mạng.
 
Ca khúc Việt “đắt giá” nhất năm 2013 thu được 164 triệu đồng

"Quên cách yêu", sang tác của K.Đ do Lương Bích Hữu (ảnh) thể hiện đã trở thành ca khúc thu được số tiền tác quyền cao nhất trong năm 2013

Tuy nhiên, theo bà Phạm Thanh Thủy, ca khúc thu được nhiều tiền tác quyền nhất không đồng nghĩa với việc là ca khúc được yêu thích nhất hay được sử dụng nhiều nhất.

Cũng tại buổi tổng kết, bà Trần Thị Trường, Phó Giám đốc Trung tâm khu vực phía Bắc cũng xác nhận tác giả thu được nhiều tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc nhất trong năm thuộc về nhạc sỹ TCS với hơn 700 triệu đồng. TCS cũng là tác giả duy nhất nhiều năm liền dẫn đầu về số tiền tác quyền thu được từ các tác phẩm âm nhạc. Những tác giả nằm trong top 100 tác giả tiền tác quyền cao nhất trong năm thu được từ 20 triệu đến 187 triệu trong một quý.

Về tổng số tiền hơn 50 tỷ đồng Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thu được trong năm 2013 cao hơn số tiền 48 tỷ đồng thu vào năm 2012, phía Trung tâm cho rằng sở dĩ thu được nhiều hơn là vì mở rộng sự hợp tác của nhiều đơn vị khai thác. Theo bà Phạm Thanh Thủy, trong số tiền hơn 50 tỷ đồng thu được từ tiền bản quyền âm nhạc thì lĩnh vực khai thác được nhiều nhất là lĩnh vực nhạc chuông nhạc chờ, sau đó đến lĩnh vực kinh doanh karaoke, hoạt động biểu diễn…

Không chỉ tăng về số tiền tác quyền thu được, nhạc sỹ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam còn hồ hởi trước số lượng thành viên đăng ký bảo vệ tác quyền qua trung tâm tăng theo các năm. Cụ thể từ con số nhỏ nhoi 274 tác giả, nhạc sỹ ký hợp đồng ủy thác tại Trung tâm năm 2002 đến tháng 12/2013 đã tăng lên 2787 người.

Là thành viên chính thức của Liên minh quốc tế các Hiệp hội những nhà soạn nhạc và lời thế giới từ năm 2009, hiện Trung tâm đã ký hợp đồng với 55 tổ chức bảo vệ quyền tác giả âm nhạc tương ứng trên thế giới có phạm vi điều chỉnh trên 148 quốc gia và lãnh thổ…
 
Ca khúc Việt “đắt giá” nhất năm 2013 thu được 164 triệu đồng

Theo đại diện Trung tâm bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, để tránh tình trạng hát sai lời các nghệ sỹ nên đăng ký sử dụng thông qua Trung tâm để được cung cấp lời đúng của ca khúc

Trước vấn nạn ca sỹ hát sai lời gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận, gần đây nhất là việc ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng hát sai lời ca khúc Chiếc vòng cầu hôn của nhạc sỹ Trần Tiến tại chương trình Bài hát yêu thích; bà Trần Thị Trường khẳng định: “Để tránh tình trạng hát sai lời thì những người sử dụng tác phẩm phải xin phép tác giả, hoặc thông qua Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc- chúng tôi sẽ cung cấp lời ca khúc đúng nhất”.

Liên quan đến vấn đề bản quyền âm nhạc và lợi ích của việc đăng ký ủy tác bản quyền tác phẩm tại Trung tâm, bà Trần Thị Trường cũng nhắc lại việc ca khúc Vầng trăng khóc của nhạc sỹ Nguyễn Văn Chung từng bị nghi đạo nhạc của Thái Lan, Lào, Trung Quốc… Nhờ có giấy chứng nhận đăng ký bản quyền âm nhạc mà anh chứng minh được ca khúc do chính mình sáng tác. Hơn nữa, với ca khúc “hit”, nhạc sỹ này đã thu được số tiền bản quyền khá cao thời điểm đó là 300 triệu đồng (khoảng năm 2010)…

Nguyễn Hằng