Bút danh, nghệ danh cũng là thương hiệu

(Dân trí)- Nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ ngoài cái tên ghi trong căn cước, còn có thêm bút danh, nghệ danh. Xung quanh chuyện bút danh, nghệ danh cũng có lắm bi hài…!

Bút danh, nghệ danh cũng là thương hiệu
Giữ cho cây bút sắc sảo, chiến đấu bền bỉ vì công bằng xã hội chính là một cách xây dựng thương hiệu của người làm báo
 
Có người, bút danh, nghệ danh gắn với nơi sinh thành hoặc địa danh lập nghiệp. Nhà thơ Nguyễn Khắc Hiếu lấy núi Tản, sông Đà quê mình ghép lại thành bút danh Tản Đà.

Nhạc sĩ Thuận Yến, tên thật là Đoàn Hữu Công, ông lấy hai chữ Duy Thuận quê cha ghép với Duy Yên quê mẹ thành tên Thuận Yên, người biên tập tưởng nhầm là Yến, nên Đài Tiếng nói Việt Nam đọc là Thuận Yến. Ông ở chiến trường làm sao sửa được, thế là… có một nhạc sĩ Thuận Yến đi vào lòng người.

Nhà văn Ma Văn Kháng nhà ở mép hồ Ngọc Khánh cạnh khách sạn DAEWOO Hà Nội. Ông chỉ cần viết hoa chữ Hồ là có một cái tên nghe rất lịch lãm: Hồ Ngọc Khánh. Và có lẽ mỗi lần lên trông nhà cho con ở cạnh cầu Trung Hoà, vừa trông nhà, vừa trông cháu, vừa viết văn, ông chỉ cần viết chữ cầu theo âm Hán là thêm một bút danh khá hay: Kiều Trung Hoà. Nhiều người cứ nghĩ đó chính là họ Kiều của Kiều Nguyệt Nga.

Có một cách lập bút danh cũng khá phổ biến đó là “lái chữ, lái dấu” chẳng hạn như Phù Thăng (…Phu), Chu Thăng (…Chu), Trường Thăng (…Trương), hay Huyền Cương (Cường), Thanh Huyền (Thành)… Cũng có người lấy tính chất công việc làm bút danh như: Thợ Rèn, Thợ Xây, Thợ Hàn… Lang Là, Hai Cù Nèo…

Có những cái tên nghe rất “Tàu” như Tào Mạt, người đọc cứ tưởng tác giả có họ hàng với Tào Ngu, hay rất tây như TCHYA, nhưng chẳng tây chút nào khi được biết đó là các con chữ được ghép lại bởi “Tôi chưa hề yêu ai”.

Đã hơn 10 năm nay, phụ nữ nước ta nhiều nơi khá quen với cái tên Quỹ TYM cho phữ nữ vay vốn xoá nghèo. Đây cũng là tên ghép từ 3 chữ Ta Yêu Mình (I love you) do tiến sĩ Ariste đặt.

Có một điều là tên cúng cơm thì do cha mẹ hoặc người thân đặt cho, còn bút danh, nghệ danh thì hầu hết là do tự mình chọn lấy. Nhưng vấn đề đáng nói là: tên,bút danh hay nghệ danh là để phân biệt giữa người này với người khác, ấy thế mà chẳng hiểu vì sao lại có hiện tượng một số nghệ sĩ trẻ lấy “trùng sít sịt” tên những nghệ sĩ, ca sĩ đã thành danh, nổi tiếng gây nên biết bao phiền phức!

Đã có lần khán giả Đà Nẵng phản ứng khá gay gắt vì có đoàn văn công từ Hà Nội vào, trương cái biển “ca sĩ Thu Hiền biểu diễn”, nhưng mua vé vào rạp Trưng Vương rồi thì mới té ngửa ra là một ca sĩ Thu Hiền mới toanh! Đúng là ca sĩ này cha mẹ đẻ ra đặt cho cái tên Thu Hiền thật, nhưng khán giả có nghĩ thế đâu! Gần đây lại có thêm các ca sĩ trẻ cũng mang tên Hồng Nhung, Lan Hương, Lệ Quyên… Thật trớ trêu là đã có một ca sĩ, nghệ sĩ nhân dân Thương Huyền… và rồi lại xuất hiện một ca sĩ Thương Huyền tầm tầm bậc trung. Dẫu vô tình, thì cũng bị nhiều người cho là cố ý. Phải chăng là chủ định lập lờ của các bầu sô?

Việc này xem ra giải quyết quá dễ. Mấy mươi năm trước có ca sĩ Thanh Hoà, sau có thêm một giọng hát Thanh Hoà nữa… thế là Thanh Hoà sau đổi thành Thanh Thanh Hoà, một cái tên rất được mến mộ.

Và, lại càng đơn giản, nếu không muốn vậy, thì gọi cả họ ra lại càng chững chạc có sao đâu? Ai cũng biết khi Thể Công có một Hồng Sơn đá bóng nỗi tiếng thì Cảng Sài Gòn khi có thêm một Hồng Sơn được gọi cả họ Huỳnh Hồng Sơn thật đẹp biết bao!

Tuy vậy, có trường hợp gọi cả họ ra mà vẫn còn trùng. Hà Nội mấy năm rồi có hai Thu Hà ca sĩ cùng hát khá hay. Một cô mang họ Trần, một cô mang họ Võ, phân biệt ngay từ đầu. Võ Thu Hà thì chẳng trùng ai, nhưng Trần Thu Hà trong giới âm nhạc lại có một nghệ sĩ biểu diễn dương cầm nổi tiếng Trần Thu Hà, và hình như trong số học sinh học hát lại mới thêm một Trần Thu Hà… Nhìn trên truyền hình, có thể khán giả phân biệt được, nhưng sản phẩm “audio” chắc phải ghi thêm Pianist để phân biệt giáo sư, tiến sĩ Trần Thu Hà với ca sĩ Trần Thu Hà, nếu không bạn bè ở xa dễ lầm có một Trần Thu Hà người Hà Nội đàn hay hát giỏi.

Cả hai người đều muốn vậy. Mới 2 cô cháu cùng họ, cùng tên, cùng nghề mà đã phiền phức như vậy, nếu có một Trần Thu Hà nữa thành danh, người đi sau xin hãy noi gương các nhà “công thương nghiệp” đăng kí “nhãn hiệu trình toà” mà tự mình tìm cho mình một cái tên… chắc sẽ hay hơn.

Trên văn đàn, mấy chục năm qua nhà thơ Trần Lê Văn đã trở thành cây đa, cây đề, ấy vậy mà mấy năm gần đây lại xuất hiện một Trần Lê Văn nữa, người sau muốn đứng được thì dù có dài dòng cũng xin ghi đủ “Quãng đãi Trần Lê Văn” Đài Tiếng Nói Việt Nam đã có một nhạc sĩ Mộng Lân, thì nhạc sĩ Mộng Lân ở Quảng Bình ngay từ thời bom đạn vẫn được gọi đầy đủ Quách Mộng Lân. Đã có một nhạc sĩ Thanh Tùng được nhiều người mến mộ thì các nhạc sĩ Thanh Tùng sau đó là Trần Thanh Tùng, Nguyễn Thanh Tùng… là điều cần thiết của những người biết tự trọng.

Tên nghệ sĩ, ca sĩ, bút danh… trong cơ chế thị trường chính là thương hiệu. Nếu hiểu đúng ý nghĩa như vậy thì các văn sĩ, nghệ sĩ chắc không ai tự chấp nhận mình là “hàng nhái”.

Thương hiệu đâu phải cứ xuất hiện là buộc bất biến suốt đời, mà tuỳ “chủ nhân”…Chẳng hạn ca sĩ Chill Trinh ở Lâm Đồng, sau khi có tiếng đổi thành Bonneur Trinh thì cũng có sao. Vậy vì sao, hiện nay vẫn còn tình trạng lập lờ… tên gọi ?

 
Nguyễn Lương Phán

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm