Bùng nổ thi nhan sắc Việt năm 2022: Hoa hậu ở đâu mà nhiều đến thế?
(Dân trí) - Năm 2022, khán giả Việt Nam truyền tai nhau câu nói vui: "Đây là năm… lạm phát hoa hậu!"
Chưa bao giờ khán giả Việt cảm thấy "ngán" khi nhắc đến 2 chữ "hoa hậu" như vừa qua. Theo số liệu của Cục Nghệ thuật Biểu diễn, chỉ trong vòng 12 tháng, Việt Nam đã có hơn 20 cuộc thi hoa hậu diễn ra. Có những cuộc thi thâm niên, nhưng cũng có nhiều cuộc thi lần đầu được tổ chức. Thậm chí có trường hợp, 2 cuộc thi hoa hậu diễn ra cùng một buổi tối với 2 nàng hậu đăng quang cùng thời điểm.
Tình trạng bùng nổ các cuộc thi nhan sắc được ví như "nấm mọc sau mưa", khiến danh xưng hoa hậu bỗng dưng… giảm giá trị. Nhiều khán giả bình luận hoa hậu đăng quang nhiều đến mức họ không thể nhớ mặt, nhớ tên. "Ra ngõ gặp hoa hậu, sáng mở mắt ra lên Facebook cũng gặp hoa hậu" - một khán giả nhận xét. Chưa kể có những cuộc thi có tới 5 á hậu, ai cũng có danh hiệu, vui cả làng! Lại có những người đẹp vừa kết thúc cuộc thi nhan sắc này, lại vội vàng tham gia một cuộc thi nhan sắc khác, bận rộn không khác gì… chạy show.
Không chỉ xảy ra tình trạng "nhẵn mặt" thí sinh, các cuộc thi còn chồng chéo về… tên gọi. Một câu chuyện bi hài gây ồn ào năm 2022 là vụ tranh chấp danh xưng tiếng Việt giữa Miss Grand Vietnam và Miss Peace Vietnam. Hai bên đều tự nhận là "Hoa hậu hòa bình", nhưng rồi lại tranh cãi, kiện tụng nhau. Một cái tên khác cũng đang được sử dụng nhiều là "hoa hậu du lịch". Năm qua đã có ít nhất 4 cuộc thi gồm: Hoa hậu Du lịch Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu Du lịch Việt Nam, Hoa hậu Du lịch biển Việt Nam và Hoa hậu Du lịch bản sắc Việt.
Theo ông bầu Phúc Nguyễn - người gắn bó với nhiều cuộc thi hoa hậu tại Việt Nam, thực trạng tràn lan, chồng chéo các cuộc thi sắc đẹp đang là "nỗi nhức nhối" với người trong nghề. "Trước đây, danh hiệu hoa hậu là điều rất cao quý, là niềm tự hào và là ước mơ của nhiều cô gái trẻ. Hiện tại, cụm từ hoa hậu đang trở nên quá dễ dãi. Các cuộc thi ào ạt tổ chức, vàng thau lẫn lộn, không cần yêu cầu chuyên môn hay điều kiện khắt khe như trước. Nhà nhà tạo ra hoa hậu, thì thử hỏi, cần gì một chuyên gia đào tạo hoa hậu nữa?", ông Phúc Nguyễn chia sẻ với phóng viên Dân trí.
Ngoại trừ những cuộc thi đã có thương hiệu như Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Thế giới Việt Nam… đa số sân chơi nhỏ lẻ còn lại đều vướng tranh cãi.
Một số cuộc thi lộ rõ mặt bằng thí sinh yếu kém, khâu tổ chức lộn xộn. Đơn vị tổ chức Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu từng bị phạt 20 triệu đồng vì tổ chức không đúng với đề án được cấp phép. Những cuộc thi khác như Miss Peace Vietnam, Hoa hậu Thể thao Việt Nam hay Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam lại được nhắc đến với loạt ồn ào về chất lượng. Trong các cuộc thi này, không ít thí sinh trở thành trò cười với những màn ứng xử ngô nghê, ấp úng, thậm chí lạc đề.
Lại có những cuộc thi học hỏi hình thức của nước ngoài nhưng lại gây nhiều tranh cãi khi áp dụng như Hoa hậu Hòa bình Việt Nam (Miss Grand Vietnam). Chắc hẳn nhiều khán giả không thể quên phần hô tên giới thiệu như "gào thét" của một số thí sinh trong đêm chung khảo cuộc thi này. Hét càng to càng được chú ý nên không ít người đẹp chấp nhận hy sinh sự duyên dáng, thanh lịch trước ống kính. Dân mạng nhận xét họ cảm thấy như đang xem... tấu hài, chứ không phải một cuộc thi sắc đẹp!
Điều đáng nói, theo quan niệm truyền thống, hoa hậu nhất định phải đẹp và chuẩn mực. Còn bây giờ thì… hoa hậu vừa đăng quang đã vướng ngay ồn ào! Điển hình như trường hợp của Hoa hậu Thể thao Việt Nam 2022 Đoàn Thu Thủy. Chỉ vài tiếng sau khi vương miện được trao, cô đã bị "đào" lại nghi vấn hút bóng cười. Hay như Nông Thúy Hằng, vừa đăng quang Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2022, đã vướng loạt tin đồn "cặp đại gia", "quảng cáo website 18+", "khai gian chiều cao"... Dù các người đẹp đã lên tiếng phân trần, phủ nhận nhưng những lùm xùm hậu đăng quang thế này cũng khiến danh xưng hoa hậu trở nên "mất giá" hơn bao giờ hết.
Một câu hỏi khác cũng được khán giả đặt ra là sau khi cuộc thi khép lại, các hoa hậu, á hậu sẽ đi về đâu và mang lại giá trị gì cho xã hội? Bởi lẽ, cuộc thi nào cũng hô vang thông điệp ý nghĩa, lựa chọn đại diện thực hiện nhiều dự án cộng đồng. Tuy nhiên, những mục tiêu như bảo vệ môi trường, thúc đẩy du lịch, hướng đến hòa bình… thực tế diễn ra đến đâu, các người đẹp có đóng góp gì cho cộng đồng, thì vẫn còn bỏ ngỏ.
Chia sẻ về câu chuyện "hậu đăng quang", ông Trần Việt Bảo Hoàng - CEO UniCorp (đơn vị sở hữu cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam) nói với phóng viên Dân trí: "Không phải Ban Tổ chức nào cũng đủ năng lực để đồng hành cùng thí sinh sau khi họ đăng quang. Tôi thấy nhiều người chiến thắng "bơ vơ" trong sứ mệnh của họ. Họ có thể muốn lan tỏa điều tích cực, nhưng một cá nhân đơn lẻ thì rất khó hoàn thành sứ mệnh to lớn mà toàn thể cuộc thi đặt ra".
Theo ông Bảo Hoàng, việc tổ chức nhiều cuộc thi sắc đẹp không phải là nguyên nhân chính làm cho danh xưng "hoa hậu" trở nên mất giá. "Tình trạng hỗn loạn năm nay là do một số cuộc thi tổ chức không đúng cách, cũng như lùm xùm đời tư của thí sinh sau đăng quang. Theo tôi, sự bùng nổ số lượng sẽ không kéo dài lâu. Cuộc thi nào chất lượng kém sẽ bị đào thải", ông Hoàng nói.
Suy cho cùng, các cuộc thi hoa hậu dù vướng ồn ào, nhưng cũng đã làm tốt vai trò "giải trí" cho khán giả. Điều quan trọng là nếu muốn đi xa hơn chữ "giải trí", thì chất lượng cũng cần nâng cao. Nếu các hoa hậu có kiến thức tốt, nếu Ban giám khảo có đủ khả năng, nếu cuộc thi tổ chức chuyên nghiệp, thì tin chắc rằng khán giả sẽ không bao giờ quay lưng với người đẹp.