Bức tranh khỏa thân hiếm hoi có tính bước ngoặt trong lịch sử hội họa Việt
(Dân trí) - Bức "Khỏa thân" từng là bức tranh đắt giá nhất của hội họa Việt xuất hiện trên thị trường đấu giá quốc tế, trước khi bức "Chân dung Madam Phương" xuất hiện.
Bức "Khỏa thân" được danh họa Lê Phổ thực hiện bằng chất liệu sơn dầu hồi năm 1931. Bức họa khổ lớn có kích thước 90 x 180 cm.
Tác phẩm từng được nhà đấu giá Christie Hồng Kông đưa ra đấu giá hồi năm 2019 với mức giá ước đoán dao động trong khoảng từ 4 triệu tới 6 triệu đô la Hồng Kông, nhưng khi phiên đấu giá thực sự diễn ra, mức giá đạt được lên tới 10.925.000 đô la Hồng Kông (tương đương gần 32 tỷ đồng).
Bức "Khỏa thân" liền trở thành bức tranh đắt giá nhất của hội họa Việt xuất hiện trên thị trường đấu giá quốc tế tại thời điểm đó, trước khi bức "Chân dung Madam Phương" của danh họa Mai Trung Thứ phá vỡ kỷ lục này hồi tháng 4 năm nay.
Bức "Khỏa thân" của Lê Phổ có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp hội họa của riêng họa sĩ và cũng được xem như một dấu mốc có tính bước ngoặt trong hội họa Việt Nam nói chung. Khi danh họa Lê Phổ thực hiện tác phẩm khỏa thân có tính chân thực cao này tại Hà Nội hồi năm 1931, ông đã là một họa sĩ được công nhận về mặt tài năng trong giới văn nghệ sĩ tại Hà Nội lúc bấy giờ.
Đã nhận tấm bằng tốt nghiệp từ trường Mỹ thuật Đông Dương từ một năm trước đó, Lê Phổ đang chuẩn bị các công việc để hỗ trợ cho người đứng đầu trường Mỹ thuật Đông Dương khi đó - ông Victor Tardieu đưa những tác phẩm được thực hiện bởi các sinh viên trong trường đi dự triển lãm tổ chức ở Paris trong năm 1931.
Thực tế, khỏa thân là một đề tài rất nhạy cảm đối với quan niệm của người Việt Nam thời bấy giờ. Nhưng khi theo học tại trường Mỹ thuật Đông Dương, các sinh viên đã được làm quen và hiểu về tầm quan trọng của đề tài khỏa thân trong mỹ thuật, với cách nhìn nhận cởi mở và phóng khoáng của hội họa phương Tây, đề cao vẻ đẹp cơ thể người như một đề tài lớn trong hội họa.
Khi ấy, để có người mẫu cho những buổi luyện tập khắc họa cơ thể người, thầy trò trong trường Mỹ thuật Đông Dương đã phải xoay xở nhiều, họ buộc phải tới nhà tù, liên hệ với quản giáo để tìm một số phạm nhân nam đồng ý tham gia làm mẫu cho lớp học. Dù được luyện tập và có cách nhìn nhận mới mẻ về đề tài khỏa thân, nhưng tranh khỏa thân vẫn rất hiếm thấy trong hội họa Việt.
Tác phẩm "Khỏa thân" của Lê Phổ, được thực hiện khi danh họa đang ở tuổi 24. Trong tác phẩm hội họa độc đáo này, Lê Phổ đã thể hiện rõ tài năng hội họa và ý chí sáng tạo mạnh mẽ của mình, dám phá vỡ những giới hạn của định kiến.
Chúng ta hoàn toàn có thể hình dung một bức tranh như "Khỏa thân" khi ra mắt có thể gây nên những chấn động như thế nào trong giới hội họa Việt Nam đương thời. Với bức "Khỏa thân", Lê Phổ đã tạo nên một hướng đi mới vượt ra ngoài những giới hạn truyền thống trước đó, cho thấy sự tinh tế và tầm nhìn trong tài năng hội họa của Lê Phổ.
Những bông hoa xuất hiện trong tranh như nhắc nhớ người xem rằng vẻ đẹp rất mong manh và thời gian sẽ làm héo tàn vẻ đẹp. Người phụ nữ xuất hiện trong tranh là một người phụ nữ phương Tây kiều diễm.
Lúc sinh thời, danh họa Lê Phổ (1907 - 2001) rất yêu thích bức tranh này, nên khi sang Pháp định cư năm 1937, ông đã mang theo bức họa và luôn giữ tác phẩm trong căn hộ nhỏ mà ông thuê thuở ban đầu tại Paris, Pháp.
Dù vậy, sau cùng, ông đã cầm cố bức tranh này như một vật làm tin với bà chủ nhà để dàn xếp khoản tiền thuê nhà khi chưa kịp trả trong lúc ông có việc gấp cần đi xa. Về sau, bức họa đã thuộc về bà chủ nhà, người phụ nữ bán bức tranh đi và kể từ đó, bức tranh bắt đầu hành trình đi qua tay các vị chủ nhân mới.