Bức “Tiếng thét” hóa ra không khắc họa người đang... thét

(Dân trí) - Trước nay, nhiều người tưởng rằng tác phẩm hội họa nổi tiếng - bức “Tiếng thét” - khắc họa một người đang thét gào, nhưng hóa ra hoàn toàn không phải vậy.

725px-Edvard_Munch,_1893,_The_Scream,_oil,_tempera_and_pastel_on_cardboard,_91_x_73_cm,_National_Gallery_of_Norway.jpg

Bức “Tiếng thét” (1893)

Tác phẩm hội họa nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của danh họa người Na Uy - Edvard Munch (1863-1944) - chính là loạt tranh “Tiếng thét”. Trước nay, nhiều người vẫn tưởng rằng bức tranh khắc họa một người đang thét gào nhưng không phải, đây là điều vừa được Bảo tàng Anh (London, Anh) khẳng định.

Thực tế, tác phẩm nổi tiếng này khắc họa một người đang nghe thấy một tiếng thét rùng rợn. Sắp tới đây, Bảo tàng Anh sẽ trưng bày một bức in thạch bản đen trắng do Edvard Munch thực hiện. Đây được xem là bức họa làm rõ thêm nội dung của loạt tranh “Tiếng thét”.

Sắp tới đây, Bảo tàng Anh sẽ trưng bày nhiều tác phẩm của Munch, nhân dịp này, bảo tàng muốn làm rõ thêm ý nghĩa về tác phẩm nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của ông: “Bức tranh đen trắng này là một phiên bản hiếm của loạt tranh ‘Tiếng thét’, nó cho thấy rõ rằng Munch khắc họa một người đang nghe thấy ‘tiếng thét’, chứ không hề tạo ra ‘tiếng thét’ như vẫn tưởng”.

Mặc dù vậy, việc “tiếng thét” là thật hay ảo, là bên trong nội tâm nhân vật vọng ra hay từ ngoại cảnh vọng vào là điều không thể khẳng định. Bức họa đen trắng thực hiện bằng phương pháp in thạch bản có một dòng chữ đề bên dưới tranh rằng: “Tôi cảm thấy tiếng thét lớn xuyên suốt tự nhiên”.

25.jpg

Bức họa đen trắng thực hiện bằng phương pháp in thạch bản của Munch

Những câu chữ này dành để nói về khoảnh khắc Munch có cảm hứng để thực hiện bức tranh, đó là một ngày khi ông đang dạo bộ ở Oslo (Na Uy) hồi năm 1892, Munch chứng kiến bầu trời bỗng chuyển sang màu đỏ rực.

Trong cuộc đời mình, Munch đã thực hiện nhiều phiên bản “Tiếng thét”, trong đó, với bức in thạch bản đen trắng này, ông thực hiện thêm dòng tựa để khẳng định về nguồn cảm hứng đến với mình - một nỗi hoang mang bất chợt mà ông cảm nhận thấy.

Ngoài ra, loạt tranh “Tiếng thét” còn có những điều bí mật ít biết:

Phần đầu của nhân vật trong “Tiếng thét” trông giống... bóng đèn

675px-Skrik_1893.jpg

Một phiên bản được Munch thực hiện trong cùng năm 1893

Bức tranh khắc họa một hình người như thể đang hú hét, trước nay, đây vẫn luôn là một nguyên mẫu biểu tượng khắc họa cho nỗi hoảng hốt trước sự tồn tại, luôn khiến các nhà phân tích hội họa mải mê bình luận. Gương mặt của hình người ấy trông giống như một… bóng đèn đang cháy sáng.

Munch là một người rất quan tâm hứng thú tới những phát minh khoa học của thời đại bấy giờ, đó là những phát minh, cải tiến công nghệ giúp đưa điện vào trong cuộc sống. Khi ấy, hình ảnh chiếc bóng đèn cháy sáng là một biểu tượng. Munch từng chia sẻ trong cuốn nhật ký của mình rằng ông bị ám ảnh bởi những phát minh công nghệ của thời đại mình đang sống.

Hình ảnh những chiếc bóng đèn cháy sáng xuất hiện ngày càng nhiều ở Châu Âu thời bấy giờ hẳn đã in sâu vào tâm trí của Munch và giúp ông tạo nên siêu phẩm “Tiếng thét”.

Cuộc đời khốn khổ của Edvard Munch

26.jpg

Danh họa Edvard Munch

Nổi tiếng với loạt tranh kinh điển “Tiếng thét”, danh họa người Na Uy Edvard Munch (1863-1944) cũng bị căn bệnh thần kinh hành hạ.

Ông luôn bị ám ảnh rằng thần chết đang gõ cửa nhà mình, giấc ngủ của ông thường bị gián đoạn bởi những cơn ác mộng kinh hoàng, ông cũng thường nhìn thấy những hình ảnh ma quỷ rùng rợn… Chính những điều này đã gây ảnh hưởng đối với phong cách sáng tạo của Munch.

Khi sự lo lắng và chứng ảo giác của ông ngày càng trở nên trầm trọng, Munch bị suy sụp nặng nề. Tuy vậy, may mắn là các liệu pháp chữa trị tâm lý đã phát huy tác dụng đối với ông.

Munch từng viết gì trong nhật ký về bức “Tiếng thét”?

725px-The_Scream_by_Edvard_Munch,_1893_-_Nasjonalgalleriet.png

Một phiên bản khác được Munch thực hiện trong cùng năm 1893

Bức “Tiếng thét” là một trong những họa phẩm có sức sống lâu bền và được nhớ đến nhiều nhất trong lịch sử hội họa hiện đại, đó là một hình người “xương xẩu”, méo mó, miệng há, gương mặt biểu lộ nỗi kinh hoàng đứng trước một hậu cảnh là bầu trời đỏ rực đầy đe dọa.

Danh họa Edvard Munch đã được truyền cảm hứng thực hiện bức tranh này khi một lần trong người đang không khỏe, ông đi ngang qua một cây cầu bắc qua vịnh hẹp, đúng lúc mặt trời lặn, Munch cảm thấy như thể có một tiếng thét câm lặng đang lan đi trong không gian.

Munch viết trong nhật ký của mình: “Ta nghe thấy tiếng thét và vẽ bức tranh này, vẽ những đám mây như thể mang màu máu. Màu sắc làm nên tiếng thét inh tai”. Thường người xem chỉ tập trung vào hình người biểu lộ nỗi kinh hoàng nằm ở tiền cảnh, sau nữa là dòng nước gần như đen kịt và bầu trời đỏ rực như sắp tận thế.

Ít người để ý tới hai bóng đen ở phía hậu cảnh, hai cái bóng xuất hiện cũng đầy vẻ đe dọa. Thực tế, đây là hình ảnh gợi nhắc tới hai người bạn đã đi cùng với Munch trên cây cầu “định mệnh” giúp ông sáng tác nên siêu phẩm.

Munch từng viết lên khung của một trong 4 phiên bản của bức “Tiếng thét” rằng: “Tôi đi trên cầu cùng hai người bạn. Mặt trời lặn. Trời bỗng đỏ rực. Tôi dừng lại, kiệt sức, dựa vào thành cầu. Các bạn tôi bước tiếp. Tôi đứng đó run lên lo sợ. Tôi cảm thấy tiếng thét vô tận lan đi trong không gian”.

Bích Ngọc
Theo Daily Telegraph