Bức “Tiếng thét” của Edvard Munch cần phải được... giãn cách

(Dân trí) - Người yêu hội họa sắp tới có thể sẽ phải đứng từ xa chiêm ngưỡng bức “Tiếng thét” (thực hiện hồi năm 1910), bởi độ ẩm đang gây tổn hại đối với màu sắc trên tác phẩm.

Bức “Tiếng thét” của Edvard Munch cần phải được... giãn cách - 1

Người yêu hội họa sắp tới có thể sẽ phải đứng từ xa chiêm ngưỡng bức “Tiếng thét” (thực hiện hồi năm 1910), bởi độ ẩm đang gây tổn hại đối với màu sắc trên tác phẩm

Một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã cùng nhau tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới việc màu sơn của tác phẩm bị xuống cấp qua năm tháng, họ đã phát hiện ra rằng danh họa Edvard Munch đã sử dụng một tuýp sơn màu vàng có chất lượng kém, điều này có thể dẫn tới việc màu sắc của tranh bị mờ nhạt đi và bay màu nhanh hơn bình thường, cho dù điều kiện về độ ẩm trong không khí ở mức thấp.

Điều này khiến các nhà khoa học lo ngại rằng việc công chúng có thể lại gần chiêm ngưỡng tác phẩm về lâu dài là điều không có lợi, hơi thở của đám đông ngày qua ngày sẽ tác động tới sự xuống cấp của tác phẩm với tốc độ nhanh hơn nữa.

Bức “Tiếng thét” có 4 phiên bản, được danh họa Munch thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 1893 tới 1910. Phiên bản thực hiện hồi năm 1910 mà chúng ta đang nói tới ở đây hiện tại đang được trưng bày tại Bảo tàng Munch, một bảo tàng nghệ thuật nằm ở Oslo, Na Uy, chuyên dành để tôn vinh cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của danh họa người Na Uy Edvard Munch (1863 - 1944).

Bức vẽ đã từng bị đánh cắp khỏi bảo tàng hồi năm 2004 nhưng sau đó đã được tìm thấy lại vào năm 2006. Vì tuýp sơn màu vàng kém chất lượng mà giờ đây bức vẽ của danh họa với những nét ban đầu là màu vàng tươi thì nay chuyển sang màu trắng đục. Màu sắc của buổi hoàng hôn trong tranh hay màu da của nhân vật trung tâm đã bị biến đổi so với nguyên bản.

Màu vàng được sử dụng khá nhiều trong việc khắc họa hồ nước xuất hiện phía trên nhân vật cũng đã phai nhạt dần qua thời gian.

Chiêm ngưỡng một số tác phẩm của danh họa Edvard Munch trong Bảo tàng Munch

“Thay vì sử dụng tuýp màu vàng được làm với chất lượng cao, danh họa đã mua phải một tuýp màu có pha nhiều tạp chất. Tôi không nghĩ đó là một hành động có chủ ý, chỉ là vị danh họa đã không may mua phải một tuýp màu không có chất lượng tốt do quá trình sản xuất không được thực hiện chu đáo.

“Lúc này là năm 1910, ở thời điểm này, việc sản xuất màu sơn chưa có được sự kiểm soát chất lượng rõ ràng”, giáo sư Koen Janssens đến từ trường Đại học Antwerp (Bỉ) nhận định.

Các nhà khoa học đến từ Bỉ, Ý, Mỹ, Brazil... đã cùng tham gia vào cuộc nghiên cứu này. Thoạt tiên họ kiểm tra xem liệu việc giảm cường độ chiếu sáng lên tranh có thể là nhân tố giúp bảo vệ bức tranh khỏi xuống cấp được không.

“Nhưng hóa ra ánh sáng không thực sự gây hại cho tác phẩm nên không cần phải giảm cường độ chiếu sáng xuống dưới mức thông thường. Chúng tôi bắt đầu xem xét tới yếu tố độ ẩm trong bảo tàng, về việc cách ly bức tranh khỏi đám đông những người chiêm ngưỡng nó, theo một cách nào đó để người ta vẫn có thể chiêm ngưỡng tranh, nhưng sẽ không thở lên bề mặt tác phẩm.

“Khi mọi người hít thở, họ tạo ra độ ẩm, nói chung, với các bức tranh, đây không phải điều có lợi, việc để bức tranh quá gần với người xem sẽ khiến hơi thở của họ về lâu dài tác động tới tác phẩm”, ông Janssens chia sẻ.

Bảo tàng Munch nằm ở thành phố Oslo sẽ chuyển tới một địa điểm mới trong thành phố vào năm nay, phát hiện của các nhà nghiên cứu sẽ giúp ban quản lý bảo tàng thiết kế lại cách trưng bày tác phẩm trong tương lai.

Điểm đến văn hóa: Edvard Munch, bức "Tiếng thét" và thành phố Oslo

Ông Janssens cho hay: “Ban quản lý bảo tàng sẽ có thể đưa ra nhiều quyết định về cách trưng bày và bảo vệ tranh khỏi những sự tác động. Đó cũng là điều mà họ đã nói với chúng tôi. Họ sẽ sắp xếp để giảm độ ẩm trong gian trưng bày. Mức tiêu chuẩn là độ ẩm 50% nhưng họ sẽ để xuống một mức thấp hơn nữa”.

Hồi năm 2004, bức “Tiếng thét”, phiên bản thực hiện năm 1910 đã bị đánh cắp cùng với bức “Madonna” vốn cũng do danh họa Edvard Munch thực hiện. Vụ việc gây ra bởi hai kẻ trộm bịt mặt có mang súng. Sự việc xảy ra ngay giữa ban ngày hồi tháng 8/2004. Hai năm sau, người ta tìm thấy lại cả hai bức tranh.

Trong vụ cướp tranh táo tợn đó, hai kẻ trộm đã khống chế bốn nhân viên bảo vệ không có vũ trang của Bảo tàng Munch, hai tên này yêu cầu tất cả khách tham quan phải nằm xuống sàn, chúng giật tác phẩm xuống khỏi tường và tẩu thoát trước khi cảnh sát tới. Sau vụ việc đó, 3 người đàn ông đã nhận án tù vì liên quan tới vụ việc.

Bích Ngọc

Theo The Guardian