"Bốn năm sau và những trang viết về Điện Biên" và còn hơn thế nữa...

Tô Sa

(Dân trí) - "Điện Biên lẫn lộn giữa hoang vu và bàn tay người, giữa gian khổ và cố gắng, giữa hỗn độn và tổ chức, giữa chiến tranh và xây dựng... Tất cả đều ở trong một sự hỗn độn, ngổn ngang, chờ đợi, vươn lên".

Bốn năm sau và những trang viết về Điện Biên là tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, do chính con trai ông là Nguyễn Huy Thắng biên soạn và chú dẫn.

Nguyễn Huy Tưởng là người dẫn đoàn nhà văn đầu tiên lên Điện Biên Phủ (Tổ Điện Biên) kể từ sau ngày chiến sự; tham gia vào mọi công việc lao động thường nhật của các chiến sĩ xây dựng mảnh đất Tây Bắc lịch sử này.

Tác phẩm được thai nghén chính trong cái khó khăn, vất vả của một đời sống xây dựng chuyên cần, vị lai, không ngưng nghỉ một phút giây nào ấy. 

Nội dung cuốn sách gồm hai phần. Tiểu thuyết Bốn năm sau kể về công cuộc tái thiết Điện Biên của các chiến sĩ sư đoàn 316, bốn năm sau ngày giải phóng (tác phẩm đạt giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật).

Phần hai là những trang nhật ký của tác giả, cùng thư từ gửi về cho gia đình, bạn bè văn nghệ trong chuyến đi thực tế dài hơn bốn tháng (8-12/1958) ở Điện Biên.

Bốn năm sau và những trang viết về Điện Biên và còn hơn thế nữa... - 1

Bìa sách "Bốn năm sau và những trang viết về Điện Biên" (Ảnh: Nhà xuất bản Trẻ).

Tác phẩm cho thấy những câu chuyện hậu chiến thắng "chấn động địa cầu". Những con người lao động kiến thiết quên mình, những số phận éo le điển hình của giai đoạn đặc thù đó, những đấu tranh âm thầm, bền bỉ trong nhận thức nhằm gìn giữ thành quả cách mạng.

Tất thảy công cuộc gian nan này của đất và người Điện Biên thời bình khi họng pháo đã im tiếng, ở trạng thái "giữa hoang vu và bàn tay con người", mà chính vì thế vẫn mang "một sức hấp dẫn lạ lùng". 

Điểm nhấn của tác phẩm chính là những trang nhật ký và thư gửi từ Điện Biên của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng: Mỗi dòng chữ đều cho thấy phẩm chất chân thành của một nhà văn trong công cuộc kiến thiết tổ quốc, với tất cả sự hối hả bức thiết của việc đằm mình trong thực tế để sống và viết.

Theo lời ông Nguyễn Huy Thắng: "Chúng ta cảm thấy sự chân thành của tác giả đối với mảnh đất và con người nơi đây. Ông trân trọng từng kết quả lao động của các chiến sĩ cũng sâu sắc như lòng cảm thông với những khó khăn, thắc mắc của họ.

Ông tin tưởng vào tương lai tươi sáng của thành phố Điện Biên cũng dứt khoát như khi nhìn thẳng vào thực trạng ngổn ngang, hỗn độn của mảnh đất chiến trường xưa. Nhưng như chính Nguyễn Huy Tưởng đã từng viết: cuộc sống cứ đi và bao giờ cũng thắng…".

Bốn năm sau và những trang viết về Điện Biên và còn hơn thế nữa... - 2

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (Ảnh: Tư liệu).

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (1912-1960) tham gia nhóm Văn hóa Cứu quốc, trở thành người lãnh đạo chủ chốt của Hội Văn hóa cứu quốc sau Cách mạng tháng Tám.

Ông là đại biểu Quốc hội khóa một năm 1946, là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, sáng lập và giữ chức giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng.

Ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 1996.

Sự nghiệp sáng tác của nhà văn ghi dấu ấn với nhiều tiểu thuyết, như: Đêm hội Long Trì, An Tư công chúa, Sống mãi với thủ đô, Lá cờ thêu sáu chữ vàng.

Là nhà viết kịch, Nguyễn Huy Tưởng để lại nhiều kịch bản có sức sống lâu bền, có thể kể đến Vũ Như Tô, Bắc Sơn, Lũy hoa.

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024), Nhà xuất bản Trẻ phát hành bộ sách với thiết kế bìa đồng bộ của họa sĩ Mai Quế Vũ.

Khác với công trình nghiên cứu đồ sộ về lịch sử, bộ sách có nội dung tuyển chọn, trình bày hiện đại, rõ ràng, bìa mềm, độ dày vừa phải, hướng đến bạn đọc trẻ và các tủ sách cơ quan, doanh nghiệp.

Bộ sách Điện Biên Phủ quy tụ tác phẩm của nhiều tác giả nổi tiếng: Hữu Mai, Lưu Trọng Lân, Trần Thái Bình, Nguyễn Huy Tưởng, Hoàng Minh Phương…

Sự đa dạng về thể loại (tiểu thuyết, thư từ,  bài viết, ghi chép lịch sử) đã giúp bộ sách dễ tiếp nhận đối với nhiều đối tượng.