Bồi hồi những kỷ niệm

(Dân trí) - Hồi ức chiến tranh, người ta hay kể về những chiến công, điều tôi kể là người lính chiến thắng chính mình như một điều giản dị, giản dị nhưng không phải ai cũng làm được.

Bồi hồi những kỷ niệm


Hai mươi năm tròn theo suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cho đến ngày toàn thắng, 40 năm ngày hội lớn của toàn dân tộc, ngày thống nhất non sông, đủ đầy những ký ức của một người lính, được ôn lại cảm xúc những năm tháng hào hùng đó thật tuyệt vời!

Chúng tôi được đón nhận tin chiến thắng 30 tháng 4 từ đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam giữa lòng thủ đô trong một buổi tập chuẩn bị tiết mục mới cho cuộc hành trình phương nam nếu theo đúng như dự kiến kế hoạch ban đầu: Đoàn kịch nói Tổng cục chính trị (Tiền thân Nhà hát Kịch Quân đội ngày nay) sẽ theo chân các đơn vị chiến đấu vào tiếp quản các vùng mới giải phóng từ thành phố Huế đổ vào.

Dẫu từ mấy ngày trước đã biết tin chiến sự giải phóng một số thành phố miền trung, Tây nguyên và các căn cứ cố thủ của địch cận kề thành phố Hồ Chí Minh, như Xuân Lộc, Biên Hòa, Trảng Bàng…

Nhưng không ngờ quân ta thần tốc đến thế, trưa ngày 30/4 nghe tin quân ta đã cắm cờ Giải phóng sau khi bộ đội xe tăng húc đổ cánh cổng Dinh Độc lập, tướng Dương Văn Minh Tân Tổng thống Việt Nam cộng hòa đã kêu gọi binh sĩ bỏ vũ khí và tuyên bố đầu hàng!

Bàng hoàng như một giấc mơ, lâng lâng tự hào chờ đợi có ngày này từ “30 năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công”.

Thế là từ nay cả dân tộc sống trong bình yên, sống trong hòa bình trọn vẹn. Chúng tôi muốn làm gì đó như để giải tỏa nỗi khát khao của tất cả mọi người, ào khỏi sàn tập vẫn mặc phục trang nhân vật quân ta, quân địch lao xuống sân, và như thể đang sống trong tưởng tượng giờ phút lịch sử, những diễn viên mặc trang phục quân giải phóng cầm súng gỗ hô những diễn viên mặc trang phục quân lực cộng hòa: “Ê! Các anh buông súng đầu hàng đi, trưa nay các anh sẽ được uống bia hơi bằng tiền hai bên cùng góp, đồng ý không? ” Mấy diễn viên trong bộ rằn ri lính ngụy cười hể hả:“Hà hà hà! Nghe rất chi Hòa hợp dân tộc, xong ngay!”.

Đúng lúc đó Đạo diễn Thành Ngọc Căn xuất hiện, nghiêm mặt ra khẩu lệnh: “Thôi!” Mọi người ngỡ ngàng nhìn Đạo diễn như cụt hứng, thì ông mỉm cười: “ Chiều nay cho anh em nghỉ tập, vui chơi thoải mái!” Tất cả diễn viên nhảy cẫng lên reo hò ầm ỹ, quên cả cởi phục trang, cứ thế nhảy lên những chiếc xe đạp Phượng hoàng không “Gác đờ bu”, (Trung quốc viện trợ để thồ hang chiến dịch) đi đâu các bạn biết không? Sau khẩu lệnh: “Hướng thẳng cửa hàng Giải khát, đối diện cổng trường Đại học Sư phạm, tiêu diệt cứ điểm Bia hơi Mộ tồn!” đám lính trẻ diễn viên hò reo vỗ tay lao xe phóng bạt mạng đâm cả vào nhau ngã chổng kềnh: “Úi giời! Bao nhiêu năm làm lính chưa được nghe lệnh nào hô sướng đến như vậy đi thôi anh em ơi!”

Ngay ngày hôm sau tập họp toàn đoàn nhận lệnh mới: Theo chỉ thị của cấp trên, Đoàn kịch Quân đội chúng ta sẽ lùi lịch xuất phát hướng về thành phố Hồ Chí Minh, chuẩn bị chương trình phù hợp hơn để phục vụ đồng bào các vùng mới giải phóng, ngoài những kịch mục động viên khích lệ các đơn vị bộ đội vừa lập công chiến thắng như “Đại đội trưởng của tôi”, “Đôi mắt” chúng tôi sẽ mang theo vở “Chị Nhàn” và “Nổi Gió” của tác giả Đào Hồng Cẩm, vì hai vở diễn này đề cập đến vấn đề Hòa hợp Dân tộc, những người dân, người lính ở hai đầu chiến tuyến, sau khi ngừng tiếng súng sẽ được ứng xử với nhau thế nào? Nhất là ở phía bên kia không ngừng tuyên truyền chính sách thù địch nghe rất khủng khiếp, như bọn tâm lý chiến ra sức kêu gào tất cả những ai liên quan tới quân đội và nhân viên chính quyền cộng hòa Việt Nam phải di tản ngay, nếu không quân đội Bắc Việt tiến vào sẽ mở cuộc “Đàn áp tắm máu”, những mệnh phụ và thiếu nữ xinh đẹp là vợ con họ hàng thân thích với ngụy quân, ngụy quyền sẽ bị lính Việt cộng dùng kìm rút hết móng mười đầu ngón tay…Vì vậy rất cần những tác phẩm nghệ thuật đi vào lòng người để nhân dân hiểu chân tướng của địch và chân lý của cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại này.

Không được chứng kiến những giờ phút đầu tiên của lịch sử hào hùng trong chiến dịch Hồ Chí Minh ngay tại sào huyệt, dinh lũy cuối cùng của kẻ thù, ai mà không tiếc. Nhưng nhiệm vụ mới của chúng tôi cũng thật tuyệt vời!

Không “Hành quân thần tốc” vào thành phố Hồ Chí Minh, như kế hoạch ban đầu, nhiệm vụ ở đó đã có Đoàn Ca múa Tổng cục chính trị và Đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương, còn chúng tôi có nhiệm vụ dừng lại ở các thành phố lớn từ Huế đổ vào để biểu diễn phục vụ đồng bào vùng giải phóng, phục vụ bộ đội rút về hậu cứ sau chiến thắng lịch sử.

Sau Huế sẽ vào Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Nha Trang, từ Nha Trang tiến thẳng sân bay Tân Sơn Nhất, đóng quân tại đó, rồi đi phục vụ các nơi trong thành phố, các tỉnh thành phố lân cận và đồng bằng sông Cửu Long.

Cuộc đi như thế ai bảo không thú vị? Chưa giải phóng chỉ được biết Huế qua thơ Tố Hữu, nhạc Hồ Thuận An (Trần Hoàn) chỉ được thấy Huế mộng mơ qua ảnh và những áng văn chương…Giờ được sống bên chợ Đông ba, sông Hương, cầu Tràng Tiền, những lăng tẩm chùa triền cổ kính, được sống bên các mệ, các o có giọng nói uyển chuyển nhẹ nhàng như ca cung đình Huế, bên những chàng trai đang nhìn mình ngỡ ngàng e ngại, có người hoảng sợ bởi những luận điệu tuyên truyền của địch trước khi thất thủ, vì hơn tháng trước đây họ còn mang trên mình bộ đồ rằn ri của quân lực cộng hòa Việt Nam, giờ không khỏi mặc cảm là kẻ thất thế chỉ biết chờ đợi được sống ra sao thì biết vậy.

Nhưng đặc biệt hơn chúng tôi được lưu lại Huế khá lâu, bởi phải phục vụ địa bàn khá rộng cả đồng bào Bình Trị Thiên Huế và các đơn vị từ trong nam rút ra bắc, thế là chúng tôi rơi vào trận lụt nghe nói với Huế là trận lụt thế kỷ. Chúng tôi phải đóng quân tại đồn Mang Cá, phải lấy sân khấu gỗ lưu động lắp ghép trên hội trường của chính quyền ngụy làm nơi ăn chốn ở rồi ngày ngày phải lội bì bõm ra ngoài lên các vùng đất cao ngoài tầm lũ lụt của khu vực, biểu diễn cho đồng bào dân tộc và bộ đội đóng quân nơi đó xem trước, chờ nước rút đi chúng tôi trở về thành phố phục vụ “Trả nợ”…

Chính trận lụt ấy Huế đã để lại trong chúng tôi nhiều kỷ niệm khó quên, dẫu sau này nhiều lần đi qua hay trở lại thành phố Huế mộng mơ. Làm sao quên được những ngày chợ Đông Ba cũng bị ngập, mọi sự buôn bán đi lại gặp rất nhiều khó khăn, là đơn vị quân đội có sự chuẩn bị kho tàng lương thực nhu yếu phẩm từ thời chiến không khó khăn lắm, việc cứu giúp đồng bào nghèo nằm trong vùng bão lụt là quan trọng, để nhân dân vùng mới giải phóng tin tưởng chế độ, tin yêu bộ đội là cần thiết. Cậu lái xe tải chở phông màn đơn vị tôi gặp một người dân chắc dân xe “Ôm” chở khách gạ đổi chiếc xe Suzuki đang đi để lấy một thùng lương khô Trung quốc viện trợ cho bộ đội Việt Nam nặng khoảng bẩy, tám kilogam mang về cho vợ con chạy lụt. Biết là quá hời nếu đồng ý đổi, mà lương khô đó lại phát cho mỗi lái xe ăn sáng và phòng thân dọc đường. Vậy mà cậu lái xe tặng người dân không quen biết đó nửa thùng lương khô để về chống đói bão lụt chứ không đổi xe.

Phải chăng đó là một hành động đẹp, bởi cậu lái xe ấy sinh ra từ vùng quê nghèo Hà Bắc, cha mẹ là nông dân, có con xe Suzuki buộc lên xe tải mang về quê năm 75 là oai lắm, khối anh mắt tròn mắt dẹt.

NSƯT Đức Trung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm