Bob Dylan vừa kịp nhận giải thưởng Nobel Văn học hơn 20 tỷ đồng
(Dân trí) - Khi chỉ còn 5 ngày nữa là hết hạn thực hiện bài thuyết giảng mang tính điều kiện, để được nhận giải thưởng Nobel trị giá tương đương hơn 20 tỷ đồng, nhạc sĩ Bob Dylan đã kịp hoàn tất nốt điều kiện sau cuối.
Huyền thoại âm nhạc Bob Dylan đã vừa thực hiện bài thuyết giảng Nobel được chờ đợi suốt nhiều tháng qua kể từ khi ông được xướng tên là chủ nhân của giải Nobel Văn học 2016. Đây được xem là một động thái khiến Viện hàn lâm Thụy Điển “thở phào nhẹ nhõm” khi cuối cùng, vị nhạc sĩ vốn nổi tiếng lập dị cũng đã thực hiện đầy đủ những việc làm theo thông lệ.
Việc Viện hàn lâm Thụy Điển vinh danh một nhạc sĩ ở giải thưởng văn chương danh giá nhất hành tinh đã từng là sự kiện gây xôn xao các trang tin văn hóa trên khắp thế giới, bởi đây là sự việc hy hữu lần đầu tiên xảy ra. Dù vậy, sau khi được tuyên bố là người thắng giải, nhạc sĩ - ca sĩ huyền thoại người Mỹ đã để tới nửa tháng sau mới có những phản hồi đầu tiên.
Vào thứ 2 tuần này, Bob Dylan đã khẳng định rằng không giống như văn chương, những bài hát của ông được viết ra để hát lên, không phải để đọc, và những bài hát đó chỉ có một sứ mệnh - là làm rung động người nghe, không phải để tạo nên những nghĩa lý logic.
Việc Viện hàn lâm Thụy Điển quyết định trao giải Nobel Văn học 2016 cho nhạc sĩ Bob Dylan vì “đã tạo ra những ý thơ mới mẻ trong nền âm nhạc Mỹ vĩ đại” từng bị xem là một cú sốc đối với những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng thế giới vẫn còn đang sống nhưng chưa được xướng tên tại giải thưởng danh giá này.
Trong bài thuyết giảng Nobel phải thực hiện như một điều kiện để nhận được tiền mặt đi kèm với giải thưởng, nhạc sĩ vốn nổi tiếng lảng tránh truyền thông - Bob Dylan đã nói: “Những bài hát của chúng ta sống trong mảnh đất của đời sống. Nhưng bài hát không giống như văn chương. Chúng cần phải được hát lên, không phải để đọc”.
“Nếu một bài hát khiến bạn cảm động, đó là tất cả những gì quan trọng nhất. Tôi không cần phải biết rõ ràng một bài hát có ý nghĩa cụ thể là gì. Tôi đã viết về đủ thứ trong những bài hát của mình. Và tôi sẽ không bao giờ phải lo lắng rằng những gì tôi viết ra mang ý nghĩa gì”.
Những chia sẻ này của Bob Dylan đã được đăng tải lại dưới dạng bài viết trên website chính thức của Viện hàn lâm Thụy Điển.
Bob Dylan đã không tham dự lễ trao giải Nobel tổ chức hồi cuối năm ngoái tại Stockholm (Thụy Điển) vì lý do bị trùng với lịch đã sắp xếp từ trước. Đối với giải Nobel, những người giành chiến thắng cần phải thực hiện một bài thuyết giảng trong lĩnh vực của mình trong vòng 6 tháng kể từ ngày trao giải chính thức (10/12) của năm đó.
Nếu không thực hiện bài thuyết giảng bắt buộc này, chủ nhân giải thưởng vẫn sẽ mãi được lưu danh là người từng đoạt giải Nobel, nhưng giải thưởng hiện vật, mà cụ thể là số tiền tương đương hơn 20 tỷ đồng, sẽ không được trao cho người thắng giải. Bài thuyết giảng có thể được thực hiện ở bất cứ đâu, không nhất thiết là phải diễn ra tại Stockholm (Thụy Điển).
Trong bài thuyết giảng của mình, Bob Dylan đã kể về việc các nhạc sĩ Mỹ như Buddy Holly và Lead Belly đã đưa cậu thiếu niên Bob Dylan bước vào một thế giới chưa từng biết đến; ngoài ra, Dylan còn nói về ba cuốn sách mà ông yêu thích nhất - “Moby Dick” (Herman Melville), “Phía Tây không có gì lạ” (Erich Maria Remarque), và “Odyssey” (Homer).
Chia sẻ về đoạn thu âm dài 27 phút do Bob Dylan thực hiện để gửi tới Viện hàn lâm Thụy Điển, thư ký của Viện - bà Sara Danius nhận xét: “Bài phát biểu rất xuất sắc và đầy tính hùng biện. Giờ đây, khi bài thuyết giảng đã được thực hiện, chuyến hành trình của Bob Dylan với giải thưởng Nobel Văn chương đã đi tới hồi kết”.
Thông thường, người nhận được giải thưởng Nobel sẽ thực hiện bài thuyết giảng tại một buổi lễ đặc biệt được ủy ban trao giải tổ chức ở Stockholm (Thụy Điển). Dù vậy, vốn nổi tiếng là người lảng tránh truyền thông và công chúng, Bob Dylan (76 tuổi) đã lựa chọn cách thực hiện khác.
Hạn chót để Bob Dylan thực hiện bài phát biểu mang tính điều kiện để có thể nhận giải là ngày 10/6 này. Khi thời hạn ngày càng đến gần, Dylan đã quyết định thực hiện bài phát biểu thông qua phương tiện công nghệ.
Trước đó, Dylan đã từng gửi một lời nhắn hồi tháng 12 tới ủy ban trao giải Nobel, để cảm ơn họ vì đã trao giải thưởng cho ông, đồng thời Dylan chia sẻ rằng ông từng nghĩ khả năng để mình có thể nhận được giải thưởng này giống như việc ông muốn “đứng trên mặt trăng”.
Tại buổi lễ trao giải tổ chức ở Stockholm hồi cuối năm ngoái, Đại sứ Mỹ tại Thụy Điển - bà Azita Raji đã thay mặt Dylan chuyển tải lời nhắn rằng: “Tôi rất xin lỗi vì đã không thể trực tiếp có mặt ở đây với các bạn, nhưng làm ơn hãy hiểu rằng tôi chắc chắn ở đây với các bạn về mặt tinh thần, và tôi cảm thấy rất vinh dự khi được nhận một giải thưởng danh giá như vậy”.
Trong bài phát biểu đã được thu âm sẵn, Bob Dylan mào đầu bằng cách nói về mối liên hệ giữa lời ca và ý thơ trong các sáng tác của mình: “Khi tôi lần đầu tiên được biết rằng mình đã thắng giải Nobel Văn học, tôi cũng đã tự hỏi những bài hát của mình có liên hệ như thế nào đối với văn chương…”.
Bob Dylan vừa kịp nhận giải thưởng Nobel Văn học hơn 20 tỷ đồng
Bob Dylan trình diễn nhạc phẩm kinh điển "Blowing In The Wind" trực tiếp trên sóng truyền hình Mỹ hồi tháng 3/1963
Bích Ngọc
Theo Nobel Prize/Daily Mail