1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Bộ Văn hóa xác nhận, một người Việt đã mua thành công ấn "Hoàng đế chi bảo"

Phạm Hồng Hạnh Phương Bảo

(Dân trí) - Chia sẻ với Dân trí, ông Hoàng Đạo Cương cho biết, một người Việt đã mua thành công ấn vàng "Hoàng đế chi bảo", hiện phía Việt Nam vẫn đang hoàn tất thủ tục để đưa cổ vật quý giá này hồi hương.

Ông Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch (VHTT&DL) cho biết thêm, việc thương lượng mua ấn vàng đã diễn ra từ lâu và đã thành công. Phía Pháp đợi chuyển tiền thành công là giao cổ vật.

Ông Nguyễn Thế Hồng, Chủ tịch Hội Cổ vật Bắc Ninh, chủ sở hữu Bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng, được xác định là người đã trực tiếp thương lượng với hãng đấu giá Millon của Pháp để mua lại ấn vàng "Hoàng đế chi bảo".

Trao đổi với PV Dân trí, một nguồn tin ở tỉnh Bắc Ninh cũng xác nhận thông tin trên.

"Tháng 1 vừa rồi ông Hồng đã sang để tiếp tục hoàn thiện hợp đồng mua bán. Hiện ông Hồng là người ký và sở hữu hợp pháp ấn vàng "Hoàng đế chi bảo", nguồn tin này cho biết.

Bộ Văn hóa xác nhận, một người Việt đã mua thành công ấn Hoàng đế chi bảo - 1

Ấn "Hoàng đế chi bảo" được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của triều Nguyễn như lễ khánh tiết, ban ân, xá tội, đi tuần thú các địa phương, sắc thư ban cho nước ngoài. (Ảnh: Millon).

Cũng theo nguồn tin này, ngay khi biết tin hãng Millon (Pháp) thông tin về việc đấu giá ấn "Hoàng đế chi bảo" giá khởi điểm từ 2-3 triệu Euro, ông Hồng đã chủ động sang đăng ký tham dự đấu giá. Tuy nhiên, sau đó nhận thấy tình hình khó khăn, nếu đấu giá thì không thể mua được ấn vàng nên đã gọi điện về Sở VHTT & DL tỉnh Bắc Ninh trình bày nguyện vọng và mong muốn được giúp đỡ.

Quá trình hồi hương ấn cổ sau đó đã có sự vào cuộc của Bộ VHTT&DL cùng nhiều bộ ban ngành.

Trước đó, khi biết tin ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" của triều Nguyễn xuất hiện trong sự kiện đấu giá tại Pháp, Bộ VHTT&DL đã cùng Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an và các cơ quan, tổ chức liên quan tìm kiếm giải pháp hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo trở về đất nước.

Bộ Văn hóa xác nhận, một người Việt đã mua thành công ấn Hoàng đế chi bảo - 2

Ông Nguyễn Thế Hồng (thứ 5 từ trái qua) trong đoàn đàm phán mua ấn vàng tại Paris do Bộ VHTT&DL thành lập (Ảnh: Cục Di sản văn hóa).

Bộ Văn hóa xác nhận, một người Việt đã mua thành công ấn Hoàng đế chi bảo - 3

TS Phạm Quốc Quân (trái) và TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng lịch sử quốc gia nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và tính xác thực của ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" lưu giữ tại Văn phòng hãng đấu giá Million (Ảnh: Bộ VHTTDL).

Bộ VHTT&DL đã tổ chức đoàn công tác liên ngành đàm phán, thương thảo trực tiếp với hãng Millon. Đoàn công tác đã đánh giá tính xác thực của ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" và xác định đây là hiện vật nguyên gốc, chuẩn xác, được đúc vào năm Minh Mệnh thứ 4 (1823) như ghi chép trong sử sách (Đại Nam thực lục, Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ) và trong biên bản, hình ảnh bàn giao ấn kiếm của chính quyền Thực dân Pháp cho Quốc trưởng Bảo Đại ngày 8/3/1952.

Trong số các phiên bản ấn vàng của triều Nguyễn, ấn "Hoàng đế chi bảo" được đấu giá ở Pháp có giá trị lịch sử đặc biệt bởi đây là chiếc kim ấn đã được hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn là Bảo Đại trao cho đại diện Việt Minh là ông Trần Huy Liệu cùng với thanh bảo kiếm của vua Khải Định vào chiều 30/8/1945.

Ông Nguyễn Thế Hồng là doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực san lấp mặt bằng, thi công xây dựng công trình, kinh doanh bất động sản ở Bắc Ninh.

Doanh nghiệp của ông Hồng là một trong những doanh nghiệp lớn ở tỉnh này. Ngoài bất động sản, ông còn có niềm đam mê không nhỏ với cổ vật và lập nên Bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng.

Tại đây, ông trưng bày rất nhiều cổ vật quý hiếm, là thành quả nhiều năm sưu tầm của ông.

Đặc biệt, ông Nguyễn Thế Hồng còn sở hữu một bảo vật quốc gia được xét công nhận ngày 30/1 vừa qua. Bảo vật đó là Thạp đồng Văn hóa Đông Sơn có niên đại cách ngày nay 2200 - 2300 năm (thế kỷ III - II trước Công nguyên).