Bộ Văn hóa trả lời về số phận của Hãng phim truyện Việt Nam
(Dân trí) - Bộ VH,TT&DL cho biết, nhà đầu tư chiến lược là Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) không hợp tác tích cực trong việc thoái vốn Hãng phim truyện Việt Nam. Dẫn đến vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm.
Sáng 24/3, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tổ chức họp báo thường kỳ quý 1. Liên quan đến vụ việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm và câu hỏi của phóng viên.
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Trịnh Thị Thủy cho biết cơ quan đang nỗ lực tháo gỡ vướng mắc sau quá trình cổ phần hóa ở Hãng phim.
Trước thắc mắc của phóng viên về quá trình thoái vốn Hãng phim truyện Việt Nam sau nhiều năm vẫn chưa hoàn tất, Bà Phan Linh Chi, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ VH,TT&DL) nêu khó khăn, vướng mắc chính là ở việc Nhà đầu tư chiến lược - Tổng công ty vận tải Thủy (Vivaso) không hợp tác tích cực trong việc này.
"Cho đến nay, Tổng công ty vận tải Thủy vẫn chưa ra văn bản tính toán các chi phí hợp lý, hợp lệ, tiến hành các thủ tục có liên quan, đề xuất cụ thể về số tiền muốn nhận lại để thực hiện thủ tục hoàn trả cổ phẩn cho Nhà nước đã mua tại Hãng phim truyện Việt Nam", bà Chi nói.
Theo bà Chi, mặc dù nhà đầu tư chiến lược không có những hợp tác một cách tích cực nhưng phía Bộ VH,TT&DL đã có những văn bản, dự thảo quyết định văn bản Luật lấy ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính về kiến nghị và phương thức xử lý sự việc này.
Hai cơ quan trên cũng có ý kiến rằng, Bộ VH,TT&DL không thể đơn phương thực hiện thu hồi cổ phần đã bán cho Vivaso mà không có sự thống nhất, thỏa thuận với đơn vị này.
"Nếu nhà đầu tư chiến lược đưa ra con số cụ thể, chúng tôi sẽ có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau đó sẽ đưa vào dự toán chi hàng năm của Bộ VH,TT&DL. Tất cả đều phải có quy trình", bà Chi khẳng định.
Trước câu hỏi: "Trong trường hợp quá trình thoái vốn hoàn tất, số phận của Hãng phim như thế nào? Bộ có tìm nhà đầu tư khác hay là mô hình hoạt động khác thay thế cho Hãng phim không?"
Bà Chi cho biết, Bộ VH,TT&DL đã và đang nghiên cứu tìm nhà đầu tư nhưng chưa thành công. "Điện ảnh là một ngành đặc thù, nhiều thách thức, sau đại dịch càng khó khăn hơn. Năm 2017, Đài Tiếng nói Việt Nam từng gửi văn bản muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược của hãng, nhưng sau đó rút lại ý định do không đủ tiềm lực tài chính", bà Chi chia sẻ.
Về vấn đề nhiều cán bộ nhân viên, nghệ sĩ của hãng bị cắt lương, bảo hiểm, bà Chi giải thích theo quy định, nhà đầu tư chiến lược chiếm 65% vốn điều lệ, có quyền chi phối mọi hoạt động, chi trả lương, bảo hiểm.
Tuy nhiên, do sự vướng mắc giữa ban lãnh đạo và người lao động, Hãng phim không có hoạt động gì 6 năm qua. Bà Chi cho biết trong cuộc họp với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái hôm 22/3, Bộ đã báo cáo chi tiết những vướng mắc, chờ chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ.
Về bản quyền phim của Hãng phim truyện Việt Nam, bà Chi cũng nói "mọi người có thể yên tâm", không có việc các phim của Hãng bị ẩm mốc bởi đó chỉ là bản copy.
Bà Chi nói thêm: "Hãng phim truyện Việt Nam có tổng cộng 291 phim, hiện tại 278 phim gốc đang lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam. 13 phim còn lại không lưu trữ do được sản xuất hợp tác với đơn vị khác".
Vấn đề tồn đọng của Hãng Phim truyện Việt Nam gần đây thu hút sự quan tâm của dư luận. Tại lễ kỷ niệm 70 năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam ở Nhà hát Lớn, Hà Nội, NSND Trà Giang đã có những tâm sự về Hãng Phim truyện Việt Nam - nơi bà và các diễn viên gạo cội từng làm việc tại đây.
NSND Trà Giang đau xót khi thấy nơi từng có 600 anh chị em nghệ sĩ cùng công nhân, cán bộ mỗi năm đã làm chục bộ phim giờ rơi vào cảnh hoang tàn, đổ nát tới không thể tưởng tượng nổi.
Hãng phim truyện Việt Nam được thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ VH,TT&DL. Lịch sử tồn tại của hãng gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật, với các tác phẩm như Chung một dòng sông, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chị Tư Hậu, Em bé Hà Nội.
Sự việc bắt đầu từ năm 2016, khi đơn vị chào mời cổ phần hóa, được Tổng công ty vận tải thủy Vivaso mua lại hồi 6/2017. Ba tháng sau, nghệ sĩ và ban lãnh đạo hãng nhiều lần đối thoại gay gắt do chậm lương, không có định hướng làm phim.
Tháng 9/2018, thanh tra Chính phủ kết luận việc cổ phần hóa có nhiều sai phạm, trong đó có việc cho thuê văn phòng, thuê đất trái thẩm quyền, vi phạm quản lý tài sản, kinh doanh lỗ liên tiếp.
Tháng 8/2022, Bộ VH,TT&DL tiếp tục có công văn gửi Thanh tra Chính phủ báo cáo nội dung trả lời phản ánh, kiến nghị của một số cán bộ, công nhân viên Hãng phim truyện Việt Nam liên quan đến việc thực hiện Kết luận của Thanh tra Chính phủ về công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.
Tuy nhiên, cho đến nay, quá trình thoái vốn cũng như các nội dung liên quan đến thực hiện kết luận Thanh tra tại Hãng phim vẫn chưa hoàn tất, dẫn đến những bức xúc kéo dài trong dư luận, nhất là với các nghệ sĩ điện ảnh