Bộ Văn hoá lên tiếng về việc “ép” cán bộ mua vé xem nghệ thuật đỉnh cao
(Dân trí) - Thời gian vừa qua, có nhiều thông tin cho rằng Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) yêu cầu các cán bộ, công nhân, viên chức… phải mua vé xem nghệ thuật đỉnh cao tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Bộ VHTT& DL đã có những phản hồi chính thức về việc này.
Chỉ kêu gọi chia sẻ, không ép buộc
Ông Nguyễn Thái Bình - Chánh Văn phòng Bộ VHTT&DL trao đổi rằng, mang chương trình nghệ thuật đỉnh cao vào Nhà hát Lớn Hà Nội là chủ trương rất lớn của Bộ VHTT&DL.
“Năm 2016, chúng tôi đã nỗ lực trong việc đưa nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau vào biểu diễn ở Nhà hát Lớn. Sang năm 2017, Bộ VHTT&DL đã có những kế hoạch cụ thể. Cao điểm là tháng 5 vừa qua, có gần 10 ngày công diễn liên tục các vở diễn chất lượng cao.
Quan điểm của Bộ VHTT&DL là vẫn phải nỗ lực hàng ngày, bán vé để tạo thói quen bỏ tiền mua vé thưởng thức nghệ thuật của khán giả. Nhưng phải nói thật là hoạt động này còn rất khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng, khó khăn sẽ khiến chúng tôi quyết tâm thực hiện cho bằng được”, ông Nguyễn Thái Bình nhấn mạnh.
Theo Chánh Văn phòng Bộ VHTT&DL, Bộ đã có những giải pháp cụ thể bằng nhiều phương cách khác nhau như hợp tác với các doanh nghiệp, đơn vị… để mua vé cho cán bộ, công chức, nhân viên để họ đến thưởng thức nghệ thuật ở Nhà hát Lớn.
Liên quan đến thông tin Cục NTBD yêu cầu cán bộ, công nhân, viên chức… đang làm việc tại Cục phải mua vé vào xem chương trình nghệ thuật đỉnh cao, ông Nguyễn Thái Bình cho biết, quan điểm của Bộ là vận động cán bộ, công chức với quan điểm chia sẻ, yêu thương và san sẻ các hoạt động của Bộ.
“Chúng tôi hoàn toàn không ép buộc mà trên tinh thần tự nguyện. Chúng tôi vận động công chức đi xem chương trình nghệ thuật đỉnh cao tại Nhà hát Lớn để ủng hộ anh chị em nghệ sĩ. Trước khi người bên ngoài thương thì chúng tôi tự thương đến nhau”, ông Bình nhấn mạnh.
Ông Bình cũng giải thích đây không phải là sự thương hại các nghệ sĩ mà là sự chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau, bởi thực hiện các chương trình nghệ thuật đỉnh cao đều là các anh em nghệ sĩ tâm huyết.
Ông kể sau một đêm diễn chèo tại Nhà hát Lớn, một số nghệ sĩ đã chia sẻ rằng, thông thường thù lao cho mỗi đêm diễn chỉ được 200.000 đồng nhưng diễn ở Nhà hát Lớn lần đầu tiên các nghệ sĩ được thù lao 500.000 đồng.
“Đây là ủng hộ trên tinh thần tự nguyện chứ không phải ép buộc. Bản thân tôi cũng gọi điện đến một số nơi để vận động”, ông Bình khẳng định.
Ông Lê Minh Tuấn, Cục phó Cục NTBD cũng nói rằng đơn vị này cũng không ép buộc cán bộ, công chức phải mua vé xem nghệ thuật đỉnh cao mà chỉ vận động sự ủng hộ, ai có điều kiện thì mua vé. Ông Tuấn cũng cho biết, Cục Nghệ thuật biểu diễn được giao phối hợp với Nhà hát Lớn trong hoạt động phát hành vé cũng như quảng bá hoạt động biểu diễn. Vì thế, Cục sẽ phải nỗ lực với nhiều nguồn, kênh khác nhau để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này.
Thu phí tác quyền phải đúng pháp luật và minh bạch
Liên quan đến vấn đề thu phí tác quyền âm nhạc tại bệnh viện, bãi gửi xe, quán cà phê… gây nên nhiều tranh cãi trái chiều vừa qua, bà Phạm Thị Kim Oanh, Cục phó Cục Bản quyền tác giả chia sẻ, theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ cũng như Nghị định 100 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, tại điều 33 có quy định: Các tổ chức, cá nhân... khi sử dụng bản ghi âm - ghi hình đã công bố trong hoạt động kinh doanh thương mại không phải xin phép nhưng phải trả tiền phí bản quyền cho các nhóm: tác giả, chủ sở hữu quyền biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm - ghi hình... tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng. Trường hợp nếu không thoả thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại toà theo quy định của pháp luật.
Để hướng dẫn cụ thể, tại Nghị định 100, khoản 2, điều 35 cũng đã có quy định về việc sử dụng bản ghi âm - ghi hình cho mục đích thương mại. Ở đó, quy định rằng, các tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm - ghi hình cho mục đích thương mại như: nhà hàng, khách sạn, cửa hàng, siêu thị, cơ sở kinh doanh dịch vụ Karaoke, dịch vụ bưu chính viễn thông, dịch vụ hàng không... đều phải đóng phí. Và đó là căn cứ pháp lý hiện nay theo quy định của Việt Nam để tiến hành thu phí tác quyền.
Còn để triển khai thu tiền bản quyền này, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) chỉ được thu khi có uỷ quyền của tác giả, chủ sở hữu bản ghi âm - ghi hình.
Bà Oanh cho biết , khi triển khai các quy định của pháp luật, VCPMC đang đại diện cho các nhạc sĩ, các chủ sở hữu quyền có uỷ quyền cho Trung tâm đứng ra để đàm phán thu phí âm nhạc. Vì vậy, VCPMC phải đảm bảo thu phí khi được uỷ quyền và việc này phải được thực hiện công khai, minh bạch. Nếu cá nhân, tổ chức nào phát hiện vi phạm có thể gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền và Cục Bản quyền sẽ xem xét trên từng trường hợp cụ thể.
Bà Oanh cũng khẳng định, việc thu phí phải thực hiện theo các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong thực tế, cần phải linh hoạt sao cho phù hợp với các quy định.
“Phải mang cả xe tải để chở giấy tờ uỷ quyền đó cũng là khó khăn. Nhưng để công khai minh bạch việc này thì VCPMC phải công khai danh sách các tác giả đã uỷ quyền cho VCPMC trên website để các bên khai thác đều được biết. VCPMC phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những cam kết và hành vi của đơn vị mình”, bà Oanh nói.
Về vấn đề sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bản quyền tác giả, bà Oanh cho biết, trong kế hoạch công tác năm 2017, Cục Bản quyền tác giả được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng nghị định sửa đổi về một số điều trong vấn đề bản quyền tác giả và quyền liên quan. Nghị định đã được xây dựng và trong quá trình lấy ý kiến của các đơn vị liên quan. Đến nay, đã đăng trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ để lấy ý kiến.
Hà Tùng Long