Bộ ảnh gây sốc về những phụ nữ từng bị tạt axit
(Dân trí) - Bộ ảnh dưới đây là cái nhìn cận cảnh về những bi kịch khủng khiếp, không thể chấm dứt của những cô gái bị tạt axit.
Sonali Mukherjee, một cô gái Ấn Độ vừa tròn 18 tuổi, xinh đẹp và học thức. Mỗi khi Mukherjee bước chân ra khỏi nhà, y như rằng đám con trai hàng xóm sẽ bám theo em và hợp sức lại để trêu chọc em. Có lần vì quá tức giận, Mukherjee, cô sinh viên chuyên ngành xã hội học đã dọa sẽ báo cảnh sát. Đám con trai liền tản đi.
Những tưởng mọi chuyện như thế là xong nhưng hóa ra, nó chỉ là màn mở đầu cho một tấn bi kịch sẽ kéo dài đến hết cuộc đời cô gái trẻ. Một buổi trưa, khi Mukherjee đang nằm ngủ, một số thanh niên đã lẻn vào nhà và đổ axit lên mặt Mukherjee khiến nhan sắc em vĩnh viễn bị hủy hoại.
Câu chuyện của Mukherjee là một trong rất nhiều những câu chuyện đau lòng khác từng xảy ra với các nạn nhân bị tạt axit ở Ấn Độ. Những câu chuyện tưởng như nhỏ nhặt, những lý do hết sức ngớ ngẩn, nhưng lại dẫn đến tấn bi kịch sẽ không bao giờ kết thúc.
Một nạn nhân của việc tấn công bằng axit đang ngồi trong văn phòng của tổ chức phi chính phủ có trụ sở đặt tại thành phố New Delhi, Ấn Độ - tổ chức Stop Acid Attacks (Chặn đứng những vụ tạt axit).
Những kẻ tấn công Mukherjee chỉ phải lĩnh án tù 3 năm. “Dù bản thân là nạn nhân nhưng em và gia đình ban đầu cảm thấy xấu hổ vì tai họa vừa giáng xuống. Em che giấu khuôn mặt mình, giam mình trong phòng kín trong khi những kẻ gây ra tội ác được tự do đi lại và tiếp tục cuộc sống bình thường. Em vĩnh viễn bị giam trong một nhà tù vô hình còn những kẻ gây ra tội ác thì được thả tự do sau 3 năm”, Mukherjee chia sẻ.
Giờ đây, Mukherjee cùng những nạn nhân đồng cảnh ngộ khác đang cùng hợp sức để thực hiện những chiến dịch vận động, yêu cầu chính phủ Ấn Độ siết chặt hơn những điều luật nhằm ngăn chặn những vụ việc tương tự.
Một nạn nhân nữ bị tấn công bằng axit can đảm xuất hiện trước ống kính phóng viên nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về một loại tội ác kinh hoàng đang tồn tại ở Ấn Độ.
Những phụ nữ này đang cùng nhau thực hiện những chiến dịch vận động yêu cầu chính phủ siết chặt việc buôn bán axit cùng các bộ luật mạnh tay hơn giúp ngăn chặn tội ác tấn công phụ nữ.
Những nạn nhân bị tấn công bằng axit thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, có những phụ nữ ở lứa tuổi trung niên và có cả những cô gái mới 19, 20 tuổi.
Một nạn nhân của việc tấn công bằng axit - cô Laxmi, 24 tuổi, nở một nụ cười trước ống kính phóng viên.
Hai người phụ nữ cùng là nạn nhân của những vụ tấn công bằng axit đang ngồi trò chuyện với nhau. Cô gái ngồi bên trái là Nisha, mới 22 tuổi.
Em Sonam mới 16 tuổi vừa bình phục trở lại sau cơn ác mộng kinh hoàng xảy ra với mình.
Mỗi năm, thế giới ghi nhận có hơn 1.500 vụ tấn công bằng axit. Con số thực sự có thể sẽ còn lớn hơn nhiều bởi có không ít nạn nhân sau khi gặp phải tấn bi kịch đã quá sợ hãi và tuyệt vọng đến mức không muốn trình báo vụ việc.
Ở Ấn Độ, những vụ việc tấn công bằng axit thường xuyên được giới truyền thông đưa tin. Những kẻ thủ ác thường tấn công vào đầu và mặt của nạn nhân để gây ra sự phá hủy nghiêm trọng đối với diện mạo, thậm chí gây ra mù lòa, điếc vĩnh viễn. Nguyên nhân thường thấy nhất là bởi nạn nhân đã từ chối lời yêu hoặc lời cầu hôn của kẻ thủ ác.
Một nạn nhân 30 tuổi.
Hậu quả lớn nhất đối với nạn nhân của những vụ tấn công bằng axit chính là sự khó khăn trong tái hòa nhập cộng đồng, tương lai, hạnh phúc của họ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nạn nhân Chanchal, 19 tuổi, thường xuyên trong tình trạng bất ổn tâm lý, cần luôn có người ở bên trông nom.
Hãy chặn đứng những vụ tấn công bằng axit.
Những nạn nhân của việc tấn công bằng axit.
Nếu những kẻ gây ra tội ác có thể nộp tiền phạt để được tự do, có thể vào tù rồi ra tù và bắt đầu cuộc sống mới thì với những người phụ nữ này, những vết sẹo sẽ còn mãi, đó là nỗi ám ảnh khôn nguôi với họ, là “bản án chung thân” vĩnh viễn cột chặt cuộc đời họ với thiệt thòi, bất hạnh.