Blogger thời trang đầu tiên trên thế giới là ai?
(Dân trí) - “Ông tổ” của các blogger thời trang đương đại được cho là đã xuất hiện từ thế kỷ 16, khi máy ảnh và mạng Internet còn chưa tồn tại.
Blogger thời trang đầu tiên trong lịch sử là một người đàn ông sống ở Bắc Âu vào thế kỷ 16. Đó là một kế toán người Đức có tên Matthaeus Schwarz.
Sinh thời, Matthaeus Schwarz từng thực hiện 137 bức tranh màu nước khắc họa bản thân trong các trang phục thời trang đa dạng, trải dài suốt quãng thời gian hơn 40 năm. Đó là một việc làm kỳ công, độc nhất vô nhị thời bấy giờ, cho thấy người đàn ông này đã bị “ám ảnh” bởi thời trang tới mức nào.
Matthaeus Schwarz sinh ra ở thành phố Augsburg, Đức năm 1497, sinh thời, Schwarz đã thực hiện cuốn sách thời trang đầu tiên được biết tới trong lịch sử. Cuốn sách gồm những bức tranh vẽ lại các bộ trang phục mà Schwarz đã mặc trong quãng thời gian trải dài hơn 40 năm với 137 bức vẽ bằng màu nước.
Rất bị thu hút bởi các loại trang phục, Matthaeus Schwartz với phong cách ăn mặc cầu kỳ, sặc sỡ đã lưu trữ lại thật cẩn thận phong cách của riêng mình bằng những ghi chép và hình minh họa thực hiện trên giấy giả da bắt đầu từ thập niên 1520. Schwartz chỉ dừng công việc ghi chép và minh họa này khi đã ở tuổi 63.
Sau những gì Schwartz thực hiện, người ta không còn biết tới một ai khác đã từng làm một việc tương tự trong suốt vài thế kỷ sau đó, vì vậy, các nhà nghiên cứu tin rằng Schwartz đã tạo nên cuốn sách thời trang đầu tiên trong lịch sử, là “ông tổ của những blogger thời trang”.
Đương thời, với nghề nghiệp kế toán, Schwartz hẳn đã phải sử dụng phần lớn thu nhập của mình cho chuyện mua sắm quần áo. Phong cách của Schwartz là những bộ trang phục cầu kỳ, sặc sỡ, có thể coi như một phong cách thời trang khác lạ ở thời điểm bấy giờ.
Sau khi đã thực hiện được nhiều bức tranh, Matthaeus Schwartz đã đóng những bức tranh lại thành một cuốn sách có tên “Cuốn sách thời trang”. Người đương thời khi biết về những gì mà Matthaeus Schwartz thực hiện, hẳn đã cho rằng anh ta quá phù phiếm, rỗi hơi, phí công để làm một việc vô ích, nhưng chính điều này đã khiến Matthaeus Schwartz được nhớ tới.
Với mỗi bức tranh mà Matthaeus Schwartz thực hiện, anh đều có ghi chú về thời gian mặc bộ đồ đó và một câu châm ngôn bằng tiếng Latinh rằng “mỗi câu trả lời ‘bởi vì’ đều có một câu hỏi tại sao”.
Bích Ngọc
Theo Daily Mail