Bình Định: Tổ chức Lễ giỗ Hoàng đế Quang Trung
(Dân trí) - Lễ dâng hoa, lễ giỗ nhằm tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ, ôn lại truyền thống quật khởi hào hùng của phong trào nông dân Tây Sơn…
Sáng 16/9 (tức ngày 29/7 Âm lịch), lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định cùng đông đảo nhân dân địa phương đã đến dâng hoa, dâng hương tại Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn) nhân dịp 228 năm ngày mất Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ (1792 - 2020).
Ngày giỗ Hoàng đế Quang Trung là dịp để chính quyền, nhân dân Bình Định ôn lại truyền thống quật khởi hào hùng của phong trào nông dân Tây Sơn và tinh thần bách chiến, bách thắng của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Qua đó, góp phần động viên giáo dục các tầng lớp nhân dân, thế hệ trẻ hôm nay về lòng tự hào dân tộc, phát huy truyền thống yêu nước, ra sức xây dựng quê hương giàu đẹp hơn.
Lễ giỗ Hoàng đế Quang Trung được tiến hành theo nghi thức cúng tế truyền thống, các đồng chí lãnh đạo, đại biểu, người dân và du khách thành kính dâng hương tại Điện thờ Tây sơn tam kiệt.
Trước đó, vào chiều 15/9, lễ cúng cũng được tiến hành ở Đền thờ thân phụ, thân mẫu Tây Sơn tam kiệt tại di tích Gò Lăng (thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, Bình Định).
Năm 1978 tại làng Kiên Mỹ, xã Bình Thành (huyện Tây Sơn), tỉnh Bình Định đã tổ chức khánh thành Bảo tàng Quang Trung (rộng khoảng 10ha) nơi lưu giữ hàng ngàn hiện vật quan trọng liên quan đến khởi nghĩa Tây Sơn và 3 anh em họ Nguyễn. Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt được xây dựng trên nền nhà cũ của ba em nhà Tây Sơn, với diện tích lên tới 2.325m2.
Cho đến nay, trong khu vườn cũ của gia đình nhà vua Quang Trung vẫn còn lưu giữ 2 di tích cực kỳ quý giá: Giếng nước xưa (làm bằng đá ong) và cây me cổ thụ, tương truyền lại là có từ thời Hồ Phi Phúc (thân sinh của ba anh em nhà Tây Sơn).
Người nơi đất võ Bình Định thường quan niệm uống nước giếng xưa trong khuôn viên Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt sẽ được bình an, bệnh tật được giải trừ.