Biểu trưng “Năm du lịch quốc gia 2015” mang ý nghĩa gì?

(Dân trí) - Trong khuôn khổ của Hội nghị tuyên truyền “Năm du lịch quốc gia 2015” vừa diễn ra tại TPHCM vào sáng nay 24/10, biểu trưng (logo) của sự kiện này cũng là một trong những hình ảnh thu hút sự chú ý của nhiều người có mặt.

Như thông lệ hàng năm, địa phương đăng cai tổ chức “Năm du lịch quốc gia” đều phải có biểu trưng cho riêng mình xuyên suốt khoảng thời gian diễn ra sự kiện. Tại buổi họp báo “Năm du lịch quốc gia - Thanh Hóa - Kết nối các di sản thế giới” vào sáng nay 24/10/2014, biểu trưng của Năm du lịch quốc gia 2015 cũng đã được chính thức công bố trước báo chí.

Giải thích ý nghĩa của biểu trưng năm nay, ban tổ chức cho biết: “Tổng thể logo sử dụng hình ảnh chiếc nón lá làm chủ đạo. Nón lá là hình ảnh gần gũi của người Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng, cũng như quen thuộc với con người khi đi du lịch. Với thông điệp kết nối các di sản thế giới, 8 chiếc nón lá được kết nối với nhau tạo thành một bố cục vững chắc tượng trưng cho 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận ở Việt Nam (trong đó có 2 di sản thiên nhiên thế giới, 5 di sản văn hóa thế giới và 1 di sản thế giới hỗn hợp)”.

Biểu trưng (logo) chính thức của Năm du lịch quốc gia 2015 với khẩu hiệu
Biểu trưng (logo) chính thức của "Năm du lịch quốc gia 2015" với khẩu hiệu Thanh Hóa - Kết nối các di sản thế giới 

Ngoài ra, tâm điểm của biểu trưng là hình ảnh của Thành Nhà Hồ, một danh thắng nổi tiếng của Thanh Hóa và cũng là 1 trong 5 di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam đã được cách điệu giản hóa tạo nên sự gắn kết và dễ nhận diện cho người nhìn. Bên cạnh đó, logo của di sản thế giới được đặt ngay trung tâm, tạo điểm nhấn cho tổng thể bố cục, với mong muốn gửi đến bạn bè trong và ngoài nước thông điệp về “Năm du lịch quốc gia - Kết nối các di sản thế giới”.

Về màu sắc, logo được thể hiện bằng nhiều màu khác nhau, lấy cảm hứng từ sự hòa trộn giữa sự giàu có về văn hóa và thiên nhiên, niềm tự hào của người dân địa phương với môi trường và điều kiện tài nguyên thiên nhiên phong phú ban tặng cho Thanh Hóa. Sự bổ trợ nhau giữa các gam màu cũng tạo nên sức hút mãnh liệt cho biểu trưng của “Năm du lịch quốc gia 2015”.

Cũng trong khuôn khổ của Hội nghị Tuyên truyền “Năm du lịch quốc gia 2015” diễn ra tại TPHCM sáng nay, ngoài sự có mặt của lãnh đạo và đại diện các cơ quan ban ngành liên quan tỉnh Thanh Hóa, còn có sự hiện diện của Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn. Tại hội nghị, đại diện ban tổ chức đã tổng kết, báo cáo sơ bộ về tình hình hoạt động du lịch của Thanh Hóa trong những năm qua. Đồng thời đưa ra những kế hoạch và mục tiêu cho Năm du lịch quốc gia 2015 mà tỉnh này sẽ đăng cai tổ chức.

Biểu trưng (logo) chính thức của Năm du lịch quốc gia 2015 với khẩu hiệu
Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn (giữa) tại buổi Hội nghị Tuyên truyền "Năm du lịch quốc gia 2015" ở TPHCM ngày 24/10/2014 

Theo đó, xuyên suốt năm 2015, tỉnh Thanh Hóa sẽ phối hợp cùng với các cơ quan ban ngành liên quan tại địa phương cũng như trung ương, tổ chức nhiều hoạt động lễ hội nhằm thu hút khách du lịch và nhà đầu tư đến với địa phương này. Một số sự kiện nổi bật có thể điểm qua như: Những ngày văn hóa Nhật Bản tại Thanh Hóa (1/2015); Lễ khai mạc Năm du lịch quốc gia 2015, Liên hoan Di sản thế giới (3/2015); Lễ hội Lê Hoàn, Lễ hội Mai An Tiêm, Liên hoan “Câu hò nối những dòng sông” các tỉnh Bắc Trung Bộ mở rộng (4/2015); Lễ hội Du lịch biển, Trại điêu khắc đá quốc tế (5/2015); Liên hoan ẩm thực các tỉnh thành có di sản thế giới (6/2015); Hành trình kết nối các di sản thế giới, Lễ hội Lam Kinh (9/2015); Lễ bế mạc Năm du lịch quốc gia 2015 (12/2015)…

Song song đó, nhằm phục vụ cho các hoạt động sôi nổi sẽ diễn ra trong Năm du lịch quốc gia 2015, tỉnh Thanh Hóa cũng đã và đang ráo riết thực hiện một số hạng mục công trình trọng điểm như: Dự án bảo tồn và phỏng dựng chính điện Lam Kinh, Nhà hát Lam Sơn, Trung tâm Triển lãm - Hội chợ - Quảng cáo, Đền thờ các bà mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng liệt sĩ Hàm Rồng, Thư viện tỉnh... Đồng thời, tăng cường công tác nâng cấp, cải tạo một số hạng mục, công trình quan trọng như: Hoàn thiện nội thất nhà trưng bày Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, tôn tạo đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai, nâng cấp đường nội bộ khu di tích lịch sử Lam Kinh…

“Năm du lịch quốc gia” là sự kiện du lịch thường niên lớn nhất của ngành du lịch Việt Nam. Mỗi năm, Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều chọn và giao cho một địa phương đăng cai tổ chức. Năm 2015, Thanh Hóa vinh dự được tổ chức sự kiện quan trọng này. Trong đó, chỉ tiêu về lượt khách du lịch được tỉnh này đặt ra vào năm 2015 là 100 - 120 nghìn khách quốc tế và 5 - 5,3 triệu lượt khách nội địa. Đặc biệt, chú trọng phát triển những sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc…


Bài và ảnh: Trí Hòa