Bị trách tạo ra kết phim quá bi thảm, biên kịch “Hoa hồng trên ngực trái” nói gì?

(Dân trí) - Ở tập 45 phát sóng tối 8/1, việc biên kịch và đạo diễn tạo ra cái kết cho nhân vật Thái (Ngọc Quỳnh) quá bi thảm đã tạo ra nhiều tranh cãi. Biên kịch Nguyễn Thuỷ, đại diện nhóm biên kịch phim đã lên tiếng về điều này.

Tối nay (9/1), bộ phim “Hoa hồng trên ngực trái” sẽ phát sóng tập cuối cùng. Cái kết của phim đang dần hé mở theo chiều hướng “kẻ khóc, người cười”.

Ở tập 45 phát sóng tối 8/1, việc biên kịch và đạo diễn tạo ra cái kết quá bi thảm cho nhân vật Thái (Ngọc Quỳnh) đã tạo ra nhiều tranh cãi. Nhiều người cho rằng, biên kịch quá nhẫn tâm khi để Thái chết trong hoàn cảnh khá bi đát đó là “chấp nhận kết thúc sự sống để hiến tim cho con gái”.

Bị trách tạo ra kết phim quá bi thảm, biên kịch “Hoa hồng trên ngực trái” nói gì? - 1

Thái đã quyết định kết thúc sự sống để hiến tim cho con gái.

Biên kịch Nguyễn Thuỷ, đại diện nhóm biên kịch “Hoa hồng trên ngực trái” chia sẻ rằng, khi làm dự án này, cô đã có một âu lo. Nỗi âu lo thầm kín, bất an của người sáng tác. Đấy là cô đã không đủ yêu câu chuyện này.

“Mọi người đều biết tôi có một kiểu rất dở hơi là khi làm bất cứ dự án gì, dù tự sáng tạo hay làm lại kịch bản thì tôi luôn học cách để yêu câu chuyện, yêu nhân vật, yêu theo cách sẽ xù lông xù cánh, khăng khăng đấu tranh cho điều mình cho là tốt nhất.

Nhưng, khi bắt tay vào “Hoa hồng trên ngực trái”, tôi không có cảm giác đó. Tôi chỉ cảm thấy đó vẫn là câu chuyện có thứ để xem, chứ nó chưa phải câu chuyện để yêu.

Tôi lo lắng thực sự vì mình chưa từng như thế. Tôi còn không dám chia sẻ với các bạn biên kịch vì tôi sợ họ cũng mất tinh thần nốt nên chỉ lẳng lặng kiên trì qua những tập đầu tiên, lẳng lặng đợi cảm xúc đến, đợi sự gắn kết tự nhiên mà mình mong mỏi.

Thật may, cuối cùng, tình yêu ấy cũng đến. Khi Khuê đối diện với kết cục không thể khác là ly hôn, đối diện với ác mộng của việc “chia con”, cô ôm Bống vào lòng, nói rằng “Vì con là chị, con có thể nhường mẹ cho em được không”, tôi bắt đầu rơi nước mắt. Từ khoảnh khắc ấy, tôi biết rằng, tôi cùng các bạn biên kịch sẽ đồng hành với cô Khuê ấy, sống với vui buồn của cô ấy, và đấu tranh cho cô ấy, để cô ấy có một hành trình xứng đáng”, nữ biên kịch nói.

Bị trách tạo ra kết phim quá bi thảm, biên kịch “Hoa hồng trên ngực trái” nói gì? - 2

Khang đau đớn và day dứt vì cái chết của người anh cùng cha khác mẹ.

Nguyễn Thuỷ cũng bày tỏ thêm rằng, khi viết kịch bản bộ phim này, áp lực về tiến độ và chất lượng từng khiến cô đau dạ dày, rụng cả tóc… Mỗi lần, mở máy tính ra cô lại ao ước đến ngày được gõ vào kịch bản hai chữ “hết phim”.

“Nếu như “Về nhà đi con” là cái kết viết đi viết lại, viết mãi vẫn chưa thực sự yên tâm thì “Hoa hồng trên ngực trái” là một cái kết nghĩ đi nghĩ lại, xoắn hết cả não nhưng viết chỉ một lần. Tôi nhớ hôm ấy, khi gửi kịch bản gần trưa thì đầu giờ chiều anh Ngọc Quỳnh đã nhắn tin. Anh nói, anh không phải là người dễ khóc, mà khi đọc kịch bản 3 tập cuối, anh phải trốn lên ô tô khóc cả tiếng.

“Hoa hồng trên ngực trái” là phim có rất nhiều thứ đầu tiên. Đây là phim đầu tiên mà diễn viên gọi điện cho tôi, đề nghị cho nhân vật của mình sắm vai… được chết. Lúc đó, tôi đang thực hiện tập 25, anh Ngọc Quỳnh có gọi điện, hỏi về kết cục của nhân vật Thái. Tôi nói, nhân vật của anh về sau đương nhiên trả giá, kết cục thảm hại, mất trắng, không chết cũng đi tù, không đi tù cũng bị điên. Và anh Quỳnh đề nghị tôi thử nghĩ về phương án Thái được chết nhưng chết một cách ý nghĩa.

Bị trách tạo ra kết phim quá bi thảm, biên kịch “Hoa hồng trên ngực trái” nói gì? - 3

Biên kịch Nguyễn Thuỷ.

Và vì thế, dù là một trường hợp rất rất hi hữu, tôi cũng đã đưa vào trong kịch bản tình huống về tai biến y khoa trong ca mổ tim của Bống. Khi Khuê và bà Hồng đều xin được hiến trái tim mình cho Bống thì bác sĩ đã nói rằng “Không có một nền y khoa nào chấp nhận việc giết một người để cứu một người”. Nhìn Khuê tuyệt vọng đập đầu vào tường để chết, để bác sĩ chấp nhận lấy tim mình, Thái đã có quyết định. Anh cần phải tự chết, để có cơ hội hiến tim cho con mình.

Và vì thế, mình đã quay ngược kịch bản, để cho Thái ở tình thế bệnh nan y. Khi cơ hội sống không còn nhiều, án tử kề sát, việc Thái trao lại sự sống cho con gái, sẽ đỡ đau lòng hơn, và ở khía cạnh nào đó, theo quan điểm sáng tác của chúng tôi là nhân văn hơn. Để cái chết của Thái, chết không phải là hết. Mà chết, để tái sinh.

Tôi và đạo diễn đã bàn bạc rất lâu về cách thức thể hiện việc Thái tự tử, nhưng rồi, cuối cùng, lại cắt bỏ. Vì sự thương tâm và có lẽ cũng chẳng cần”, biên kịch Nguyễn Thuỷ hé lộ.

Nữ kiên kịch cho biết, cô biết chuyện, kết thúc mỗi bộ phim sẽ có những khen chê và cả những nghi ngờ. Trong những bình luận của khán giả, có một bình luận mà cô rất thích “Phim gì mà vô lí y như ngoài đời thế này”. Cứ nghĩ đến bình luận ấy cô có thể cười và thấy thú vị mãi.

“Cùng một chi tiết phim, có người bảo vô lí đùng đùng, mà có người lại đứng hình vì thật quá, gần gũi với trải nghiệm của mình quá. Cùng một việc người cha lựa chọn cái chết để cứu con gái mình, người thấy ấm áp tình phụ tử, lại có người bảo quá nhẫn tâm.

Chúng tôi làm nội dung, người làm dâu không phải trăm họ mà đến cả nghìn họ, từ lâu chúng tôi đã chấp nhận rằng câu chuyện của chúng tôi sẽ không thể làm vừa lòng tất cả. Vì thế giới quan và trải nghiệm đời sống của mỗi khán giả là khác nhau. Nhưng, cuộc sống này là thế, khán giả là thế, đa dạng, phức tạp, thú vị, luôn đổi thay, là biến số không lường trước được.

Còn là người sáng tác, tôi luôn kiên định với niềm tin của mình. Tin vào sự lạ kì của cuộc sống, tin rằng thứ ta không nhìn thấy không phải là thứ không xảy ra và tin mọi điều đều có thể”, Nguyễn Thuỷ nói thêm.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm