Bí quyết hoạch định tài chính ngay cả trong thời điểm hoang mang nhất

(Dân trí) - Năm 2020 đã mang tới cho chúng ta những trải nghiệm và những bài học khó quên. Mọi thứ đã được lên kế hoạch cẩn thận đều có thể bị hủy vì những lý do khách quan.

Bí quyết hoạch định tài chính ngay cả trong thời điểm hoang mang nhất - 1

Thế giới đang thay đổi không ngừng và tương lai ngày càng trở nên khó đoán. Do đó, các phương pháp lập kế hoạch của chúng ta cũng phải phát triển theo. Dưới đây là ba bí quyết do chuyên gia người Mỹ Stefanie O'Connell gợi ý. Bà là chuyên gia tài chính, diễn giả và là tác giả của cuốn sách "The Broke and Beautiful Life" (Cuộc sống với vẻ đẹp và sự đổ vỡ).

Tập trung vào những gì bạn có thể kiểm soát

Mặc dù bạn có thể không dự đoán được quỹ đạo công việc của mình hoặc thậm chí là thu nhập theo từng tháng, nhưng bạn vẫn có cách xây dựng kế hoạch trong tương lai. Ví dụ: ngay cả khi bạn có thu nhập hàng tháng không giống nhau, bạn có thể biết rõ về chi phí hàng tháng của mình (nhà ở, đồ dùng thiết yếu, điện nước, phí bảo hiểm, v.v.).

Hãy sử dụng những chi phí cố định đó để tìm ra số tiền bạn cần kiếm tối thiểu mỗi tháng để duy trì sinh hoạt thiết yếu của mình. Hoặc từ đó, bạn cũng ước lượng được xem mình có thể tiết kiệm bao nhiêu mỗi tháng, phòng khi bị mất việc làm hoặc bị gián đoạn thu nhập.

Bạn có thể không kiểm soát được tương lai của ngành mà mình đang làm hoặc thị trường lao động có ảnh hưởng đến mình như thế nào, nhưng bạn có thể kiểm soát số tiền mình chi tiêu và tiết kiệm ngay hôm nay.

Chuyển dự định thành hành động

Hãy hiện thực hóa ước mơ và dự định của mình bằng hành động thực tế. Thay vì nói "Tôi muốn mua nhà vào một ngày nào đó" hoặc "Tôi muốn có một sự nghiệp thành công", bạn có thể sắp xếp lại các mục tiêu của mình dưới dạng hành động cụ thể, chẳng hạn như "Tôi sẽ tiết kiệm 5% từ lương của mình và bỏ vào một tài khoản tiết kiệm" hoặc "Mỗi tuần, tôi sẽ thử nộp đơn xin việc cho 10 công ty khác nhau".

Bí quyết hoạch định tài chính ngay cả trong thời điểm hoang mang nhất - 2

Suy nghĩ về tình huống xấu nhất

Đặt giả thiết về các tình huống xấu nhất có thể xảy ra như mất việc, mất nhà hoặc có vấn đề về sức khỏe có thể giúp bạn lên kế hoạch phòng thân và đưa ra các phương án giải quyết.

Ví dụ, khi bắt đầu đại dịch Covid-19, thu nhập của hai vợ chồng tôi bị sụt giảm đáng kể. Chúng tôi tập trung vào những gì chúng tôi có thể kiểm soát như các khoản chi tiêu cho sinh hoạt hàng ngày. Từ đó, chúng tôi quyết định có thể chuyển khỏi căn hộ giá cao ở thành phố New York nếu cần.

Đến tháng 7, chúng tôi quyết định chuyển sang chỗ ở rẻ hơn để thích ứng với tình hình thực tế. Số tiền dư ra giúp chúng tôi dễ thở hơn nhiều và có thể tập trung tài chính cho những thứ thiết yếu hơn.

Có thể bạn sẽ cảm thấy choáng, hoặc lo lắng phát ốm lên khi hình dung ra các tình huống xấu nhất có thể đến với mình, nhưng những suy nghĩ đó có thể giúp chúng ta thích nghi và chuẩn bị tinh thần tốt hơn với bất cứ điều gì đang ở phía trước.