Bị phạt 20 triệu đồng nếu huýt sáo trêu phụ nữ
(Dân trí) - Khi gặp một phụ nữ xinh đẹp, hấp dẫn trên đường phố, muốn làm quen với “nàng” sao cho “phải phép” và không phạm luật sẽ trở thành một thách thức “đau đầu” cho đàn ông trong bối cảnh đời sống văn hóa hiện nay.
Nam giới ở Pháp sẽ có thể bị phạt tới 750 euro (20 triệu đồng) nếu huýt sáo trêu ghẹo phụ nữ quá đà. Luật này vừa được nhà chức trách tại Pháp thông qua nhằm bảo vệ phụ nữ trước vấn nạn quấy rối nơi công cộng, giúp bảo đảm rằng phụ nữ sẽ không phải lo lắng điều gì mỗi lần bước ra ngoài phố.
Trong văn hóa phương Tây, nam giới có thể bày tỏ sự thích thú đối với một phụ nữ lạ nhìn thấy trên đường phố bằng tiếng huýt sáo. Dù đây là một nét văn hóa đường phố đã có từ lâu, nhưng trong bối cảnh đời sống văn hóa đương đại, khi vấn đề quấy rối tình dục được quan tâm hơn hẳn, những nét ứng xử trong đời sống văn hóa cũng phải thay đổi theo để phù hợp.
Theo đó, không chỉ huýt sáo mà nếu nam giới có những bình luận bị cho là khiếm nhã đối với phụ nữ, sẽ có thể bị phạt tiền với mức cao nhất là 750 euro (20 triệu đồng). Mức phạt nhẹ nhất nếu bị kết luận có hành vi sai trái với phụ nữ nơi công cộng là 90 euro (gần 2,5 triệu đồng).
Tổng thống Pháp - ông Emmanuel Macron - nhận định rằng luật mới này sẽ giúp phụ nữ cảm thấy an toàn, thoải mái hơn mỗi khi ra đường.
Bộ trưởng các vấn đề về bình đẳng giới tại Pháp - bà Marlene Schiappa - đã từng được hỏi về khía cạnh khó khăn và phức tạp trong việc phân biệt giữa quấy rối tình dục và tán tỉnh lành mạnh trên đường phố.
Bà Schiappa đã khẳng định kiên quyết: “Chúng tôi biết rất rõ khi nào thì phụ nữ bắt đầu cảm thấy bị đe dọa, cảm thấy không an toàn, hay bị trở thành nạn nhân của việc quấy rối nơi công cộng”.
Luật mới này được Pháp đưa ra giữa bối cảnh đời sống văn hóa tại nhiều quốc gia trên thế giới đang chứng kiến làn sóng chống lại nạn quấy rối tình dục. Làn sóng này đã xuất hiện trước tiên trong nền công nghiệp giải trí Mỹ, sau đó đã có hiệu ứng lan truyền sang nhiều lĩnh vực khác, nhiều quốc gia khác.
Ở các quốc gia phương Tây, bao gồm cả Pháp, khi các phương tiện giao thông công cộng được nhiều người dân sử dụng, vấn đề quấy rối là khá thường gặp.
Thực tế, hiện nay, một số nhà bình luận tại Pháp không hẳn đồng tình với điều luật mới này, bởi Pháp vốn được biết đến là đất nước của tình yêu, khi những luật định nghiêm khắc được đem áp dụng vào đời sống, họ lo rằng những chuyện tình lãng mạn “kiểu Pháp” sẽ khó lòng diễn ra. Ngoài ra, nhiều người cũng đặt câu hỏi về tính khả thi để đem áp dụng luật này trong thực tế.
Bích Ngọc
Theo Independent