Bí mật về bức tranh "Tiếng thét" - cảm hứng của phim kinh dị "Ghostface"

Bích Ngọc

(Dân trí) - Sát nhân Ghostface trong seri phim kinh dị "Scream" có tạo hình đặc trưng với chiếc mặt nạ trắng. Chiếc mặt nạ này lấy cảm hứng từ loạt tranh "Tiếng thét" nổi tiếng của danh họa Edvard Munch.

"Ghostface": Nhân vật kinh dị lấy cảm hứng từ siêu phẩm "Tiếng thét"

Sát nhân Ghostface trong seri phim kinh dị "Scream" có tạo hình đặc trưng với chiếc mặt nạ trắng. Chiếc mặt nạ này vốn được thực hiện bởi một công ty chuyên sản xuất phục trang để dùng cho dịp lễ hóa trang Halloween.

Chiếc mặt nạ được thực hiện lấy cảm hứng từ loạt tranh "The Scream" (Tiếng thét) của danh họa Edvard Munch. Kể từ năm 1996 khi ra mắt tập phim đầu tiên cho tới các phần phim sau này, các kẻ sát nhân xuất hiện trong seri phim kinh dị "Scream" đã luôn mặc áo choàng đen và đeo chiếc mặt nạ màu trắng, đó là một "công thức thời trang" không thay đổi của nhân vật Ghostface.

Bí mật về bức tranh Tiếng thét - cảm hứng của phim kinh dị Ghostface - 1

Sát nhân Ghostface trong seri phim kinh dị "Scream" có tạo hình đặc trưng với chiếc mặt nạ trắng (Ảnh: The Guardian).

Hiện tại, "Scream" - tập phim thứ 5 trong seri đã ra rạp và nhận được nhiều đánh giá tích cực từ giới phê bình, doanh thu của phim cũng rất khả quan khi chỉ trong tuần đầu ra rạp, phim đã thu về doanh số gần 52 triệu USD từ mức kinh phí đầu tư sản xuất 24 triệu USD.

Bên cạnh seri phim "Scream" còn có nhiều sản phẩm văn hóa nổi tiếng khác lấy cảm hứng từ loạt tranh "Tiếng thét" của danh họa Edvard Munch. Chẳng hạn biểu cảm của cậu bé Kevin trên poster phim "Home Alone" (Ở nhà một mình - 1990) chính là lấy cảm hứng từ bức tranh "Tiếng thét".

Biểu tượng cảm xúc khắc họa gương mặt la hét trong sợ hãi cũng được thực hiện lấy cảm hứng từ bức tranh "Tiếng thét". Và còn nhiều ứng dụng khác trong đời sống văn hóa đại chúng cũng bắt nguồn từ tác phẩm hội họa nổi tiếng này.

Thực tế, danh họa người Na Uy Edvard Munch đã thực hiện 4 bức "Tiếng thét", hai bức đầu tiên được ông thực hiện hồi năm 1893, hai bức còn lại được thực hiện vào năm 1895 và 1910.

Trailer phim "Scream" (Video: Paramount Pictures/YouTube)

Loạt tranh "Tiếng thét" được mệnh danh là "chân dung tâm hồn", là "khuôn mặt thách thức các chuyên gia tâm lý", trong đó, họa sĩ khắc họa một khuôn mặt người méo mó với hai bàn tay ôm lấy mặt, còn mắt và miệng mở to. Cảnh nền là một cõi hỗn mang tựa như trong cơn ác mộng. Loạt tranh "Tiếng thét" được coi là một trong những biểu tượng trong văn hóa đại chúng.

Đằng sau hình người "xương xẩu", méo mó, miệng há, gương mặt biểu lộ nỗi kinh hoàng trước hậu cảnh là bầu trời đỏ rực đầy đe dọa còn có những bí mật sâu xa...

Bức "Tiếng thét" thực ra không khắc họa người đang thét

Bí mật về bức tranh Tiếng thét - cảm hứng của phim kinh dị Ghostface - 2

Bức "Tiếng thét" (1893) (Ảnh: The Guardian).

Bức "Tiếng thét" là một trong những họa phẩm có sức sống lâu bền và được nhớ đến nhiều nhất trong lịch sử hội họa hiện đại.

Danh họa Munch đã được truyền cảm hứng thực hiện bức tranh này trong một lần đang đi dạo bộ ở Oslo (Na Uy) hồi năm 1892, lúc đó, ông đang cảm thấy không khỏe, lúc đi qua một cây cầu, mặt trời đang lặn, bầu trời bỗng chuyển sang màu đỏ rực, Munch cảm thấy như thể có một tiếng thét đang lan đi trong không gian.

Ông từng đề trên một bức tranh in thạch bản đen trắng khắc họa lại bức "Tiếng thét" rằng: "Tôi cảm thấy tiếng thét lớn xuyên suốt tự nhiên". Munch viết trong nhật ký của mình: "Tôi nghe thấy tiếng thét và vẽ nên bức tranh này, vẽ những đám mây như thể mang màu máu". Như vậy, nhân vật trong tranh đang nghe thấy tiếng thét, chứ không hề tạo ra tiếng thét như vẫn tưởng.

Trong một bút tích khác, danh họa Edvard Munch từng viết rõ hơn về hoàn cảnh ông sáng tác bức "Tiếng thét" rằng: "Tôi đi trên cầu cùng hai người bạn. Mặt trời lặn. Trời bỗng đỏ rực. Tôi dừng lại, kiệt sức, dựa vào thành cầu. Các bạn tôi bước tiếp. Tôi đứng đó run lên lo sợ. Tôi cảm thấy tiếng thét vô tận lan đi trong không gian".

Bí mật về bức tranh Tiếng thét - cảm hứng của phim kinh dị Ghostface - 3

Bức họa đen trắng thực hiện bằng phương pháp in thạch bản của Munch (Ảnh: The Guardian).

Đầu của nhân vật trong "Tiếng thét" trông giống... bóng đèn

Bí mật về bức tranh Tiếng thét - cảm hứng của phim kinh dị Ghostface - 4

Một phiên bản được Munch thực hiện trong cùng năm 1893 (Ảnh: The Guardian).

Bức tranh khắc họa một hình người như thể đang hú hét, trước nay, đây vẫn luôn là một nguyên mẫu biểu tượng khắc họa cho nỗi hoảng hốt trước sự tồn tại, luôn khiến các nhà phân tích hội họa mải mê bình luận. Gương mặt của hình người ấy trông giống như một… bóng đèn đang cháy sáng.

Munch là một người rất quan tâm hứng thú tới những phát minh khoa học của thời đại bấy giờ, đó là những phát minh, cải tiến công nghệ giúp đưa điện vào trong cuộc sống. Khi ấy, hình ảnh chiếc bóng đèn cháy sáng là một biểu tượng. Munch từng chia sẻ trong cuốn nhật ký của mình rằng ông bị ám ảnh bởi những phát minh công nghệ của thời đại mình đang sống.

Hình ảnh những chiếc bóng đèn cháy sáng xuất hiện ngày càng nhiều ở Châu Âu thời bấy giờ hẳn đã in sâu vào tâm trí của Munch và giúp ông tạo nên siêu phẩm "Tiếng thét".

Cuộc đời khốn khổ của Edvard Munch

Bí mật về bức tranh Tiếng thét - cảm hứng của phim kinh dị Ghostface - 5

Danh họa Edvard Munch (Ảnh: The Guardian).

Danh họa người Na Uy Edvard Munch (1863-1944) bị căn bệnh thần kinh hành hạ. Ông luôn bị ám ảnh rằng thần chết đang gõ cửa nhà mình, giấc ngủ của ông thường bị gián đoạn bởi những cơn ác mộng kinh hoàng, ông cũng thường nhìn thấy những hình ảnh ma quỷ rùng rợn… Chính những điều này đã gây ảnh hưởng đối với phong cách sáng tạo của Munch.

Khi sự lo lắng và chứng ảo giác của ông ngày càng trở nên trầm trọng, Munch bị suy sụp nặng nề. Tuy vậy, may mắn là các liệu pháp chữa trị tâm lý đã phát huy tác dụng đối với ông.

Dòng chữ viết trên siêu phẩm "Tiếng thét" hé lộ điều bí mật

Bí mật về bức tranh Tiếng thét - cảm hứng của phim kinh dị Ghostface - 6

Một phiên bản khác được Munch thực hiện trong cùng năm 1893 (Ảnh: The Guardian).

Một dòng chữ nhỏ xíu được viết bằng bút chì ở góc trên bên trái của một trong bốn phiên bản của bức "Tiếng thét" đề rằng: "Chỉ có thể được vẽ nên bởi một người điên". Dòng chữ này từ lâu đã là chủ đề của những cuộc tranh cãi trong giới chuyên gia, rằng ai là người viết ra dòng chữ này.

Ban đầu, người ta cho rằng dòng chữ này được viết bởi chính danh họa, nhưng về sau, người ta lại cho rằng đó là do một người nào đó khác viết lên. Nhưng sau quá trình nghiên cứu dài lâu, vào năm 2021, các chuyên gia tại Bảo tàng Quốc gia Na Uy tin rằng dòng chữ này thực sự do chính họa sĩ Edvard Munch viết nên.

Bà Mai Britt Guleng, một chuyên gia nghiên cứu về danh họa Edvard Munch, bà làm việc tại Bảo tàng Quốc gia Na Uy, bà Guleng tin rằng dòng chữ này có thể tiết lộ nhiều điều về trạng thái tinh thần của danh họa.

Các chuyên gia tin rằng dòng chữ này đã được ông Munch viết lên tranh hồi năm 1895 sau khi ông Munch tham gia một cuộc gặp mặt, tại cuộc gặp, một sinh viên y khoa đã nói rằng tác phẩm "Tiếng thét" chỉ có thể được vẽ nên bởi... một người điên.

Bà Guleng nhận định: "Hành động viết lên tranh thể hiện nhiều điều, nó vừa là sự hài hước, dí dỏm, vừa là sự thành thật về tình trạng sức khỏe tinh thần bất ổn của ông Munch.

Ông Munch thực ra rất nghiêm túc trong việc nhìn nhận về tình trạng sức khỏe tinh thần của mình, ông rất đau khổ bởi trong gia đình ông vốn có những thành viên có vấn đề tâm thần, ông rất lo lắng về điều đó và thường cho thấy bản thân ông cũng rất quan tâm tới chuyện này".

Bà Guleng nhận định ông Munch viết dòng chữ "Chỉ có thể được vẽ nên bởi một người điên" bằng bút chì trên tranh bằng thái độ hài hước, để tự ông đối diện với những chỉ trích xung quanh tác phẩm của ông, cũng như là cách để ông đối diện với những khốn cùng trong nội tâm mình, những vấn đề tâm lý vốn đã xuất hiện ở ông từ thời điểm ấy.

Nhìn chung, các chuyên gia hội họa nghiên cứu về sự nghiệp của Edvard Munch (1863 - 1944) đều hiểu rằng ông vốn biết rất rõ về những bất ổn trong sức khỏe tinh thần của mình, và Munch càng phải chịu áp lực nhiều hơn bởi cách nhìn nhận của người đương thời đối với vấn đề này, bởi khi ấy người ta vẫn còn nhiều kỳ thị khắc nghiệt.

Theo www.theguardian.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm