Bí mật động trời chưa tiết lộ từ các cuộc thi nhan sắc
Độc thân, chưa bao giờ kết hôn hoặc có con, là những quy định bắt buộc trong bất kỳ cuộc thi hoa hậu chính quy nào. Thế nhưng vẫn có một vài trường hợp ban tổ chức tá hỏa vì thí sinh đã có chồng hay thậm chí đã sinh con vẫn ngang nhiên đi thi hoa hậu.
Những cú lừa ngoạn mục
Nếu như tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2012, ứng cử viên sáng giá cho chiếc vương miện năm đó và đồng thời là giải vàng Siêu mẫu Việt Nam 2011 - Vương Thu Phương bị loại ngay trước đêm chung kết trao giải vì thông tin, hình ảnh cưới chồng vào năm 2010. Hoặc như chuyện cựu Hoa hậu Thế Giới người Việt 2010 - Lưu Thị Diễm Hương đã kết hôn với một đại gia từ năm 2011 nhưng vẫn "lách luật" để tham dự Hoa hậu Hoàn Vũ 2012 ở Mỹ.
Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên mà các thí sinh ở Việt Nam bị dính nghi án, tố cáo nhưng đây thật sự là một cú sốc với nhiều người. Tuy nhiên, vụ việc này cũng chưa bằng một số sự kiện tương tự ở những cuộc thi đẳng cấp nhất như Hoa hậu Thế Giới hay Hoa hậu Hoàn Vũ.
Hoa hậu Thế Giới 2005 - Unnur Birna Vilhjálmsdóttir cùng bố mẹ.
Cú lừa ngoạn mục nhất có lẽ thuộc về trường hợp của Hoa hậu Thế Giới 2005 - Unnur Birna Vilhjálmsdóttir. Trong suốt quá trình diễn ra cuộc thi thì chẳng ai để ý đến lý lịch của các thí sinh, khán giả chỉ quan tâm cô nào sáng giá, nhiều tiềm năng để đoạt vương miện mà thôi. Thế nhưng khi ban tổ chức cẩn thận xem lại nhân thân thì biết mẹ cô - Unnur Steinsson từng là đại diện của Iceland tham dự cuộc thi Hoa hậu Thế Giới năm 1983 và đoạt á hậu 4.
Chung kết Hoa hậu Thế Giới lần thứ 33 tổ chức vào ngày 17/11/1983 tại Anh Quốc nhưng trong giấy trong khai sinh của tân hoa hậu để là ngày 25/5/1984. Vậy là một sự thật bị giấu kín suốt 22 năm được phơi bày. Mẹ của cô đã "tai qua nạn khỏi" và đạt thành công mỹ mãn tại cuộc thi năm đó với cái bụng bầu khoảng 3-4 tháng và giờ đây, con gái của bà trở thành người đẹp thứ ba đến từ Iceland đoạt danh hiệu sắc đẹp cao quý này.
Ngoài ra cũng có thể kể thêm một vài cặp mẹ và con gái cùng nhau trở thành hoa hậu quốc gia và làm đại diện nước nhà ở những đấu trường sắc đẹp quốc tế như cựu Hoa hậu Hoàn Vũ 2003 - Amelia Vega có mẹ từng là thí sinh của Cộng hoà Dominicana tham dự Hoa hậu Thế Giới 1980 - Patricia Polanco Álvarez. Hoặc như tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ 2008 tổ chức ở Việt Nam, người đẹp Bahamas - Sacha Scott có mẹ cũng từng là đại diện cho đảo quốc vùng Caribbean này tham dự cuộc thi tương tự năm 1983.
Và mới đây nhất là tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ 2014 có thí sinh Phần Lan - Bea Toivonen và mẹ là hoa hậu năm 1985 - Marja Kinnunen. Cả hai đều tham dự cuộc thi này tại cùng thành phố Miami, Mỹ và đều không đoạt bất kỳ thành tích nào.
Hoa hậu Mỹ 1957 - Mary Leona Gage là trường hợp nổi tiếng đầu tiên bị truất ngôi vì kết hôn và có con trước khi đi thi.
Tuy nhiên, không phải ai cũng gặp may mắn như mẹ con của hoa hậu Iceland hay hạnh phúc viên mãn như một vài trường hợp kể trên. Đã có nhiều hoa hậu dù đã cưới chồng, thậm chí là sinh con nhưng vẫn cố tình tham dự các cuộc thi hoa hậu để biến ước mơ thành hiện thực. Nhưng mộng chưa thành hoặc đã thành nhưng đều phải ngậm ngùi trả lại danh hiệu, bị đuổi về nước trong nước mắt và tủi hổ.
Tại Hoa hậu Hoàn Vũ 1999, hoa hậu Guam đã bị loại khi bị phát hiện mang thai dù đã có mặt để tham dự một số hoạt động trong khuôn khổ cuộc thi và sự việc vô tiền khoáng hậu ấy đã được ban tổ chức lấy ý tưởng đặt câu hỏi cho Top 3 như sau: "Nếu Hoa hậu Hoàn vũ mang thai trong nhiệm kỳ của mình, liệu cô ấy có được chấp nhận để tiếp tục giữ ngôi vị đó không?"
Và 10 năm sau tại Hoa hậu Hoàn Vũ 2009, hoa hậu "hạt tiêu" chỉ cao 1m50 đại diện cho quần đảo Turks & Caicos - Jewel Selver đã diện lý do không đủ sức khỏe để tham dự và xin về nước đúng 1 ngày trước đêm chung kết (23/8/2009) diễn ra. Tuy nhiên theo lời đồn là người ta thấy cái bụng bất thường của cô bị nghi là mang thai, thường xuyên ốm nghén nên ban tổ chức đã ra sức cho cô rời cuộc thi trong danh dự. Tháng 1/2010 (5 tháng sau cuộc thi), cô hạ sinh đứa con đầu lòng.
Bị tước vương miện vì gian dối
Trường hợp hoa hậu đầu tiên bị tước vương miện vì gian dối về tình trạng hôn nhân là Mary Leona Gage. Bà đăng quang Hoa hậu Mỹ lần thứ 6 vào ngày 17/7/1957 nhưng đã bị tước vương miện chỉ ngay 1 ngày sau đó khi lời nói dối của bà bị bại lộ. Mary không những đã có chồng mà còn là mẹ của 2 đứa trẻ. Thậm chí bà đã từng trải qua tới 2 cuộc hôn nhân và cuộc hôn nhân đầu tiên khi mới 14 tuổi.
Bà nhận được tin dữ này ngay sau khi biết tên mình có trong Top 15 bán kết cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ 1957 với đêm chung kết trao giải diễn ra vào ngày 19/7, như vậy là quá trễ để cho nước Mỹ có một đại diện khác khi mà họ làm chủ nhà năm đó. Hoa hậu của Argentina, xếp hạng 16 ở vòng loại được thay thế vào Top 15 bán kết năm đó. Mary Leona Gage đã từ trần vào ngày 5/10/2010, hưởng thọ 71 tuổi.
Hoa hậu Thế Giới 1974 - Helen Morgan, lúc đăng quang.
Thế nhưng nổi tiếng nhất và đình đám nhất là tai tiếng của người đẹp Helen Morgan đến từ xứ Wales. Bà được đại diện cho xứ Wales tại Hoa hậu Hoàn vũ 1974, tổ chức ở Philippines và đạt danh hiệu á hậu 1. Sau đó, Helen tiếp tục đại diện cho chủ nhà Vương quốc Anh tại Hoa hậu Thế giới 1974 và giành luôn vương miện năm đó. Nhưng chỉ 4 ngày sau khi đăng quang, cô buộc phải nhường vương miện cho á hậu người Nam Phi vì bị phát hiện đã có con 18 tháng tuổi trước khi đi thi.
Năm 1974 cũng là năm mà Hoa hậu Hoàn Vũ - Amparo Muñoz cũng không hoàn thành trách nhiệm nhưng không bị truất ngôi. Lẽ ra Helen lên thay thế nhưng do đã đăng quang Hoa hậu Thế Giới nên không thể. Nếu không có sự việc đáng tiếc này xảy ra thì Helen Morgan sẽ được tôn vinh là một trong số hiếm những người đẹp có tổng thành tích đáng nể nhất trong lịch sử của những cuộc thi hoa hậu tầm cỡ nhất hành tinh.
Theo Donald Nguyễn
Vietnamnet