Bí mật đằng sau việc lựa chọn ra phim đoạt Cành Cọ Vàng
(Dân trí) - Làm thế nào để lựa chọn ra phim đoạt Cành Cọ Vàng? Điều này đã luôn được giữ kín bấy lâu nay.
LHP Cannes - sự kiện điện ảnh lớn hàng đầu thế giới - có một bí mật quan trọng nằm ở ban giám khảo (BGK) chấm giải Cành Cọ Vàng - một hội đồng gồm 9 thành viên.
Hằng năm, khi thành lập hội đồng chấm giải, ban tổ chức đều yêu cầu 9 thành viên phải tuyên thệ rằng họ sẽ không bao giờ tiết lộ những câu chuyện hậu trường đằng sau quá trình lựa chọn ra phim giành giải. Phương pháp làm việc của BGK phải luôn được giữ bí mật khỏi sự quan sát, soi xét của truyền thông và công chúng.
Các thành viên BGK chấm giải ở hạng mục Cành Cọ Vàng - giải thưởng quan trọng nhất của liên hoan - thậm chí còn không được biết rằng mình đã được lựa chọn vào vị trí giám khảo cho tới khi đại diện ban tổ chức gọi điện “ướm ý”.
Một cuộc gọi được thực hiện từ ban tổ chức sẽ được thực hiện ở thời điểm khoảng 2 tháng trước khi liên hoan diễn ra. Người thực hiện cuộc gọi sẽ là đạo diễn liên hoan. Sau khi được thông báo rằng mình đã được lựa chọn vào BGK, người nhận được vinh dự buộc phải hứa sẽ giữ kín điều này.
Chỉ cho tới khi ban tổ chức chính thức thông báo danh sách BGK, lúc đó, báo chí mới được biết. Năm nay, nữ diễn viên người Mỹ Kirsten Dunst được lựa chọn là một trong chín thành viên BGK chấm giải Cành Cọ Vàng. Cô đã chia sẻ một số điều được cho phép xoay quanh nhiệm vụ chấm giải của mình.
Một khi đã tới Cannes, BGK sẽ bị cách ly khỏi những bài bình phim, những bài báo đồn đoán, mang nhiều tính giải trí, giật gân viết về liên hoan. BGK sẽ dành ra 4-5 tiếng/ngày chỉ để chuyên tâm xem phim cũng như tham gia một số sự kiện đã được ban tổ chức sắp xếp trước.
Chủ tịch BGK (năm này là đạo diễn người Úc George Miller) sẽ có trách nhiệm dẫn đầu các hoạt động của BGK, quyết định xem khi nào BGK sẽ thực hiện những cuộc họp mặt bàn luận, đồng thời vị chủ tịch sẽ điều khiển các hoạt động chung của cả nhóm sao cho hiệu quả nhất.
Trong lịch sử LHP Cannes, đạo diễn Steven Spielberg được xem là vị chủ tịch BGK nghiêm khắc nhất. Hồi năm 2013, ông đã liên tục đốc thúc các thành viên trong BGK phải tuân theo một lịch trình nghiêm ngặt gồm các cuộc họp định kỳ 2-3 ngày/lần.
Tại các cuộc họp của BGK, do vị chủ tịch chủ trì, họ sẽ cùng nhau bàn luận về các bộ phim đã xem một cách căng thẳng, để từ đó dần dần làm lộ diện những ứng viên xứng đáng nhất cho giải thưởng cao quý Cành Cọ Vàng.
“Đỉnh cao khắt khe”, hơn cả đạo diễn Spielberg, phải kể tới cách làm việc của nữ diễn viên người Pháp Isabelle Adjani - chủ tịch BGK LHP Cannes năm 1997.
Tiểu thuyết gia người Canada - Michael Ondaatje (tác giả cuốn “Bệnh nhân người Anh”) nhớ lại rằng khi đó, bà Adjani đã yêu cầu các thành viên giám khảo phải họp mặt đều đặn mỗi ngày, đó quả là một lịch làm việc căng thẳng, bởi kỳ thực, người ta tìm đến Cannes còn là để vui chơi, gặp gỡ các bạn đồng nghiệp.
Cách làm việc của mỗi BGK ở mỗi kỳ liên hoan lại rất khác nhau. Sự khác nhau này phụ thuộc vào người chủ tịch BGK. Như BGK năm 1960 lại là “đỉnh cao nhàn nhã” khi người ta chứng kiến thành viên giám khảo - nhà văn Mỹ Henry Miller - dành phần lớn thời gian đi… đánh golf.
Chủ tịch của BGK năm đó - nhà văn Bỉ Georges Simenon - xem ra đã khá dễ dãi với các thành viên dưới quyền mình. Đạo diễn - nhà sản xuất phim người Mỹ Francis Ford Coppola cũng có cách tiếp cận công việc tương tự khi ông làm chủ tịch BGK tại kỳ liên hoan năm 1996.
Ông để các thành viên dưới quyền mình được phép tự lên lịch trình hoạt động riêng và không cần phải thực hiện bất cứ cuộc họp nào cho đến tận ngày làm việc cuối cùng, thì tổ chức một cuộc gặp, để cùng nhau bàn luận “như vũ bão” và đi đến thống nhất về bộ phim đoạt giải.
Dưới sự điều khiển của đạo diễn Coppola, các thành viên trong BGK năm 1996 đã có một quãng thời gian tuyệt vời, họ thu xếp để xem hết các phim tranh giải và vẫn có thời gian tiệc tùng, gặp gỡ, giao lưu…
Chỉ cho tới khi cuộc họp bàn duy nhất diễn ra để tìm ra phim xứng đáng giành giải, họ mới nhận ra rằng từng thành viên có những tiêu chí rất khác nhau, khiến việc thông nhất trở nên khó khăn bất ngờ.
Cũng có một số ý kiến từng bày tỏ sự nghi ngờ đối với tính trung lập mà LHP Cannes luôn đề cao. Chẳng hạn tại một buổi họp mặt của BGK, chủ tịch liên hoan tình cờ xuất hiện và nói gióng giả: “Tôi nghĩ bộ phim […] thật xứng đáng đoạt giải phải không ạ?!”.
Ngay lập tức, bộ phim vừa được vị chủ tịch nhắc đến đã có một ưu thế lớn hơn hẳn. Dù vậy, việc có một thế lực nào đó đứng sau thao túng hệ thống giải ở Cannes là không hề tồn tại.
Thành viên BGK hồi năm 2003 - đạo diễn người Bosnia - Danis Tanovic từng khẳng định: “Tôi đã làm giám khảo tại nhiều LHP, nơi có những kiểu can thiệp rất trực tiếp như: Phim này không thể thắng giải. Phim kia cần phải đoạt giải. Nhưng không có chuyện nào như vậy xảy ra ở Cannes đâu”.
Việc bỏ phiếu độc lập của các thành viên BGK đồng nghĩa với việc chủ tịch liên hoan, hay chủ tịch BGK, đều không thể nào chiếm ưu thế trong việc đưa ra quyết định sau cùng xem phim nào sẽ giành giải.
Tuy vậy, cũng có một số tình huống đặc biệt như thế này… Năm 1996, đạo diễn điện ảnh người Canada - Atom Egoyan, thành viên BGK, đã “vận động hành lang” các thành viên khác bỏ phiếu cho phim “Crash” của đạo diễn đồng hương người Canada - David Cronenberg.
Chủ tịch BGK - đạo diễn Francis Ford Coppola đã rất phản đối việc này, nhưng sau cùng “Crash” vẫn nhận được giải của BGK Grand Jury. Đạo diễn Coppola đã ám chỉ rằng giải thưởng mà “Crash” giành được không phải là một quyết định nhận được sự đồng thuận cao, điều này đã khiến đạo diễn Atom Egoyan bình luận mỉa mai: “Thật là việc làm kỳ khôi”.
Về phần nữ diễn viên Kirsten Dunst, đứng trước một kỳ liên hoan sắp mở ra, cô cho biết mình đã sẵn sàng cho những cuộc tranh luận trong nội bộ BGK: “Tôi thích đưa ra những ý kiến mạnh mẽ và sẽ giữ lập trường, quan điểm của mình, vì vậy, tôi rất phấn khích với nhiệm vụ ở liên hoan lần này”.
Bích Ngọc
Theo Hollywood Reporter