Bí mật đằng sau những siêu phẩm hội họa
(Dân trí) - Siêu phẩm hội họa nhiều khi không chỉ là tuyệt tác mà còn ẩn chứa cả những bí mật chờ được tìm ra.
Chẳng hạn, danh họa người Ý Leonardo Da Vinci vốn được biết tới là một thiên tài trong nhiều lĩnh vực, ông còn biết sáng tác nhạc, Da Vinci đã từng tận dụng những hiểu biết âm nhạc của mình để “cài” một đoạn nhạc vào bức họa “Bữa tối cuối cùng”. Trong tranh, ông sử dụng những chiếc bánh mì và bàn tay của các nhân vật tựa như những nốt nhạc.
Hay như bức “Mona Lisa”, rất nhiều người đã quen thuộc, nhưng không mấy ai biết rằng có mật mã được ẩn trong đôi mắt của nàng. Dưới đây là những bí mật thú vị kiểu như vậy, được ẩn chứa trong 14 siêu phẩm hội họa:
Toàn bộ bức tranh được thực hiện theo cách khắc họa chân thực, cho tới khi người xem để ý tới hình ảnh xuất hiện ở phía cuối bức tranh. Đó thực tế là một hình đầu lâu được khắc họa biến dạng. Khi người xem đứng trước bức tranh ở một góc phù hợp, hình vẽ biến dạng này sẽ thực sự “hiện hình” thành chiếc đầu lâu.
Nhiều chuyên gia hội họa tin rằng hình đầu lâu này là một gợi nhắc của họa sĩ Hans Holbein tới câu châm ngôn bằng tiếng Latinh “memento mori” (hãy nhớ rằng ai rồi cũng sẽ chết). Đây được cho là phương châm sống của người đàn ông đặt thực hiện bức tranh này - nhà ngoại giao người Pháp Jean de Dinteville (người đàn ông bên trái trong bức tranh).
Bức tranh hiện đang được treo tại bảo tàng Palazzo Vecchio nằm ở Florence, Ý. Hình tròn mờ nhòa nằm ở gần Đức Mẹ đã luôn là chủ đề tranh luận đối với các chuyên gia nghiên cứu hội họa. Trong đó, có nhiều người tin rằng họa sĩ Domenico đã khắc họa một vật thể bay không xác định (UFO).
Bức bích họa trên trần nhà nguyện Sistine đã khiến danh họa người Ý Michelangelo mất tới 4 năm mới hoàn tất.
Hình dáng tạo nên bởi tấm khăn màu đỏ bao quanh Chúa Trời là một hình ảnh chính xác đến mức đáng kinh ngạc về mặt giải phẫu học đối với bộ não con người. Ở thời đại của Michelangelo (thế kỷ 15-16), những hiểu biết về giải phẫu học đối với cơ thể người vẫn còn đang ở buổi sơ khai.
Cách khắc họa của Michelangelo khiến nhiều chuyên gia tin rằng ông hàm ý Chúa Trời là một sự sáng tạo của bộ não con người.
Danh họa Leonardo Da Vinci vốn có sở thích ẩn chứa những chi tiết bí mật nhỏ trong các tác phẩm của mình. Chẳng hạn trong bức “Bữa tối cuối cùng” có ẩn chứa một đoạn nhạc, đó là một minh chứng có thật của những dạng “mật mã Da Vinci”.
Các chuyên gia hội họa đã phát hiện ra rằng vị trí những chiếc bánh mì đặt trên bàn cũng như vị trí để bàn tay của các tông đồ khi được “gióng” lên khuông nhạc sẽ tựa như các nốt nhạc.
Nhiều chuyên gia hội họa tin rằng Van Gogh đã gợi nhắc tới bức “Bữa tối cuối cùng” của Da Vinci trong bức “Cà phê vỉa hè trong đêm” của mình. Cụ thể, có 12 vị khách ngồi trong quán (tương ứng với các tông đồ), và người phục vụ trong quán xuất hiện ở giữa bức tranh tựa như Chúa. Ngoài ra, ngay phía sau người phục vụ là một hình chữ thập ẩn chứa trong ô cửa sổ.
Bacchus (hay còn được biết đến với tên Dionysus) là vị thần rượu trong thần thoại Hy Lạp. Trong bức họa “Bacchus” của mình, danh họa Caravaggio đã đưa một bức tự họa chân dung nhỏ xíu của bản thân vào trong chiếc bình rượu.
Hình ảnh chân dung này được phát hiện ra hồi năm 1922, tức hơn 300 năm sau khi bức họa được thực hiện. Để quan sát được bức chân dung siêu nhỏ này, cần sử dụng các thiết bị chuyên dụng.
Bức họa được thực hiện hồi thế kỷ 17 bởi họa sĩ người Hà Lan Hendrick van Anthonissen, khắc họa những nhóm người vây quanh một con cá voi mắc cạn. Trong quá trình thực hiện bức họa, tác giả thay đổi ý tưởng và vẽ đè lên hình cá voi. Khi hoạt động phục chế tranh được tiến hành, người ta mới biết trong tranh từng có một chú cá voi.
Lý do tại sao chú cá voi bị vẽ đè lên? Theo các chuyên gia phục chế bức tranh, việc khắc họa một con vật đã chết trong tranh vẽ bị cho là cấm kỵ hồi thế kỷ 18-19.
Bên cạnh việc là một họa sĩ, Michelangelo còn là một nghệ sĩ điêu khắc trứ danh. Bức tượng “David” là một tác phẩm điêu khắc lấy cảm hứng từ truyền thuyết về cuộc đấu giữa tráng sĩ David và người khổng lồ Goliath. Bức tượng “David” cao hơn 5m nếu được nhìn từ bên dưới, giống như góc nhìn của đa phần du khách, có vẻ biểu cảm rất bình tĩnh.
Dù vậy, khi quan sát trực diện gương mặt của tráng sĩ David sẽ thấy biểu hiện của nỗi sợ pha cả sự giận dữ. Nếu biết tới câu chuyện truyền thuyết về cuộc đấu giữa David và người khổng lồ Goliath, người ta sẽ hiểu biêu cảm này là bởi David đang chuẩn bị bước vào cuộc đấu sống còn.
Bức bích họa được thực hiện bởi họa sĩ người Ý Giotto có thể tìm thấy tại Vương cung thánh đường Thánh Francis nằm ở thành phố Assisi, Ý. Gương mặt ẩn giấu trong đám mây đã được tìm thấy hồi năm 2011, vào khoảng 700 năm sau khi tác phẩm được thực hiện hoàn tất. Bạn có thể nhìn thấy mắt, mũi, miệng và cả một cặp sừng nhô lên trong đám mây.
Có khoảng hơn 100 câu tục ngữ xuất hiện trong bức vẽ này. Tên của bức tranh cũng là “Tục ngữ Hà Lan”. Có nhiều câu tục ngữ cho tới hôm nay vẫn còn được sử dụng trong đời sống thường nhật ở Hà Lan.
Có thể thấy các hình ảnh hàm ý về các câu tục ngữ xuất hiện trong tranh, như “đất trời đảo lộn” (với hình quả địa cầu đặt trên thanh gỗ), “đập đầu vào tường” (hình ảnh người đàn ông quay đầu vào bức tường), “có cả thế giới trong tay” (người đàn ông cầm quả địa cầu), “cá lớn nuốt cá bé” (hình ảnh một con cá to đang nuốt một con cá nhỏ)…
Người ta thường chú ý tới nụ cười của nàng Mona Lisa, dù vậy, đôi mắt của nàng cũng bí ẩn không kém. Thực sự có một mật mã ẩn chứa trong đôi mắt nàng. Khi xem bức tranh qua kính hiển vi, hai chữ cái LV có thể được nhìn thấy trong một bên mắt của nàng Mona Lisa. Ngoài ra, còn có con số 72 nằm ở phía hậu cảnh của bức tranh.
Dù vậy, người ta vẫn chưa thể tìm ra ý nghĩa đằng sau những chữ cái và con số này, bức tranh hơn 500 năm tuổi vẫn còn nguyên sự bí ẩn đối với hậu thế. Trong khi LV có thể là viết tắt của tên danh họa Leonardo Da Vinci, thì con số 72 lại thực sự khó hiểu.
Bức họa được thực hiện hồi cuối thế kỷ 15. Hoạt cảnh này nằm ở phía bên phải của bức tranh, khắc họa cảnh Địa ngục. Ở góc trái trên cùng, có thể thấy một đoạn nhạc được viết trên “vòng 3” của một nhân vật.
Giới nghiên cứu đã thử dịch đoạn nhạc cổ này sang ký hiệu âm nhạc hiện đại và thậm chí đã từng thu âm đoạn nhạc này để công chúng có thể nghe.
Bức “Khu vườn của những niềm vui trần thế” của Hieronymus Bosch có chứa đoạn nhạc
Bức chân dung nhỏ xíu này chỉ có thể xem được khi có thiết bị chuyên dụng. Hình ảnh không gian căn phòng được phản chiếu trong tấm gương treo trên tường, trong đó có phản chiếu chân dung của chính họa sĩ Jan van Eyck.
Trong hình ảnh phản chiếu, có thể thấy còn có hai người nữa xuất hiện trong phòng, trong đó có một người là họa sĩ Jan van Eyck, trên bức tranh, họa sĩ cũng ký tên là “Jan van Eyck đã ở đây”, vì vậy, có thể hiểu, một người đàn ông trong gương chính là họa sĩ.
Georges Seurat là người đã sáng tạo ra cách vẽ tranh bằng những chấm nhỏ li ti, bức tranh “Người phụ nữ đánh phấn” khắc họa chân dung người tình bí mật của họa sĩ - cô Madeleine Knobloch. Seurat đã từng đưa hình ảnh của chính mình vào trong tranh. Nơi có cửa sổ và bình hoa vốn từng là một tấm gương phản chiếu họa sĩ Seurat. Nhưng về sau, họa sĩ đã đổi ý và vẽ lại.
Bích Ngọc
Theo Business Insider