Bí mật của “vua hề Sác-lô”

(Dân trí) - Sinh thời, Charlie Chaplin đã tìm mọi cách phong tỏa thông tin về cuộc sống phía sau màn ảnh của mình. Tuy vậy, những bí mật về “vua hề Sác-lô” vẫn dần được hé lộ theo thời gian.

 

15-95a21
Nhân vật “The Tramp” ra đời như thế nào?

Có lần được giao đóng vai một người say hồi năm 1914, Chaplin đã bị thu hút bởi chiếc quần rộng thùng thình của một nam diễn viên. Chaplin bắt đầu hình dung về một nhân vật hội tụ tất cả những điểm đối lập - “quần rộng, áo chật, mũ nhỏ, giày to”. Vậy là nhân vật “The Tramp” ra đời, thể hiện cách nhìn của Chaplin đối với những người đàn ông trung lưu.

Chiếc mũ quả dưa thể hiện lòng tự trọng, dù nghèo khó, vất vả, nhưng vẫn luôn đội mũ để thể hiện mình là con người có văn hóa ứng xử; bộ ria thể hiện sự phù phiếm, muốn theo đuổi một chút lịch lãm của những người đàn ông thượng lưu; cây gậy hướng đến sự đỏm dáng khi xuất hiện trước phụ nữ. Đó chính là ý niệm mà Chaplin gửi gắm vào nhân vật hài kinh điển.

16-a0e76
“Vua hề” trên màn ảnh, “quái vật” khắc nghiệt trên phim trường

Sinh thời, Charlie Chaplin đã phải dày công che giấu cách làm việc của mình trên phim trường. Thường khi một nghệ sĩ lao động nghệ thuật nghiêm túc, đó là niềm tự hào và họ sẽ không ngần ngại chia sẻ với người hâm mộ.

Nhưng trong trường hợp của Chaplin, ông lao động nghệ thuật một cách khắc nghiệt, với chính mình và với đoàn phim, đến mức trở thành nỗi ám ảnh của những người cộng tác. Đối với mỗi cảnh phim, Chaplin không ngần ngại quay đi quay lại tới cả chục lần, và khi phim đã đóng máy, Chaplin lại không mệt mỏi biên tập đi, biên tập lại cho tới tận sát thời điểm phim ra rạp…

Đối với một diễn viên hài - người luôn mang lại tiếng cười sảng khoái cho khán giả, nếu để lộ khía cạnh khắc nghiệt, đáng sợ của mình, sự nghiệp “gây cười” sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Vì vậy, Chaplin đã bằng mọi cách giấu kín cuộc sống phía sau màn ảnh.

Chaplin không cho phép phóng viên, thợ ảnh, được xuất hiện trên phim trường của ông. Chỉ có những người bạn nhiếp ảnh gia được ông tin cậy mới được phép mang máy ảnh tới phim trường bởi ông hiểu họ sẽ biết phải làm gì với những góc máy và sẽ không ba hoa, nhiều lời.

Dù Chaplin có viết tự truyện, nhưng ông đề cập rất ít tới quá trình thực hiện các bộ phim kinh điển của mình. Chaplin đã cố gắng phong tỏa những thông tin bất lợi, nhưng một khi đã vươn tới đẳng cấp của ngôi sao quốc tế, việc đó gần như bất khả thi.

17-fb601
Quay một cảnh… 360 lần

Trong phim “City Lights” (1931), có một cảnh nhân vật “The Tramp” lần đầu gặp cô gái mù đứng bán hoa trên phố, Chaplin đã yêu cầu nữ diễn viên đóng cặp với mình đóng đi đóng lại cảnh này tới 360 lần trong ròng rã 10 tháng.

Ban đầu, Chaplin dự định hoàn tất việc quay phim “City Lights” trong vài tuần nhưng rồi cuối cùng, ông đã thực hiện bộ phim trong 179 ngày kéo dài từ năm 1928 đến 1930 một cách không liên tục. “City Lights” là bộ phim quay lâu nhất trong sự nghiệp của Chaplin.

18-7f361
Ăn giày… 64 lần

Trong phim “The Gold Rush” (1925), khi “The Tramp” và một anh bạn (nam diễn viên Mach Swain thủ vai) bị kẹt vì bão tuyết trong hành trình đào vàng, họ đã buộc phải ăn giày chống đói. Chaplin yêu cầu cả mình và bạn diễn đều phải… ăn giày. Một người thợ chuyên làm bánh mứt kẹo được đặt hàng thực hiện 20 đôi giày làm bằng cam thảo.

Để thực hiện cảnh này, Chaplin yêu cầu quay đi quay lại 64 lần. Bản thân Chaplin về sau nghĩ lại vẫn cảm thấy tội nghiệp cho nam diễn viên Mach Swain: “Ông ấy bị tiêu chảy trong 2 ngày quay cuối và đã rên lên: Tôi không thể ăn thêm bất kỳ cái giày chết tiệt nào nữa đâu”.

19-b582d
Huyền thoại diễn xuất - “Bố già” Marlon Brando gọi “vua hề” Chaplin là “quái vật”

Trong ảnh trên, nam diễn viên “Bố già” Marlon Brando, ngồi ngoài cùng bên phải, cạnh nữ diễn viên Sophia Loren; Chaplin ngồi ngoài cùng bên trái. Họ cùng xuất hiện trong bộ phim cuối cùng của Chaplin - “A Countess From Hong Kong” (1967).

Ý tưởng của Chaplin là Brando sẽ nhại theo lối diễn xuất của mình, nhưng đối với một cá tính diễn xuất như Brando, yêu cầu như vậy không khác nào đánh đố. “Brando rõ ràng không phù hợp với vai diễn đã nhận, Brando và Chaplin liên tục đối đầu. Ngày qua ngày, không khí trên phim trường càng trở nên căng thẳng” - nữ diễn viên Sophia Loren từng chia sẻ.

Nhớ lại kỷ niệm đóng phim chung với “vua hề”, Brando từng nói: “Chaplin không phải là người phù hợp để làm đạo diễn. Ông ấy là một tài năng đáng nể nhưng là một con người quái vật”.

20a-c6878
Khắc nghiệt với người lớn, dịu dàng với trẻ nhỏ

Tuy là một con người khắc nghiệt trên phim trường nhưng trong những giờ nghỉ giải lao, dù rất mệt mỏi, Chaplin vẫn luôn “tấu hài” phục vụ cho đoàn phim và những trẻ em nghèo háo hức “lân la” quanh phim trường. Có lẽ đó là cách “vua hề” đền bù cho những lúc căng thẳng với đoàn phim.

20b-945a1

Một điều lạ là Chaplin làm việc rất suôn sẻ với trẻ em, như với cậu bé Jackie Coogan xuất hiện trong phim “The Kid” (1921). Lý giải về điều này, Chaplin cho rằng: “Những đứa trẻ có thể đóng đi đóng lại một cảnh mà không mất đi sự vui vẻ, hứng thú. Tôi đã thấy những em bé diễn một cảnh tới cả chục lần nhưng sự chú tâm và niềm háo hức vẫn còn nguyên vẹn”.

21-2e04e
Tuổi thơ đầy bi kịch

Chaplin sinh ra trong nghèo khó ở London, Anh năm 1889. Mẹ ông không có nghề nghiệp ổn định và đã có lúc mấy mẹ con phải sống vất vưởng trên hè phố. Mẹ của Chaplin có cuộc sống khá rắc rối, bà có ba người con với… ba người đàn ông, từng phải ra vào trại tâm thần và cuối cùng phải đưa các con vào trại tế bần.

Nói về tuổi thơ của mình, Charlie Chaplin chia sẻ: “Nếu ai muốn đong đếm hàm lượng đạo đức trong gia đình tôi bằng cách đem áp dụng những chuẩn mực thông thường, điều đó sẽ sai lầm giống như đem nhiệt kế nhúng vào nồi nước sôi”.

Tuổi thơ của Chaplin bị ông coi như đã kết thúc từ năm lên 7, khi đó, ông phải vào trại tế bần. Thực tế, đây là cú sốc mà không bao giờ Chaplin có thể vượt qua: “Tôi hầu như chẳng bao giờ biết thế nào là khủng hoảng bởi tôi đã luôn sống trong khủng hoảng từ khi còn là một cậu bé. Tôi tự cho phép mình thoát ra khỏi mọi rắc rối bằng cách lãng quên chúng”.

22b-8fe70
“Giấc mơ Mỹ” của Charlie Chaplin

Ngay từ nhỏ, Chaplin đã bắt đầu tham gia biểu diễn trong những vở kịch vui để kiếm sống. Năm 1910, chàng thanh niên Chaplin cùng đoàn kịch có chuyến lưu diễn đầu tiên sang Mỹ. Khi thuyền sắp tới Mỹ, tất cả mọi người đều lên boong để được nhìn thấy nước Mỹ từ xa.

Khi đó, Chaplin một chân ghếch lên thanh chắn an toàn, hai tay dang rộng và tuyên bố: “Nước Mỹ, ta tới đây để chinh phục! Tất cả đàn ông, phụ nữ, trẻ nhỏ rồi sẽ phải nhắc tới tên ta!”. Sau này, giây phút “tiên đoán” của Chaplin đã được nam diễn viên hài Stan Laurel - một đồng nghiệp cùng có mặt trên boong tàu lúc đó - kể lại.

22-13195

Ngay năm sau, ở tuổi 25, vận may bắt đầu mỉm cười với Chaplin khi nhân vật “The Tramp” ra đời và được khán giả Mỹ yêu mến. Một thập kỷ sau, Chaplin đã trở thành người giàu có, nổi tiếng và thế lực ở Hollywood. Cho tới giờ, Chaplin vẫn được coi là “kỳ quan của điện ảnh”. Ông tin vào sự hoàn hảo và mỗi bộ phim của Chaplin đều là bằng chứng của tài năng.

23-bdbe8
“Hitler đã sao chép ria mép của tôi”

Chaplin từng chia sẻ nửa đùa nửa thật rằng: “Khi lần đầu tiên nhìn thấy Hitler, tôi đã nghĩ ông ta sao chép hình ảnh của tôi, lợi dụng thành công của tôi”. Đối với Đức Quốc xã, Chaplin là cái gai trong mắt, phim của Chaplin bị cấm lưu hành.

Khi căng thẳng gia tăng ở Châu Âu, Chaplin nảy ra ý tưởng rằng sự tương đồng giữa “The Tramp” và Hitler về mặt ngoại hình sẽ là một cơ hội để đả kích trùm Phát-xít. Bộ phim đã khiến các đối tác của Chaplin lo lắng vì động chạm quá sâu vào chính trị. Chỉ tới khi Tổng thống Mỹ Roosevelt “bật đèn xanh” cho Chaplin, bộ phim “The Great Dictator” mới được xúc tiến.

24-86440
Chaplin “trêu ngươi” Đức Quốc xã

Sau khi nhận được sự ủng hộ của Tổng thống, “The Great Dictator” (1940) được xúc tiến thực hiện hoàn toàn bằng tiền của Chaplin. Đức Quốc xã gọi đây là “bộ phim chống Đức một cách hốt hoảng” bởi thoạt tiên phim bị “ế” khi ra rạp. Tuy vậy, càng về sau, phim càng trở nên ăn khách, đặc biệt ở thời điểm sau khi Thế chiến II kết thúc.

Phim cũng đánh dấu mốc quan trọng đối với Chaplin. Đây là bộ phim đầu tiên Chaplin có sử dụng lời thoại, trước đây, nhân vật của ông chỉ im lặng “tấu hài”. Đồng thời, đây cũng là lần cuối cùng “The Tramp” xuất hiện trên màn ảnh và là thành công sau chót của nhân vật này.

3 cuộc hôn nhân bi kịch

Trong cuộc đời mình, Chaplin trải qua 4 cuộc hôn nhân. 3 cuộc hôn nhân tan vỡ là 3 cơn ác mộng đối với những người trong cuộc. Chaplin luôn bị những người phụ nữ buộc tội là độc ác, tàn nhẫn, hành hạ họ về tâm lý và đôi khi còn khá bạo lực. Người vợ đầu của Chaplin từng nói về ông rằng: “Chaplin là một thiên tài, và một thiên tài thì không bao giờ nên kết hôn”.

Cuộc hôn nhân đầu tiên của Chaplin “xảy đến” vì bạn gái ông giả vờ có bầu. Cuộc hôn nhân thứ hai cũng khởi đầu vì một… “tai nạn” tương tự. Cuộc hôn nhân thứ ba tan vỡ vì vợ ông không chịu nổi tính cách áp đặt của chồng.

25-67f65
Chaplin và người vợ thứ 4. Họ đã sống hạnh phúc bên nhau 18 năm cho tới khi Chaplin qua đời và có 8 người con.

Khi hai cuộc hôn nhân đầu tan vỡ, Chaplin đã bị vợ cũ bóc mẽ. Đối với người có thói quen phong tỏa mọi thông tin bất lợi như Chaplin, đây là cú sốc khó vượt qua, ông đã suýt tự tử nhưng được ngăn cản kịp thời. Trải qua 3 lần đổ vỡ, ở cuộc hôn nhân thứ 4, Chaplin cuối cùng đã may mắn tìm thấy hạnh phúc đích thực.

 

Bích Ngọc
Tổng hợp

vanhoa-4fc8b