Bi kịch thảm khốc đằng sau những vụ tai nạn hàng không

(Dân trí) - Giới làm phim đã khai thác những bi kịch thảm khốc, dai dẳng đằng sau một vụ tai nạn hàng không. Người sống sót chưa chắc đã là người may mắn nhất...

Bi kịch của người cơ trưởng

Bi kịch đằng sau những vụ tai nạn hàng không


Trên một chuyến bay, cơ trưởng là người chịu trách nhiệm về mạng sống của tất cả những người có mặt trên máy bay, vì vậy, cơ trưởng cũng là người chịu áp lực và lãnh trách nhiệm lớn nhất. Câu chuyện về bi kịch của người cơ trưởng đã được kể lại trong bộ phim “Flight” (Chuyến bay - 2012).

Nếu trong nhiều bộ phim về thảm họa hàng không, người cơ trưởng không còn sống sót để có thể kể lại thảm họa mà mình phải đương đầu, thì cơ trưởng William Whitaker đã sống sót thần kỳ và cứu được 96/102 người có mặt trên chuyến bay. Whitaker ngay lập tức được báo chí và dư luận tung hô như một vị anh hùng.

Để rồi chỉ vài ngày sau, anh lại xuất hiện như một kẻ tội đồ đang chạy chốn sự bủa vây của những người vừa trước đó còn tung hô anh rầm rộ. Đó là bi kịch của “anh hùng sa cơ”. Trước chuyến bay, Whitaker đã cùng người tình - một tiếp viên hàng không có mặt trên chuyến bay - trải qua một đêm ân ái trong khách sạn. Họ uống rượu, dùng chất cấm và ngủ rất ít.

Chuyến bay gặp nạn hoàn toàn vì trục trặc động cơ, và thực tế, tòa án cũng phải nhìn nhận rằng trong một tình huống như vậy, hiếm có cơ trưởng nào có thể xử lý tình huống tốt hơn Whitaker. Nhưng những hành vi thiếu trách nhiệm của vị cơ trưởng vẫn bị vạch ra trong quá trình điều tra, và dù là người lập công lớn, Whitaker vẫn phải trả giá.

Mất đi người tình, mất đi danh dự, mất nghề nghiệp, phải vào tù… một cái kết bi kịch “toàn tập” không tưởng tượng nổi đối với vị cơ trưởng tài ba vừa cứu sống 96 mạng người. Đó là bi kịch của một nghề nghiệp không tha thứ, không khoan nhượng đối với bất cứ sai sót nào.


Bi kịch của người sống sót

Trong một chuyến bay gặp nạn, người sống sót có thật sự là người may mắn? Chưa chắc! Khi phải lựa chọn giữa chết trong vụ tai nạn và sống nhưng phải ăn thịt những người đã chết, thì cả hai lựa chọn đều nghiệt ngã như nhau.

Bi kịch đằng sau những vụ tai nạn hàng không


Bộ phim “Alive” (Sống sót - 1993) kể về câu chuyện có thật của chiếc máy bay Uruguay 571, gặp nạn ở vùng núi Andes ngày 13/10/1972 khi đang chở đội bóng bầu dục Uruguay đi thi đấu. Sau khi chiếc máy bay đâm vào núi, 16/45 hành khách may mắn thoát nạn. Để sống sót trong lúc chờ đội cứu hộ, họ đã buộc phải ăn thịt những thi thể của những người đồng hành đã chết.

Trong suốt 72 ngày vật lộn trong núi tuyết, phải chống chọi với đói rét và cả bão tuyết, thực phẩm đã cạn, xung quanh lại không có cây cối hay thú vật, những người còn sống đã quyết định ăn thịt những xác chết để tồn tại. Khi đứng trước sinh tử, bản năng sinh tồn trỗi dậy, buộc họ phải ăn thịt xác chết của những người bạn. Đó là lựa chọn duy nhất và cũng khó khăn nhất.

Sau khi được giải cứu, câu chuyện sinh tồn của 16 người sống sót đã làm chấn động dư luận trên khắp thế giới, nhiều tranh cãi xảy ra quanh giải pháp sinh tồn nghiệt ngã này. Sự việc bị đẩy cao tới mức Giáo hội Công giáo khi đó đã phải đứng ra nói rõ quan điểm rằng những người sống sót đã phải ăn thịt người chết để sống, nên họ không có tội.

Ngay cả gia đình của những người tử nạn trong chuyến bay cũng bênh vực những người còn sống, nhưng thực sự dư luận không dễ gì bình thản đón nhận một câu chuyện như thế. Những tin giật gân rùng rợn cứ tiếp tục bị đồn thổi cho tới khi thời gian dần khiến câu chuyện lắng xuống.


34 năm sau khi xảy ra vụ việc, Nando Parrado - một người sống sót sau vụ tai nạn từng nói rằng: “Tất cả những gì xảy ra trong những ngọn núi ấy chỉ là sự ngu xuẩn, nỗi sợ hãi, tuyệt vọng và cảm giác tội lỗi đè nặng…”.

Trên chuyến bay ấy, có một người phụ nữ đã sống sót, cô là Liliana Methol. Liliana không bị thương, nhưng cô đã chọn cái chết sau đó - chết đói, chết rét - bởi không muốn ăn thịt người. Đứng trước sự sống và cái chết, khi lựa chọn nào cũng nghiệt ngã như nhau, sống sót cũng là một bi kịch khó nói thành lời.

Khi sống sót trở thành cơn chấn động

Thế giới đã từng chứng kiến những người duy nhất sống sót sau một vụ tai nạn hàng không. Tâm lý của những “người được Chúa lựa chọn” này luôn là một mối quan tâm lớn đối với những nhà nghiên cứu tâm lý.

Đối với người độc nhất còn lại sau một vụ tai nạn, có một nét tâm lý đau đớn mà nhiều người phải đối mặt, đó là “thà chết còn hơn”, một cảm giác tội lỗi, bất lực không thể lý giải nổi.

Bi kịch đằng sau những vụ tai nạn hàng không


“Fearless” (Không sợ hãi - 1993) là một bộ phim tâm lý ấn tượng khai thác tâm lý của người sống sót sau tai nạn kinh hoàng. Nhân vật kiến trúc sư Max Klein là một trong số rất ít những hành khách sống sót sau một vụ tai nạn hàng không. Phim theo dõi tiến trình tâm lý của Klein từ lúc máy bay rơi cho tới khi anh đã trở lại cuộc sống thường nhật.

Khi biết rằng máy bay đã mất kiểm soát và sắp rơi, Klein thoạt tiên cảm thấy bình yên lạ lùng bởi anh biết chắc “vậy là hết”. Klein bắt đầu an ủi những hành khách khác, việc này đã khiến Klein trở thành “người hùng” sau khi thoát nạn.

Sự chấn động tâm lý sau đó đã khiến Klein hoàn toàn thay đổi. Anh không thể thoát ra khỏi sự ám ảnh của tai nạn kinh hoàng. Khi tưởng như đã vuột mất sự sống, giờ đây anh đứng trước những câu hỏi muôn thuở của cuộc đời, của loài người, rằng sống để làm gì, ý nghĩa của cuộc đời ở đâu… Klein lúc này là một kẻ mộng du đi giữa cuộc đời.

Anh đã bị sang chấn tâm lý, có những hành động lạ lùng, kỳ quặc, hoàn toàn khác trước, thậm chí lánh xa vợ con và đắm mình trong ký ức về lần đối mặt với tử thần. Đã chấp nhận để chết, thì anh lại được sống. Khi đã trở về cuộc sống, anh chỉ nghĩ về cái chết.

Trong phim, không chỉ có Klein, người ta còn được gặp một người phụ nữ đã mất con sau tai nạn, người mẹ sống sót nhưng mặc cảm tội lỗi không nguôi.


Để thoát ra khỏi những cơn bão tâm lý bủa vây, Klein thử nghiệm những hành động mạo hiểm tính mạng để tìm thấy sự bình yên không sợ hãi. Sự tồn tại đối với Klein lúc này là một trạng thái mập mờ không rõ ràng. Anh sống như thể đã mất kết nối với gia đình và cuộc sống.

“Fearless” khắc họa sinh động tâm lý của người sống sót, để thấy rằng ngay cả khi thế giới nhìn nhận bạn như một người may mắn hiếm có, như một người được Chúa che chở, nhưng vẫn có những bi kịch mà chỉ mình người sống sót hiểu được.

Bích Ngọc
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm