Bi kịch ngầm ở Hollywood trong phim hay nhất Oscar 2015

(Dân trí) - Bộ phim hài đen “Birdman” (Siêu anh hùng Birdman) được ví như một tấm gương phản chiếu thế giới hào nhoáng, phù phiếm nhưng ẩn chứa nhiều bi kịch ở Hollywood.

Phim hay nhất tại giải Oscar kể về bi kịch ngầm ở Hollywood


Phim kể về một diễn viên đã hết thời phải vật lộn với đời sống vật chất nhưng vẫn không thôi khát vọng tỏa sáng, mong muốn được khán giả nhắc nhớ tới.

Nhân vật nam chính của phim cũng giống như bao diễn viên đã bị lãng quên khác ở Hollywood, họ loanh quanh với sự nghiệp không như ý của mình, khán giả tưởng họ đã âm thầm giã từ sự nghiệp từ lâu, nhưng rồi đột ngột, một ngày nọ, họ trở lại với một vai diễn mới và mang trong lòng đầy kỳ vọng về một cú tái xuất ngoạn mục, một sự trở lại của hào quang thắp sáng lần hai.

Đó chính là câu chuyện được kể trong “Birdman” - bộ phim vừa nhận giải Phim hay nhất tại giải Oscar năm nay. Truyện phim kể về một diễn viên lớn tuổi, đã hết thời - Riggan Thomson.

Riggan từng một thời rất nổi tiếng khi vào vai siêu anh hùng Birdman trên màn ảnh, nhưng rốt cuộc, ông lại là diễn viên chỉ nổi tiếng với một vai duy nhất. Tất cả những vai diễn sau này của Riggan đều không được người xem nhớ đến. Người diễn viên ấy không chấp nhận sự thật và muốn tái xuất ngoạn mục trên sân khấu kịch Broadway ở tuổi xế chiều.

Phim hay nhất tại giải Oscar kể về bi kịch ngầm ở Hollywood

Trong 9 đề cử nhận được, “Birdman” đã giành về 4 tượng vàng cho Phim/ Đạo diễn/ Kịch bản gốc/ và Quay phim xuất sắc nhất.

Một điểm nhấn quan trọng của “Birdman”, đó là cảnh phim liền mạch, liên tục và xuyên suốt, khiến người xem tưởng như không hề có chuyển cảnh, không cắt gọt, không biên tập, phim diễn ra tự nhiên như thể chính cuộc đời và không có bàn tay dàn dựng của đạo diễn.

Sự liên tục trong cảnh phim đôi lúc như dồn nén người xem theo mạch cảm xúc của nhân vật, khiến người xem cũng cảm thấy ngột ngạt, bế tắc, không lối thoát như chính nhân vật.

Bộ phim kết hợp cả hiện thực và giả tưởng, trong đó, nhân vật nam chính - Riggan Thomson (Michael Keaton) - luôn sống với quá khứ hào quang của vai diễn siêu anh hùng Birdman. Thành công ấy vẫn ám ảnh ông suốt những năm tháng qua, Birdman đã trở thành một phần không thể tách rời khỏi Riggan, khiến Riggan nhìn nhận cuộc đời bằng cả đôi mắt của Birdman.

Phim hay nhất tại giải Oscar kể về bi kịch ngầm ở Hollywood


Đạo diễn của phim - Alejandro González Iñárritu - đã chia sẻ tại lễ trao giải Oscar rằng ý tưởng làm phim “Birdman” đến từ việc ông học cách “làm phim không sợ hãi”. Các tờ báo đã đồng loạt đăng tải lại phát ngôn táo bạo phía sau hậu trường lễ trao giải, khi đạo diễn Inarritu so sánh rằng: “Nỗi sợ là chiếc bao cao su của cuộc đời. Nó không cho phép ta tận hưởng”.

Một điểm thú vị thứ hai trong “Birdman”, đó là mối liên hệ tương đồng giữa nhân vật nam chính và diễn viên thủ vai. Nhân vật Riggan Thomson có cuộc đời gần như giống hệt với nam diễn viên Michael Keaton.

Từng rất nổi tiếng với vai diễn Người Dơi trong hai bộ phim “Batman” (1989) và “Batman Returns” (1992), nhưng rồi nam diễn viên Michael Keaton đã quyết định từ bỏ loạt phim siêu anh hùng ăn khách, nhưng rồi Người Dơi vẫn mãi mốc son chói lọi, là vai diễn lớn nhất trong cuộc đời ông, người hâm mộ vẫn chỉ nhớ tới một Michael Keaton “Người Dơi”.

Tương tự, cũng cách đây hai thập kỷ, nhân vật Riggan Thomson từ bỏ loạt phim ăn khách làm về siêu anh hùng Birdman, Riggan hy vọng sẽ có thể khẳng định mình với những vai diễn đa dạng hơn, nhưng sau quyết định khó khăn, đầy mạo hiểm, sự nghiệp của Riggan cứ thế tuột dốc không phanh.

Khán giả dần lãng quên Riggan nhưng Riggan không thể nào quên Birdman - vai diễn từng đưa lại hào quang cho ông, hình ảnh Birdman vẫn luôn hiện diện, song hành bên Riggan sau hai thập kỷ, nhưng đương nhiên, Birdman hoàn toàn vô hình trong mắt những người xung quanh. Birdman chỉ tồn tại trong thế giới riêng của Riggan và luôn khiến Riggan đau đớn bằng những lời lẽ cay nghiệt.

Phim hay nhất tại giải Oscar kể về bi kịch ngầm ở Hollywood


Thoạt tiên, người xem cảm thấy lạ lùng bởi những yếu tố kỳ lạ, phi logic, “rất ảo” trong phim, nhưng nhanh chóng, họ sẽ hiểu ra rằng đó chính là cơn mê cuồng danh vọng khốn khổ, không lối thoát của nhân vật nam chính, khiến ông nhiều khi không còn có thể phân biệt được thực - ảo.

“Birdman” nhận được ba đề cử về diễn xuất cho Nam chính/Nam phụ/Nữ phụ xuất sắc nhất tại giải Oscar nhưng cuối cùng không diễn viên nào rinh về tượng vàng. Nhiều người tỏ ý tiếc nuối cho nam diễn viên chính của phim - Michael Keaton, khi “Birdman” là sự trở lại đầy kỳ vọng trong sự nghiệp của nam diễn viên 63 tuổi kể từ sau vai diễn Người Dơi đình đám.

Tuy vậy, có thể an ủi rằng dù vai diễn không đưa lại tượng vàng cho Michael Keaton nhưng đã khiến báo chí nhắc tới ông trong suốt những ngày qua. Một “dấu lặng” cho Michael Keaton tại lễ trao giải Oscar đã khiến tờ Telegraph gọi bộ phim là một “Hiệp sĩ bóng đêm của tâm hồn” - một bộ phim bi và hài thật như cuộc đời. Việc Michael Keaton không giành được tượng vàng có lẽ cũng là một sự ăn nhập đồng điệu với phim.


Bích Ngọc
Theo Telegraph