Bị khởi tố vì làm… “gãy râu” Pha-ra-ông

(Dân trí) - Chiếc mặt nạ bằng vàng ròng huyền thoại của Pha-ra-ông Ai Cập Tutankhamun đã phải chịu những tổn hại không thể sửa chữa được. Giờ đây, những người gây ra sự tổn hại đó sẽ phải chịu sự truy tố của pháp luật.

 

Bị khởi tố vì làm… “gãy râu” Pha-ra-ông - 1

8 người có liên quan tới việc sửa chữa lại bộ râu bị gãy trên mặt nạ của Pha-ra-ông Ai Cập Tutankhamun sẽ bị khởi tố ra tòa vì tội thiếu trách nhiệm nghiêm trọng trong công việc. Mới đây, mặt nạ của Pha-ra-ông Tutankhamun đã được sửa chữa lại bằng những phương pháp khoa học để việc gắn bộ râu gãy vào mặt nạ không gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ của nó.

Sau khi công việc hoàn tất, ê-kíp từng tham gia việc gắn lại bộ râu trước đó (họ đã sử dụng hóa chất không phù hợp và tiến hành việc sửa chữa một cách vội vàng) sẽ bị khởi tố ra tòa. Mặt nạ bằng vàng ròng sử dụng trong lễ tang của Pha-ra-ông Tutankhamun là một trong những hiện vật nổi tiếng nhất của nền văn minh Ai Cập cổ đại còn tồn tại cho tới hôm nay.

Các công tố viên khẳng định chiếc mặt nạ 3.300 năm tuổi này đã vô tình bị làm gãy râu rồi sau đó bị vội vàng gắn lại bằng hóa chất không phù hợp hồi năm 2014, khiến thẩm mỹ của chiếc mặt nạ bị ảnh hưởng nặng nề, buộc các nhà khoa học phải thực hiện một cuộc phục chế thứ 2.

Cuối năm 2015, chiếc mặt nạ đã được sửa chữa bởi một đội ngũ các chuyên gia người Đức và Ai Cập, tuy vậy, những sai sót cẩu thả đã xảy ra trong lần phục chế thứ nhất là không thể bỏ qua. Việc sửa chữa qua loa sau khi bộ râu của mặt nạ bị gãy rời đã để lại nhiều hậu quả đối với thẩm mỹ của chiếc mặt nạ.

Bị khởi tố vì làm… “gãy râu” Pha-ra-ông - 2

Trong lần phục chế thứ 2, người ta đã phải cẩn thận tách rời lớp keo dán đã sử dụng trước đó để gắn lại chòm râu vào mặt nạ bằng sáp ong.

Viện bảo tàng Ai Cập ở thủ đô Cairo - nơi chiếc mặt nạ được trưng bày - là một trong những địa danh hấp dẫn du lịch nhất của Cairo, và chiếc mặt nạ của Pha-ra-ông Tutankhamun cùng những đồ vật khác tìm thấy bên trong lăng mộ của ngài là những cổ vật thu hút đông du khách chiêm ngưỡng nhất tại viện bảo tàng.

Tại thời điểm xảy ra sự cố, chiếc mặt nạ nên được nghiên cứu cẩn thận để tìm ra cách phục chế phù hợp nhưng những nhân viên ở Viện bảo tàng Ai Cập đã quá vội vã trong việc sửa chữa để có thể nhanh chóng đưa chiếc mặt nạ trở lại trưng bày. Họ liền sử dụng chất liệu keo dán nhanh khô và không thể nào phục hồi những tổn hại mà chất keo này đã gây ra đối với chiếc mặt nạ.

Để sửa chữa lại sai lầm, tổng cộng họ đã thực hiện 4 lần gắn lại bộ râu cho mặt nạ, gồm 3 lần cố gắng tách bớt lớp keo dán quá dày khiến vết dán trở nên quá lộ. Công cụ được sử dụng để tách bớt lớp keo là một chiếc… dao bay, việc này đã để lại những vết xước trên mặt nạ.

Vì những sai sót trong quá trình gắn lại râu cho mặt nạ Pha-ra-ông hồi năm 2014, mà đến năm 2015, người ta đã phải tiến hành một cuộc phục chế thứ 2.
Vì những sai sót trong quá trình gắn lại râu cho mặt nạ Pha-ra-ông hồi năm 2014, mà đến năm 2015, người ta đã phải tiến hành một cuộc phục chế thứ 2.

Chiếc mặt nạ Pha-ra-ông được tìm thấy bởi những nhà khảo cổ học người Anh hồi năm 1922. Phát hiện này đã gây xôn xao trên khắp thế giới và khiến sự hứng thú đối với ngành khảo cổ học và Ai Cập học tăng lên đáng kể. Khi đó, người ta đã khai quật được lăng mộ gần như còn nguyên vẹn của Pha-ra-ông Tutankhamun.

Tờ Ai Cập Nhật báo đã trích dẫn lời của các công tố viên rằng: “Bỏ qua mọi phương pháp phục chế khoa học, những nhân viên tham gia phục chế đã cố gắng che giấu sai lầm của mình bằng cách dùng dụng cụ kim loại bén sắc để tách bớt lớp keo dán quá dày và quá lộ. Việc làm này đã gây ra những tổn hại cho món cổ vật 3.000 năm tuổi mà không hề có được một phút giây nào suy xét thấu đáo”. Trong 8 người bị khởi tố có cả cựu giám đốc viện bảo tàng và cựu giám đốc phòng phục chế.

Chiếc mặt nạ được trưng bày ở Viện bảo tàng Ai Cập ở Cairo - một trong những địa danh hấp dẫn du lịch nhất trong thành phố.
Chiếc mặt nạ được trưng bày ở Viện bảo tàng Ai Cập ở Cairo - một trong những địa danh hấp dẫn du lịch nhất trong thành phố.
Phục chế hỏng năm 2014
Phục chế hỏng năm 2014
Phục chế thành công năm 2015
Phục chế thành công năm 2015

Tutankhamun là một pharaông Ai Cập thống trị từ năm 1332-1323 trước Công nguyên, ngài lên ngôi từ lúc 9-10 tuổi, là con trai của pharaông Akhenaten. Khi lên ngôi, Tutankhamun đã lấy người chị gái cùng cha khác mẹ là Ankhesenpaaten theo đúng truyền thống của dòng dõi quý tộc Ai Cập thời bấy giờ.

Tuy vậy, thời gian trị vì của Tutankhamun rất ngắn, ngài qua đời từ năm 19 tuổi, nguyên nhân của sự ra đi quá sớm này được cho là bởi Tutankhamun bị chứng vẹo cột sống quá nặng. Cho tới hôm nay, Tutankhamun vẫn là một trong những pharaông nổi tiếng nhất, người ta đã thực hiện nhiều nghiên cứu về cuộc đời Tutankhamun sau khi tìm thấy lăng mộ của vị pharaông này.

Năm 1907, nhà khảo cổ học người Anh chuyên về lĩnh vực Ai Cập học - Howard Carter đã bắt đầu tiến hành khảo cổ ở khu vực Thung lũng của các vị vua - một địa danh khảo cổ nổi tiếng tại Ai Cập.

Mãi tới tháng 11/1922, nhóm khảo cổ của Carter mới tìm thấy những bậc thang dẫn xuống hầm mộ của Tutankhamun. Đây được xem là phát hiện khảo cổ hoàn thiện nhất từng thấy tại Ai Cập khi hầm mộ gần như vẫn còn nguyên vẹn dù đã trải qua một số cuộc cướp phá từ thời xa xưa.

Bích Ngọc
Theo BBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm