Bị gameshow “ép lớn”, trẻ con phải đối mặt với hiểm họa gì?

(Dân trí) - Không chỉ hát các bài hát người lớn, các em xuất hiện trong một số gameshow còn hóa thân từ bộ dạng, giọng hát giống hệt nghệ sĩ nhân dân, có chương trình còn để trẻ con làm HLV cho các nghệ sĩ lớn tuổi khiến khán giả phản ứng gay gắt…

Trẻ con đang bị gameshow “ép lớn”?

Nhiều khán giả không khỏi phản ứng gay gắt khi một gameshow để các em nhỏ làm huấn luyện viên cho các nghệ sĩ đáng tuổi bố mẹ, ông bà. Dù các em có năng khiếu ở một lĩnh vực nghệ thuật nào đó mà các nghệ sĩ lớn tuổi không có nhưng để các em xuất hiện với hình ảnh chững chạc, đưa ra những lời nhận xét già dặn vẫn khiến người ta “gờn gợn”. Việc đóng vai “người lớn”, thậm chí là “bề trên” của người lớn có ảnh hưởng đến suy nghĩ, tính cách sau này của các em?

Ở một gameshow khác, các em không làm huấn luyện viên cho người nghệ sĩ lớn tuổi nhưng lại thi hát và hóa thân vào “thần tượng” của mình. Để hóa thân thành nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoa, nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền… các em phải ăn mặc, hóa trang sao cho thật giống; bộ dạng, cách hát cũng phải y hệt. Càng giống các em càng được giám khảo thích thú, cổ vũ. Cứ vào vai “người lớn” thế này, liệu các em có bị ảo tưởng rằng mình đang là một ngôi sao, một nghệ sĩ lớn?

Bị gameshow “ép lớn”, trẻ con phải đối mặt với hiểm họa gì? - 1

Nhiều em nhỏ chọn bài Thị Màu lên chùa để tham gia các chương trình tìm kiếm tài năng trên truyền hình.
Nhiều em nhỏ chọn bài "Thị Màu lên chùa" để tham gia các chương trình tìm kiếm tài năng trên truyền hình.

Trước đó, không ít ý kiến không đồng tình với việc các gameshow dành cho trẻ con cứ để trẻ con hát những bài hát người lớn. Nếu khán giả không tò mò, giám khảo không tỏ ra hứng thú, thậm chí khen ngợi thì sao các em ngày càng chọn lựa hát các ca khúc người lớn?

“Đừng bắt các cháu trở thành người lớn sớm quá”, nhạc sĩ Phạm Tuyên, người chuyên sáng tác các ca khúc cho thiếu nhi phải bức xúc kêu lên khi xem gameshow dành cho thiếu nhi.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ: “Đối với các gameshow ca nhạc, đặc biệt là các cuộc thi hát trên truyền hình dành cho trẻ em, tôi đã góp ý với lãnh đạo nhà Đài rằng đừng bắt các cháu trở thành người lớn sớm quá, đừng bắt các cháu hát bài hát của người lớn. Hỏi các cháu, có cháu nào biết gì về Thị Màu, biết thị Màu là ai đâu, sao lại để chúng hát bài “Thị Màu lên chùa”?

Không chỉ thế, khi xem các cuộc thi hát của thiếu nhi trên truyền hình, tôi có cảm giác các cháu nhỏ giống như là diễn viên diễn xuất trên sân khấu để làm người lớn vui… Phải động viên các nhạc sĩ sáng tác ca khúc cho thiếu nhi, chứ không rất nguy hiểm”.

Khi nói về thực trạng gameshow, nghệ sĩ Xuân Bắc cũng cho rằng xuất hiện quá nhiều gameshow dẫn đến không kiểm soát được, để lọt những gameshow nhảm, “độc hại”. Anh cũng cho rằng không nên quá chiều theo thị hiếu khán giả bởi: “Nếu chiều theo thị hiếu khán giả, tức là ở đâu đó vẫn có một bộ phận khán giả đang cổ súy cho điều đó. Nếu làm một gameshow mà không bán được quảng cáo, không có khán giả (rating không cao) thì không đơn vị nào kém thông minh đến mức làm một sẩn phẩm chất lượng kém thế...”

Bị “ép chín” sớm sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy…

Trao đổi với phóng viên Dân trí, xoay quanh việc trẻ em “đóng vai người lớn” hoặc bị “ép chín sớm”… trong các gameshow, Tiến sĩ Vũ Việt Anh, chuyên gia giáo dục đưa ra góc nhìn riêng: “Tạo sân chơi cho trẻ để trẻ phát triển toàn diện là cần thiết. Tuy nhiên cần phải tìm hiểu các chương trình để trẻ phát triển theo đúng tâm lý lứa tuổi. Việc trẻ có một tấm gương, thần tượng vươn lên là cần thiết để vươn lên. Nhưng khai thác quá mức sẽ dẫn đến sự phát triển lệch lạch cho các cháu. Việc hát những bài hát người lớn, nhất là những bài hát cần có những biểu cảm hoặc tâm sự, tâm trạng của người lớn thì không nên. Trong một số gameshow chính các giám khảo cũng đã nhận xét là các con hát như những người 31 tuổi…”

Ca sĩ Siu Black đang trao đổi với HLV nhí của mình trong một gameshow.
Ca sĩ Siu Black đang trao đổi với HLV nhí của mình trong một gameshow.

Tiến sĩ Vũ Việt Anh nói, trên thế giới kiểm soát rất khắt khe những hoạt động văn hóa liên quan đến trẻ em: “Ví dụ: với những phim có ký hiệu G - General Audiences (5+)/ Có thể công chiếu rộng rãi.

Còn PG - Parental Guidance Suggested (9+)/ Cha mẹ nên có hướng dẫn cho con khi xem.

PG-13 - Parents Strongly Cautioned (Parental Guidance Strongly Cautioned - 13 years and above) (13+)/ Các bậc cha mẹ đặc biệt chú ý. R - Restricted (16 years and above) (16+)/ Phim có giới hạn người xem

NC-17 - No Children 17 or Under Admitted (17 years and above) (17+)/ Không dành cho trẻ em dưới 17 tuổi do có nhiều yếu tố gây ảnh hưởng xấu đến nhân cách, đạo đức, khuyến khích hành vi phạm tội.

Như vậy chúng ta thấy nếu để các con phát triển tâm lý quá lứa tuổi sẽ làm mất đi sự trong sáng của tuổi thơ hay nói cách khác chúng ta vô tình "đánh cắp tuổi thơ" của trẻ”.

Tiến sĩ Vũ Việt Anh cũng khuyến cáo rằng, hậu quả của việc trẻ phát triển vượt qua tâm lý lứa tuổi có ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của trẻ. “Ngày nay chúng ta nghe thấy rất nhiều câu chuyên về trẻ dậy thì sớm, trẻ tự tử... các nghiên cứu khoa học chỉ ra rất nhiều nguyên nhân: thực phẩm biến đổi gen, thực phẩm chứa chất kích thích, chất tăng trọng, trẻ em bắt trước hành vi của người lớn....

Nhưng tôi cho rằng, ảnh hưởng đầu tiên chính là ảnh hưởng từ cách định hướng của người lớn vì: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Trẻ được sống trong môi trường mà đầy rẫy các phim được chiếu cho người lớn tràn lan, các gameshow bắt trẻ trưởng thành nhanh, các trò chơi không có kiểm soát thì việc trẻ con phát triển sớm là điều tất yếu bởi vì: “Trẻ con làm những gì trẻ con nhìn thấy” (Children See, Children Do)

Một số thống kê để các bậc phụ huynh và những người làm chương trình lưu tâm: tuổi quan hệ tình dục của trẻ em Việt Nam hiện nay là 14 tuổi; có khoảng 300.000 ca nạo phá thai ở tuổi vị thành niên tại Việt Nam, đứng đầu Đông Nam Á và thứ 5 trên thế giới”, anh nói.

Nguyễn Hằng