Bí ẩn “thành phố chết”

(Dân trí) - Nghĩa địa El'Arafa ở Cairo, Ai Cập, được mệnh danh là “thành phố chết”. Nơi đây không chỉ có những ngôi mộ của người đã khuất mà còn có những ngôi nhà của người đang sống. Dân cư ở trong nghĩa địa rất đông đúc, lên tới gần 1 triệu người.

Cairo có số dân gần 18 triệu người. Ở vùng đông nam thành phố có nghĩa trang El'Arafa, đây là nơi cư ngụ của không chỉ những người đã khuất mà còn của cả những người đang sống. Người ta ước tính rằng trong nghĩa trang có khoảng 500.000 đến 1 triệu người Ai Cập đang sống ở đó. Nghĩa địa rộng lớn này được mệnh danh là “thành phố chết”.

Trong nghĩa địa, những hộ gia đình sống xen lẫn giữa những ngôi mộ lớn nhỏ đủ kích cỡ. Trong “thành phố chết” có đủ cả 3 thế hệ người Ai Cập cùng sinh sống, có những người đã sống ở đây từ thập niên 1950.

Bí ẩn “thành phố chết”


Việc sống trong nghĩa địa như vậy không được cho phép ở Ai Cập nhưng chính quyền Ai Cập từ lâu đã “đầu hàng” trước việc trục xuất những cư dân bất hợp pháp ra khỏi nghĩa địa. Việc đưa người dân ra khỏi nghĩa địa đòi hỏi phải có những khu nhà để người ta đến đó sinh sống, nếu không họ sẽ trở thành những người vô gia cư và sẽ lại hình thành những khu ổ chuột phức tạp mới.

Nhiếp ảnh gia người Canada - Tamara Abdul Hadi gần đây đã đến thăm “thành phố chết” để ghi lại hình ảnh cuộc sống thường ngày của một gia đình sống trong khu nghĩa địa. Thực tế, cuộc sống của họ hoàn toàn giống với những gia đình bình thường khác, chỉ có điều đặc biệt duy nhất là họ sinh sống, ăn ngủ ngay cạnh những người đã khuất.

Bí ẩn “thành phố chết”


Tại nghĩa trang El'Arafa, Hadi đã gặp gỡ gia đình ông Abdel-Lateef. Họ bắt đầu sống ở đây từ năm 1966. Ông Abdel-Lateef và vợ - bà Atiyat đã nuôi lớn 5 người con tại đây. Tất cả các con của ông bà đều trưởng thành và khỏe mạnh, đã có cuộc sống gia đình riêng, nhưng đại gia đình 3 thế hệ nhà họ vẫn sống trong cùng một khu nghĩa trang này.

Bí ẩn “thành phố chết”


Gia đình Abdel-Lateef không phải là những trường hợp duy nhất có cả 3 thế hệ cùng sinh sống trong khu nghĩa trang. Ở đây có hàng nghìn gia đình như vậy. Ở Cairo, đã có một thời đô thị hóa, hiện đại hóa diễn ra quá nhanh, khiến dòng người di cư từ nông thôn lên thành thị quá đông, thành phố không đáp ứng nổi những nhu cầu sinh hoạt của người nhập cư. “Thành phố chết” là một trong rất nhiều những khu ổ chuột hình thành ở Cairo vì lý do này.

Bí ẩn “thành phố chết”


Nhiều người sống trong “thành phố chết” kiếm sống bằng nghề đào mộ. Họ kiếm được khoảng 125 đô la/tháng, đó là một khoản thu nhập tương đối khá so với thu nhập của người dân lao động Ai Cập nói chung.

Bí ẩn “thành phố chết”


Những người không kiếm được việc làm bên trong nghĩa trang sẽ tìm việc ở những khu dân cư xung quanh, thường họ cũng chỉ làm những công việc lao động chân tay.

Bí ẩn “thành phố chết”


Phần lớn các gia đình sống trong những ngôi mộ lớn được bài trí với những đồ dùng thiết yếu phục vụ cho đời sống gia đình, họ cũng có những căn bếp nhỏ, khoảnh vườn, phòng ngủ… Gia đình Abdel-Lateef có một ngôi mộ nhỏ chuyên dùng để ngủ, còn những hoạt động như nấu nướng, ăn uống, xem TV sẽ được diễn ra ở bên ngoài ngôi mộ.

Bí ẩn “thành phố chết”


Gia đình Abdel-Lateef, giống như nhiều gia đình khác, sống giữa những ngôi mộ xa lạ và cả những ngôi mộ của người thân. Căn phòng ngủ này cũng có một ngôi mộ trong đó, các cậu bé đang ngồi chơi điện tử trên ngôi mộ nơi bác ruột của hai em được chôn cất.

Bí ẩn “thành phố chết”


Cuộc sống trong “thành phố chết” thực tế tốt hơn rất nhiều so với những khu ổ chuột khác ở Cairo, nhiều ngôi mộ lớn còn sạch sẽ hơn so với những căn nhà lụp xụp, chật chội trong những khu ổ chuột lầy lội. Ở đây, nhiều gia đình còn có những khoảnh vườn, khoảnh sân nho nhỏ.

Bí ẩn “thành phố chết”


Những người sống trong nghĩa trang này rất sáng tạo với điều kiện sống của họ. Ví dụ những đứa trẻ sử dụng một cánh cửa dẫn vào một hầm mộ để làm cầu môn trong một trận bóng.

Bí ẩn “thành phố chết”


Số người sống trong khu nghĩa trang này ngày càng nhiều bởi tình trạng nghèo đói và thất nghiệp vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt khiến nhiều người phải tìm tới những cách cắt giảm chi tiêu tối đa. Khi sống trong nghĩa trang này, họ sẽ không phải mất tiền thuê nhà mà vẫn có chốn trú ngụ nắng mưa. Ở đây, tình trạng tội phạm cũng đã bắt đầu gia tăng.

Bích Ngọc
Theo Business Insider