Bí ẩn kho báu tàu cổ ở Bình Châu

Quốc Triều

(Dân trí) - Có 11 xác tàu cổ được phát hiện tại vùng biển Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Các chuyên gia nhận định, khu vực này là "nghĩa địa tàu cổ" hiếm có trên thế giới.

Vùng đất Bình Châu là nơi lưu giữ nhiều di sản về văn hóa, địa chất đặc biệt. Ngoài dấu tích của núi lửa cổ, vùng biển Bình Châu còn có nhiều xác tàu hàng trăm năm tuổi. Vì sao nơi đây có mật độ tàu đắm dày đặc như thế vẫn còn là điều bí ẩn.

Bí ẩn kho báu tàu cổ ở Bình Châu - 1

Vùng biển Bình Châu, nơi có hàng chục xác tàu cổ được phát hiện

  "Báu vật" tàu cổ Bình Châu

Cuối năm 2012, ngư dân xã Bình Châu phát hiện nhiều cổ vật ở vùng biển Vũng Tàu (xã Bình Châu). Vị trí phát hiện cổ vật chỉ cách bờ khoảng 150 m, ở độ sâu khoảng 4 m.

Sau quá trình khảo sát, các chuyên gia khảo cổ nhận định vị trí này có một xác tàu cổ. Việc khai quật được tỉnh Quảng Ngãi tiến hành sau đó đã phát lộ nhiều "báu vật" cho ngành khảo cổ.

Bí ẩn kho báu tàu cổ ở Bình Châu - 2

Khai quật con tàu 700 năm tuổi tại vùng biển Bình Châu vào năm 2013 (Ảnh: Khoa Nguyên).

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - nguyên Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Quảng Ngãi - nhớ lại, đó là lần đầu tiên một con tàu cổ còn khá nguyên vẹn được phát hiện tại vùng biển Quảng Ngãi. Làm sao để khai quật con tàu hiệu quả nhất nhằm bảo vệ cổ vật, bảo vệ xác tàu phục vụ nghiên cứu là ưu tiên hàng đầu được đặt ra.

"Khảo cổ học dưới nước rất khó khăn nhưng may mắn là con tàu nằm gần bờ với độ sâu chỉ khoảng 4 m. Do đó, một phương pháp khai quật lần đầu được thực hiện là đóng cừ larsen làm đê vây quanh con tàu rồi tiến hành hút nước đã được triển khai", Tiến sĩ Vũ cho biết.

 Lần đầu tiên phương pháp khai quật tàu cổ đắm bằng cách đóng cừ larsen được thực hiện đã mang lại kết quả bất ngờ. Xác tàu với hàng nghìn cổ vật đã phát lộ.

Con tàu lộ rõ với 12 khoang chở đầy gốm, sứ. Chiều dài từ đuôi tàu cho đến phần mũi còn lại là 20,5 m, chiều ngang rộng nhất của tàu nằm phía sau khoảng giữa tàu là 5,6 m. Các chuyên gia khảo cổ đã thu được khoảng 5.000 hiện vật trên tàu, trong số này có nhiều hiện vật độc bản quý giá.

Bí ẩn kho báu tàu cổ ở Bình Châu - 3

Đĩa men ngọc màu xanh da táo trang trí nổi hình rồng mang đặc trưng nghệ thuật thế kỷ 13, độc bản quý hiếm phát hiện trên tàu 700 tuổi (Ảnh: Khoa Nguyên).

Trong số hàng nghìn cổ vật được trục vớt, các nhà nghiên cứu đã phát hiện khá nhiều chi tiết mới lạ về hoa văn, gốm sứ. Xác tàu được xác định là độc bản quý hiếm nhất từ trước đến nay của ngành khảo cổ Việt Nam cũng như thế giới. Việc nghiên cứu chiếc tàu mang lại ý nghĩa to lớn với toàn bộ giới nghiên cứu tàu thuyền thương mại.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, các chuyên gia khảo cổ nhận định con tàu đã bị cháy trước khi chìm. Dựa trên nhiều phân tích khoa học cũng có thể xác định con tàu khoảng 700 năm tuổi. Đây là con tàu đắm cổ nhất được tìm thấy trong vùng biển Việt Nam từ trước đến nay.

"Một con tàu cổ còn khá nguyên vẹn được khai quật có giá trị rất lớn cho ngành khảo cổ. Kết quả khai quật đã đóng góp vào việc nghiên cứu "con đường tơ lụa" trên biển từ nhiều thế kỷ trước", Tiến sĩ Vũ chia sẻ.

 Bí ẩn "nghĩa địa" tàu cổ

Tính đến thời điểm này, tại vùng biển Quảng Ngãi đã có 3 xác tàu cổ được khai quật, trong đó có 2 xác tàu ở vùng biển Bình Châu. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, chỉ có xác tàu được khai quật vào năm 2013 là còn nguyên vẹn, mang đến tư liệu quý cho ngành khảo cổ Việt Nam. Không dừng lại ở đó, vùng biển Bình Châu còn hàng chục xác tàu cổ khác vẫn ẩn mình dưới lòng biển.

Ông Nguyễn Tuấn Lâm - nguyên là Chuyên gia khảo cổ học dưới nước (Bảo tàng Lịch sử Việt Nam) nhận định, vùng biển Bình Châu là một "nghĩa địa tàu cổ" duy nhất ở Việt Nam và hiếm có trên thế giới.

Ở vùng biển Việt Nam từng phát hiện xác tàu cổ tại Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Tuy nhiên, những địa điểm này rất ít xác tàu. Riêng tại Bình Châu, mật độ xác tàu cổ được phát hiện dày đặc. Tại đây đã phát hiện 11 xác tàu cổ, trong đó đã khai quật 2 xác tàu vào năm 1999 và 2013. Kết quả khảo sát vùng biển rộng 23 km2 ở Bình Châu còn xác định 20 địa điểm nghi vấn có xác tàu cổ.

"Tam giác quỷ Bermuda ở Đại Tây Dương là nghĩa địa tàu đắm lớn nhất với hơn 300 xác tàu. Tuy nhiên đây là những con tàu hiện đại. Ngoại trừ địa điểm này thì trên thế giới vẫn chưa phát hiện được nơi nào có mật độ tàu cổ đắm dày đặc như ở vùng biển Bình Châu", ông Nguyễn Tuấn Lâm cho biết.

Bí ẩn kho báu tàu cổ ở Bình Châu - 4

Một số đồ gốm cổ được khai quật từ tàu đắm ở vùng biển Bình Châu.

Bí ẩn kho báu tàu cổ ở Bình Châu - 5

Xác tàu và cổ vật trên tàu giúp các chuyên gia khảo cổ có thêm tư liệu làm sáng tỏ "con đường tơ lụa" trên biển.

Có những bí ẩn dần được hé lộ nhưng cũng còn nhiều điều vẫn làm "đau đầu" các chuyên gia khảo cổ. Vì sao chỉ một vùng biển nhỏ lại có nhiều con tàu đắm như thế?

Theo ông Nguyễn Tuấn Lâm, kết quả khảo cổ cho thấy tàu đắm ở Bình Châu từng là những thương thuyền, hầu hết chở đầy gốm, sứ. Từ kết quả đó có thể nhận định, từ trước thế kỷ 13, khu vực Bình Châu từng có một thương cảng sầm uất. Đây là điểm trung chuyển quan trọng trong tuyến giao thương trên biển Đông, "tuyến đường tơ lụa" trên biển.

Cùng quan điểm đó, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - nguyên Giám đốc Sở VH,TT&DL Quảng Ngãi - cho biết, trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn có ghi lại số liệu đóng thuế tại một số khu vực. Trong đó, vùng Sa Kỳ (xã Bình Châu) có mức đóng thuế rất lớn. Có thời điểm, số thuế thu được tại đây còn cao hơn vùng Hội An (tỉnh Quảng Nam) và Thị Nại (tỉnh Bình Định). Dữ liệu này cho thấy tại Bình Châu từng có một thương cảng rất nhộn nhịp.

Bí ẩn kho báu tàu cổ ở Bình Châu - 6

Phục dựng, trưng bày cổ vật tàu cổ Bình Châu tại Trung tâm phát huy giá trị di sản văn hóa đa năng Quảng Ngãi.

Về nguyên nhân làm đắm tàu, ông Nguyễn Tuấn Lâm nhận định, qua nghiên cứu vết tích một số con tàu cho thấy có dấu vết hỏa hoạn. Có thể tàu bè đến thương cảng trao đổi hàng hóa rồi bị cháy, cũng có thể bị cướp biển tấn công, hoặc trong quá trình neo đậu tránh trú bão rồi bị chìm.

Với những dữ liệu thu được có thể suy đoán vùng biển Bình Châu từng có một thương cảng cổ. Đây là nguyên nhân khiến khu vực này có mật độ tàu đắm dày đặc mà ít nơi nào trên thế giới có được. Tuy nhiên, để có những luận cứ chắc chắn hơn cần có những cuộc khai quật quy mô nhằm phục vụ nghiên cứu.

"Đến thời điểm này, chủ nhân của những con tàu cổ là ai, hải trình của nó và vì sao có quá nhiều tàu đắm ở vùng biển Bình Châu vẫn còn là bí ẩn", Chuyên gia Nguyễn Tuấn Lâm chia sẻ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm