Bảo vật quốc gia thứ 8 tại xứ Thanh được công nhận

(Dân trí) - Tỉnh Thanh Hóa vừa có thêm một bảo vật quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là Bia "Đại Việt Lam Sơn Chiêu Lăng bi". Đây bảo vật quốc gia thứ 8 tại xứ Thanh và là bảo vật thứ 3 tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh. Bia ghi lại thân thế, sự nghiệp của Vua Lê Thánh Tông - vị Vua có công lao lớn trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

>> Bảo vật quốc gia: Bia Vĩnh Lăng - Bia “độc nhất vô nhị”

>> Người phụ nữ làm rạng danh cả 3 đời vua

>> Công nhận 14 bảo vật quốc gia

Bảo vật quốc gia - Chiêu Lăng

Vị Vua với nhiều công trạng

Bảo vật quốc gia tại Thanh Hóa mới được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là Bia “Đại Việt Lam Sơn Chiêu Lăng bi”. Hiện Bia được lưu giữ tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Khu di tích Lam Kinh), xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa). Bia ghi lại thân thế, sự nghiệp của Vua Lê Thánh Tông - vị Vua có công lao lớn trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Sách “Lăng mộ - Bia ký các Vua và Hậu còn lại ở Lam Kinh”, ghi: Trong 38 năm trị vì của mình, Lê Thánh Tông đã xây dựng thiết chế quân chủ tập quyền cao độ nhằm tập trung quyền lực vào tay hoàng đế. Bên cạnh đó, ông còn soạn thảo ra nhiều bộ luật hành chính để trị nước, với sự ra đời của bộ Quốc triều hình luật (Luật Hồng Đức) được coi là bộ luật tiên tiến cho đến ngày nay vẫn còn nhiều giá trị...

Chiêu Lăng - mộ Vua Lê Thánh Tông.
Chiêu Lăng - mộ Vua Lê Thánh Tông.

Lê Thánh Tông là người hết sức chăm lo đến đời sống của nhân dân, đặc biệt là ưu đãi kẻ sĩ. Ông rất coi trọng và đẩy mạnh việc giáo dục, đào tạo nhân tài cho đất nước, ông coi: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia".

Cũng dưới thời Vua Lê Thánh Tông, việc canh phòng và gìn giữ biên cương được chú trọng. Bản thân Vua thường đi tuần phòng ở các vùng biên ải cùng binh lính. Vua Lê Thánh Tông là người tha thiết với chủ quyền quốc gia. Chính dưới thời Lê Thánh Tông, bản đồ đầu tiên của quốc gia Đại Việt được hoàn thành...

Năm Hồng Đức thứ 28, Vua bị bệnh nặng, ngày 30 tháng Giêng năm Đinh Tỵ (1497) Vua băng hà ở cung Bảo Quang. Sau đó được rước về Lam Kinh và an táng tại Chiêu Lăng. Đại Việt Lam Sơn Chiêu Lăng bi” được dựng vào mùa xuân năm Mậu Ngọ, niên hiệu Cảnh Thống thứ nhất (1498) đời vua Lê Hiến Tông.

Bảo vật quốc gia - “Đại Việt Lam Sơn Chiêu Lăng bi”

Bia làm bằng đá xanh xám, mịn đặt trên lưng một con rùa. Bia có chiều cao 2,76 m, rộng 1,90 m, dày 0,28 m; rùa có chiều dài 2,65 m, rộng 1,89 m, cao 0,69 m. Trên bia mặt trước có 3 hình rồng, chính giữa một rồng ổ lớn cuộn tròn mặt hướng ra ngoài, hai bên khắc hai rồng thân hình mập mặt hướng chầu vào rồng lớn ở giữa. Hai bên hông khắc 2 rồng yên ngựa, đuôi giống đuôi cá chuối, tư thế vươn lên, dưới đuôi trang trí hoa văn tam sơn và sóng nước, trên tam sơn là vân mây, trên đầu rồng chạm hoa văn hình đao lửa, hai bên trang trí hai rồng nhỏ đối nhau chầu vào, một con há miệng ngậm ngọc.

Mặt sau bia: Trán bia khắc hình vòng cung, tên bia viết theo lối chữa Triện. Có tên Thánh Tông Sùng Thiên quảng vận, Cao minh Quang chính, Chí đức Đại công, Thánh văn Thuần vũ, Đại hiến Thuần hoàng đế vãn thi...

Chữ trên bia mặt trước khắc chữ Triện, mặt sau khắc chữ Chân, toàn văn khắc theo kiểu chữ Chân, mặt trước có 58 dòng, hơn 3.000 chữ, nhiều chữ mờ, mặt sau chạm khắc một bài thơ do vua Lê Hiến Tông viết.

Ông Trịnh Đình Dương - Giám đốc Ban quản lý Khu di tích Lam Kinh, cho biết: Đến nay, Khu di tích Lam Kinh đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận 3 bảo vật quốc gia, gồm: Bia Vĩnh Lăng - Lam Sơn Vĩnh Lăng bi; Bia Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao - Khôn Nguyên Chí Đức Chi Lăng và Bia “Đại Việt Lam Sơn Chiêu Lăng bi”- Bia Vua Lê Thánh Tông.

Cũng theo ông Dương, bố trị tượng, con giống trong lăng mộ tại Vĩnh Lăng thì tượng hầu, con giống theo kiến trúc dân gian. Còn tại Chiêu Lăng thì tượng hầu bệ vệ, mặc áo dài, tay chắp trước ngực, ngựa đã có yên cương, nghê nằm trên bệ. Bố trí tượng hầu và con giống thời này đã vào quy cụ, uy nghi, đậm chất cung đình. Riêng về chất liệu đá Bia Vĩnh Lăng được làm từ đá trầm tích, màu xám xanh có lẫn đốm trắng, bóng, trên bề mặt rùa và bia còn nhìn thấy nhiều vỏ nhuyễn thể sống trong nước biển. Các Bia còn lại đều được làm cùng một chất liệu đá xanh xám. Trang trí trên các bia cũng khác nhau.

Như vậy đến nay, Thanh Hóa đã có 8 bảo vật quốc gia. Trước đó, 7 bảo vật được công nhận là: Bia Vĩnh Lăng, Trống đồng Cẩm Giang, Kiếm ngắn núi Nưa, Tượng cây đèn hình người, Tượng hai người cõng nhau thổi kèn, Vạc đồng Cẩm Thủy, Tượng bà Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc.

Tại Khu di tích Lam Kinh có 8 lăng mộ các Vua và Hoàng Thái Hậu triều Lê Sơ, nhưng hiện nay có 2 lăng mộ chỉ còn lại dấu vết. Đó là lăng mộ Vua Lê Nhân Tông và Hoàng Thái Hậu Nguyễn Thị Ngọc Huyên (vợ Vua Lê Hiến Tông). Còn lại 6 lăng mộ đã được Nhà nước trùng tu, tôn tạo, gồm: Lăng mộ Vua Lê Thái Tổ, Vua Lê Thái Tông, Vua Lê Thánh Tông, Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao, Vua Lê Hiến Tông và Vua Lê Trúc Tông.

Một số hình ảnh PV Dân trí ghi lại tại Bia Chiêu Lăng và mộ Vua Lê Thánh Tông, Khu di tích Lam Kinh vừa được công nhận là bảo vật quốc gia:

Bảo vật quốc gia - Chiêu Lăng.
Bảo vật quốc gia - Chiêu Lăng.
Bảo vật quốc gia thứ 8 tại xứ Thanh được công nhận - 3
Bảo vật quốc gia Bia Chiêu Lăng được đặt trên lưng rùa.
Bảo vật quốc gia Bia Chiêu Lăng được đặt trên lưng rùa.
Từ nhà Bia Chiêu Lăng nhìn sang hướng mộ Vua Lê Thánh Tông.
Từ nhà Bia Chiêu Lăng nhìn sang hướng mộ Vua Lê Thánh Tông.
Mặt sau Bia khắc bài thơ của Vua Lê Hiến Tông.
Mặt sau Bia khắc bài thơ của Vua Lê Hiến Tông.
Mộ Vua Lê Thánh Tông.
Mộ Vua Lê Thánh Tông.
Bảo vật quốc gia thứ 8 tại xứ Thanh được công nhận - 8
Bảo vật quốc gia thứ 8 tại xứ Thanh được công nhận - 9
Bảo vật quốc gia - Bia Vĩnh Lăng.
Bảo vật quốc gia - Bia Vĩnh Lăng.
Bảo vật quốc gia - Bia Quang thục Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Giao.
Bảo vật quốc gia - Bia Quang thục Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Giao.
Du khách tham quan Khu di tích Lam Kinh
Du khách tham quan Khu di tích Lam Kinh

Duy Tuyên