Bảo vật quốc gia: Bia Vĩnh Lăng - Bia “độc nhất vô nhị”

(Dân trí) - Bia Vĩnh Lăng được xem là tấm bia “độc nhất vô nhị”, vừa mang tính giáo dục truyền thống cho hậu thế và là tài liệu quý khi nghiên cứu về nghệ thuật trang trí, điêu khắc dưới thời Lê Sơ đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.


Nơi kết tinh của những giá trị

Đến khu di tích lịch sử Lam Kinh, du khách không thể bỏ qua Lam Sơn Vĩnh Lăng Bi hay còn có tên là Bia Vĩnh Lăng Lam Sơn (bia Vĩnh Lăng Lam Kinh). Nằm cách mộ vua Lê khoảng 300m về phía Tây Nam, bia Vĩnh Lăng được đặt tại vị trí phía Tây Nam Chính Điện Lam Kinh.

Bia có chiều rộng 1,94m, cao 2,79m, dày 0,27m. Rùa có chiều dài 3,46m, rộng 1,94m, dày 0,90m. Trọng Lượng nặng khoảng 18 tấn được dựng vào đầu thế kỷ XV (Thuận Thiên năm thứ 6).

Bia và rùa được làm bằng đá Trầm tích, màu xám xanh có lẫn đốm trắng, bóng, trên bề mặt rùa và bia còn nhìn thấy nhiều vỏ của các loài nhuyễn thể.

Bia hình chữ nhật, được đặt trên lưng rùa, trán bia hình vòng cung, mặt trước chính giữa được khắc hình vuông, trong hình vuông khắc một hình tròn, chính giữa hình tròn chạm rồng nổi 5 móng, hai bên cạnh trán bia mỗi bên chạm nổi hình một con rồng và hình tròn bên trong có rồng cuộn đầu vươn cao.

Tấm bia Vĩnh Lăng.
Tấm bia Vĩnh Lăng.

Xung quanh diềm bia có hai đường chỉ nổi chạy song song với nhau nối từ đỉnh xuống đế bia, giữa hai đường chỉ bên trong trang trí 9 hoa văn hình nửa lá đề, trong mỗi nửa lá đề được khắc một hình rồng nổi, có vẩy, thân uốn lượn mềm mại theo lá đề, đầu rồng hướng vươn lên đỉnh bia, miệng nhả ngọc, trong khoảng cách giữa các hình lá đề đều được chạm khắc xen kẽ hình hoa cúc dây…

Mặt trước bia khắc khoảng 750 chữ Hán, nội dung văn bia viết chữ Chân, do thần Nguyễn Trãi soạn. Toàn văn ghi về chi tộc, ngày mất, thân thế và sự nghiệp của vua Lê Thái Tổ, những sự kiện quan trọng diễn biến trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn cũng như khi đất nước độc lập khải hoàn dưới thời vua Lê Thái Tổ.

Mặt sau giữa trán khắc hình chữ nhật, hai bên mỗi bên khắc một hình rồng, thân dài, trơn, không có vảy, đang uốn lượn, đầu ngẩng cao, chầu vào. Từ đỉnh trán bia xuống đế bia khắc hai đường chỉ chạy song song với nhau theo chiều cao của bia, giữa các đường chỉ nổi mỗi bên được khắc 9 hoa văn hình nửa lá đề nối tiếp nhau từ đỉnh bia đến đế bia…

Tấm bia được đặt trên lưng Rùa.
Tấm bia được đặt trên lưng Rùa.

Dưới đế bia là rùa, rùa trong tư thế đang bơi, đầu vươn cao, lưng nhô, lộ rõ 4 chân và 6 móng to khoẻ, trong 6 móng có móng thứ 6 bị đục lõm vào. Đuôi rùa to, vắt ngược lên lưng uốn lượn mềm mại, phía dưới bụng rùa sát đế khắc 3 đường gờ nổi chau chuốt, kỹ thuật chế tác bằng thủ công.

Tấm bia được xem là “độc nhất vô nhị”

Lam Kinh vốn là Lam Sơn - quê hương của anh hùng dân tộc Lê Lợi, cũng là nơi khởi nguồn và căn cứ đầu tiên của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh ở thế kỷ XV. Cuộc khởi nghĩa đã giành thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, lập ra vương triều Hậu Lê - một vương triều kéo dài nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam với 360 năm.

Năm 1430, vua Lê Thái Tổ cho đổi vùng đất Lam Sơn thành Tây Kinh (hay Lam Kinh). Từ đây Lam Kinh trở thành vùng đất được sự quan tâm đặc biệt của các vua triều Lê.

Đây được đánh giá là một trong những tấm bia thời Lê Sơ cổ, to và đẹp nhất Việt Nam.
Đây được đánh giá là một trong những tấm bia thời Lê Sơ cổ, to và đẹp nhất Việt Nam.

Tháng 8 nhuận năm Quý Sửu (1433), vua Lê Thái Tổ băng hà ở Đông Kinh - Thăng Long, được đưa về quê hương Lam Sơn an táng, xây lăng, dựng bia tại Vĩnh Lăng. Cũng từ đây các vua kế nghiệp cho xây dựng Lam Kinh trở thành khu sơn lăng, nơi an táng nhiều vị vua và Thái Hoàng Thái Hậu triều đại Lê Sơ.

Tuy nhiên, trải qua gần 6 thế kỷ với biết bao biến đổi, thăng trầm của lịch sử, cùng với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, hiện nay Lam Kinh chỉ còn 6 ngôi mộ và 5 tấm bia đá. Trong số các bia đá ở đây, bia Vĩnh Lăng của vua Lê Thái Tổ là một trong những tấm bia tiêu biểu điển hình kỹ thuật gia công chế tác, lắp dựng, điêu khắc, chạm trổ cầu kỳ công phu, tỷ mỷ đến từng chi tiết tiêu biểu đại diện cho các bia mộ hoàng đế triều đại Lê Sơ hiện nay ở Lam Kinh nói riêng cả nước nói chung.

Bia Vĩnh Lăng còn được các nhà nghiên cứu văn hoá đánh giá là một trong những tấm bia thời Lê Sơ cổ, to và đẹp nhất Việt Nam.

Không chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật mà còn có ý nghĩa văn bản lịch sử, chứng cứ lịch sử...
Không chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật mà còn có ý nghĩa văn bản lịch sử, chứng cứ lịch sử...

Văn bia ngắn gọn, cô đọng súc tích, đã mô thuật đầy đủ về gia tộc, thân thế, sự nghiệp và công đức của vua Lê Thái Tổ, đồng thời văn bia còn là văn bản đúc kết đường lối đấu tranh khéo léo tài tình của nghĩa quân Lam Sơn trong suốt 10 năm trường kỳ kháng chiến gian khổ đánh đuổi giặc Minh dành lại độc lập cho dân tộc.

Bên cạnh đó còn nói lên lòng khoan dung, độ lượng của đức Thái Tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi đối với quân giặc khi chúng chiến bại. Văn bia còn cho chúng ta biết được đường lối ngoại giao của vua Lê Thái Tổ đối với các nước lân bang - Con đường ngoại giao hòa hảo bằng chính lòng nhân ái, thiện chí hoà bình bang giao vốn có của ông.

Bởi vậy, bia Vĩnh Lăng không chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật mà còn có ý nghĩa văn bản lịch sử, chứng cứ lịch sử là tài liệu gốc phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học giáo dục truyền thống cho hậu thế.

Bia Vĩnh Lăng còn là một tài liệu quý khi nghiên cứu về nghệ thuật trang trí, điêu khắc ở Việt Nam dưới thời Lê Sơ. Nghệ thuật điêu khắc bia Vĩnh Lăng thời Lê Sơ đã kế thừa được tinh hoa của nền điêu khắc thời Lý - Trần và các truyền thống quý báu của nghệ thuật dân gian.

Dưới triều Lê Sơ tư tưởng Nho giáo được đề cao. Hoàng đế Lê Lợi và các vị vua kế nghiệp đã dùng học thuyết Nho giáo làm công cụ tư tưởng để điều hành đất nước cũng như xây dựng nền văn hoá dân tộc.

Bia Vĩnh Lăng Lam Kinh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.
Bia Vĩnh Lăng Lam Kinh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.

Trong quan niệm của Nho giáo vua chính là con trời, thay trời hành đạo, rồng là biểu tượng về vua, về quyền lực tối thượng. Bên cạnh hình rồng, bia Vĩnh Lăng còn trang trí các hoa văn như hoa cúc, lá đề, sóng nước…

Có thể nói, bia Vĩnh Lăng là tấm bia được xem “độc nhất vô nhị”, nó không chỉ mang tính giáo dục truyền thống cho hậu thế, mà còn là tài liệu quý khi nghiên cứu về nghệ thuật trang trí, điêu khắc dưới thời Lê Sơ.

Bia Vĩnh Lăng là cái dấu nối giữa thời trước và thời sau, là điểm mở đầu cho giai đoạn phát triển mới của nền nghệ thuật điêu khắc và trải qua những chuyển biến liên tục để đến bia vua Lê Thánh Tông, Hoàng hậu Ngô Thị Ngọc Giao đã tiến tới định hình cho một phong cách nghệ thuật mới hoàn chỉnh - Nghệ thuật thời Lê Sơ. Với những giá trị tiêu biểu đó, bia Vĩnh Lăng Lam Kinh đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Duy Tuyên