Báo Trung Quốc chê phim “yêu nước, vệ quốc” của chính Trung Quốc

(Dân trí) - Lính bắn tỉa có thể bắn trúng đích từ khoảng cách 400km, chỉ cần quăng lựu đạn lên trời là có thể làm rơi máy bay, hay có thể dùng súng trường hạ máy bay “dễ như bỡn”… Đó là những chi tiết phi lý trong dòng phim “yêu nước, vệ quốc” của Trung Quốc hiện nay.

Báo Trung Quốc chê phim “yêu nước, vệ quốc” của chính Trung Quốc


Mới đây, tờ nhật báo tiếng Anh của Trung Quốc - China Daily - đã đăng tải một bài viết của chuyên gia nghiên cứu cũng đồng thời là giám đốc Trung Tâm Nghiên cứu Điện ảnh, Truyền hình và Kịch nghệ trực thuộc Đại học Bắc Kinh - ông Chen Xuguang.

Bài viết đã đề cập tới tình trạng làm phim chiến tranh nhưng “mang đậm màu sắc cổ tích, hoang đường” trong giới làm phim truyền hình Trung Quốc hiện nay.

Bài viết được mở đầu như sau: Bạn đã bao giờ phát chán với việc phim hành động Hollywood luôn coi thường, bất chấp mọi nguyên tắc vật lý, khoa học? Một khi đã xem một số phim truyền hình của Trung Quốc làm về thời kỳ kháng chiến chống Nhật hồi thập niên 1930-1940, bạn sẽ thấy những điều phi lý trong phim Hollywood vẫn còn quá thú vị…

Báo Trung Quốc chê phim “yêu nước, vệ quốc” của chính Trung Quốc


Bài báo đưa ra hàng loạt ví dụ về những bộ phim truyền hình Trung Quốc chứa đựng những yếu tố phi logic, như một lính bắn tỉa có thể bắn trúng đích từ khoảng cách 400km, hay các binh lính Trung Quốc chỉ cần quăng lựu đạn lên trời là có thể làm rơi máy bay, và thậm chí họ có thể dùng súng trường để bắn rơi máy bay “dễ như bỡn”…

Thêm nữa, để đề cao tình đồng chí, tình thương yêu giai cấp, trong một bộ phim còn có cảnh một cô gái nghèo đến mức… không có quần áo để mặc, nhưng cô đã không ngần ngại… “khỏa thân” giơ tay chào một tiểu đoàn binh lính Trung Quốc đang hành quân ngang qua.

Ngoài ra, để tạo sự phản cảm đối với hình ảnh quân địch, trong bộ phim “yêu nước, vệ quốc” nào của màn ảnh nhỏ Trung Quốc hầu như cũng có ít nhất 1-2 người lính Nhật… “đần độn đến khó tin”.

Báo Trung Quốc chê phim “yêu nước, vệ quốc” của chính Trung Quốc

Cảnh trong một bộ phim truyền hình, trong đó một người đàn ông Trung Quốc chỉ bằng một cú đấm đã khiến một người lính Nhật bay xa cả mét.

Ông Chen Xuguang hy vọng rồi đây những bộ phim “ngớ ngẩn” như vậy sẽ không còn được phép lên sóng nữa. Gần đây, ông Tian Jin - phó giám đốc Ủy ban cấp Nhà nước Trung Quốc về Truyền thông, Xuất bản, Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình cũng đã khẳng định rằng những bộ phim truyền hình làm về cuộc kháng chiến chống Nhật nếu chứa đựng những yếu tố phi logic đến mức phản cảm, sẽ không được phép lên sóng.

Nhà nghiên cứu Chen Xuguang cho rằng cuộc kháng chiến chống Nhật của Trung Quốc từ năm 1937-1945 là cuộc chiến khiến quân dân Trung Quốc phải gánh chịu nhiều mất mát. Việc các nhà làm phim truyền hình nước này bóp méo những yếu tố logic một cách mù quáng, gây phản cảm, chính là xem nhẹ, coi thường những hy sinh đã có, thậm chí là sỉ nhục những người đã ngã xuống.

Dù các nhà làm phim nhiều khi không cần khắc họa lịch sử một cách hoàn toàn chân thực, nhưng những thủ pháp nghệ thuật cần phải được sử dụng hợp lý để phục vụ cho một bộ phim hay, một chuyện phim ý nghĩa.

Nhưng dường như nhiều nhà làm phim Trung Quốc không thể (hoặc không muốn) phân biệt giữa “yếu tố hư cấu” và “bóp méo thực tế”. Hư cấu là một sự tưởng tượng hợp lý dựa trên sự thật, tôn trọng sự thật; còn bóp méo nghĩa là bịa đặt.

Báo Trung Quốc chê phim “yêu nước, vệ quốc” của chính Trung Quốc


Phim ảnh phổ biến ngang ngửa, thậm chí còn phổ biến hơn cả sách giáo khoa lịch sử, nhiều người xem khi thấy đi thấy lại những yếu tố phi logic trên màn ảnh, từ phim này tới phim khác, sẽ có thể lầm tưởng đó là sự thật và sẽ chẳng bao giờ kỳ công tìm hiểu thêm về lịch sử chiến tranh, thực tế chiến đấu ngoài chiến trường.

Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với thiếu niên, nhi đồng - đối tượng vốn dễ tin vào những gì được thấy trên truyền hình, một thế hệ sẽ có những hình dung sai lệch về chiến tranh, về lịch sử.

“Nếu những bộ phim lịch sử bóp méo thực tế còn tiếp tục được lên sóng truyền hình, một thế hệ sẽ không hiểu chiến tranh thực sự tàn khốc như thế nào. Vì vậy, điều cần thiết là phải dừng ngay những bộ phim “tô vẽ hão huyền, bóp méo thực tế”, không cho phim lên sóng nữa” - bài viết trên China Daily kêu gọi.

Báo Trung Quốc chê phim “yêu nước, vệ quốc” của chính Trung Quốc


Câu hỏi mà nhà nghiên cứu Chen Xuguang đặt ra là tại sao những bộ phim như thế này lại được làm ra. Câu trả lời là để giải trí. Việc các đài truyền hình đều chạy theo thị hiếu người xem đã dẫn tới cuộc cạnh tranh nhằm đạt tỉ suất người xem cao, để làm được điều này, nhiều khi nhà làm phim bỏ qua yếu tố nghiêm túc trong sáng tạo nghệ thuật, họ chạy theo những tiêu chí khác, ăn khách hơn.

Với bối cảnh cuộc sống nhanh và áp lực như hiện nay, nhiều người xem không muốn phải “động não” quá nhiều khi xem phim, họ cũng không quan tâm một bộ phim thực thụ làm về đề tài chiến tranh cần phải như thế nào.

Báo Trung Quốc chê phim “yêu nước, vệ quốc” của chính Trung Quốc


Báo Trung Quốc chê phim “yêu nước, vệ quốc” của chính Trung Quốc


Giờ đây, những nhà chức trách cấp cao của Trung Quốc đã nhận ra những điểm bất hợp lý trong dòng phim kháng chiến sản xuất theo kiểu “mì ăn liền”. Những bộ phim làm không đạt sẽ không được phép lên sóng nữa.

Tuy vậy, nhà nghiên cứu Chen Xuguang cho rằng như vậy vẫn là chưa đủ, bởi người Trung Quốc còn cần những bộ phim hay thế chỗ những bộ phim dở. Điều này sẽ đòi hỏi cả ngành công nghiệp sản xuất phim của Trung Quốc phải thay đổi chiến lược làm phim lịch sử để cho ra những sản phẩm tốt hơn.

Bích Ngọc
Theo China Daily