Báo động nhạc... “thời trang”

Cho dù ngôn ngữ vỉa hè, và nói theo “giọng teen” là “bệnh tật” (bệnh ngay từ cái tên bài: “Kiếp đàn ông thân xác đàn bà”, “Bất ngờ anh yêu người cùng phái”…), song những ca khúc dạng này lại được nhiều bạn trẻ yêu thích hơn hẳn sản phẩm của các nhạc sĩ chuyên nghiệp...

Thói quen nghe nhạc dễ dãi của giới trẻ hiện nay đã dẫn đến việc hàng loạt sản phẩm âm nhạc kém chất lượng tràn ngập trên thị trường. Nếu nói rằng, thị hiếu âm nhạc cũng là một cách phản ánh tầm văn hóa của giới trẻ thì hẳn là những người không theo trào lưu nhạc thị trường sẽ thất vọng về một thế hệ cảm thụ âm nhạc khá “nhu nhược”.

 

 
Ca khúc Chuyện thằng say không được chuyên môn đánh giá cao nhưng lại được giới trẻ rất yêu thích

Ca khúc "Chuyện thằng say" không được chuyên môn đánh giá cao nhưng lại được giới trẻ rất yêu thích

 

Ca từ dễ dãi, thô tục

 

Thời gian gần đây, thị trường nhạc Việt ghi nhận sự xuất hiện của hàng loạt ca khúc lạ tai, được viết theo lối tả thực với ca từ dễ dãi, đôi khi còn thô tục và âm nhạc thì lủng củng, ít tiết tấu. Vào bất cứ một website âm nhạc nào cũng có thể dễ dàng bắt gặp những lời ca trần trụi, rất “khó lọt tai”, kiểu như: “Cày tiền để em hằng ngày sắm quần áo/ Đến khi anh sạt nghiệp vẫn ráng lo em chu đáo/ Làm mọi thứ để nuôi em ngay cả làm “trai bao”/ Cuối cùng tiền cũng làm em mù lòa/ Anh thì ra rìa, em bỏ theo người ta/ Em bỏ theo đại gia, chạy theo lối sống xa hoa/ Khi tiền không đủ xài, em lại lén đi “làm gà”…

 

Một điểm chung dễ thấy của những ca khúc dạng này là tiết tấu sôi động, hiện đại nhưng giai điệu âm nhạc và ca từ thì ít tính nghệ thuật. Ý tưởng nội dung giống nhau đến 90%, đều phản ánh trần trụi các vấn đề tiêu cực xã hội, tình yêu đơn phương, hờn giận trách móc, chia ly, đau khổ… Giới âm nhạc gọi đây là “nhạc thời trang”. Có thể kể đến hàng chục ca khúc dạng này: “Người cô đơn” của Khắc Việt, “Điều ngọt ngào nhất” của Nguyễn Hồng Thuận, “Fly” của Dương Khắc Linh, rồi “Kiếp đánh đề”, “Con gái thời nay”… trong số đó có “Chuyện thằng say” của nhóm MTV từng lọt vào top “Bài hát yêu thích” đã có một thời gian dài gây “sốt” trên mạng.

 

Điều đáng nói là, cho dù ngôn ngữ vỉa hè, tầm thường, tùy tiện, lủng củng, gây sốc và nói theo “giọng teen” là “bệnh tật” (bệnh ngay từ cái tên bài: “Kiếp đàn ông thân xác đàn bà”, “Bất ngờ anh yêu người cùng phái”…), song những ca khúc dạng này lại được nhiều bạn trẻ yêu thích hơn hẳn sản phẩm của các nhạc sĩ chuyên nghiệp. Chúng được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên các diễn đàn mạng và nhanh chóng được thuộc lòng. Không những thế, còn thăng hạng liên tục trên các bảng xếp hạng âm nhạc trực tuyến.

 

Đến ngay cả những tác giả của các ca khúc này cũng phải ngạc nhiên vì sự “thành công” ngoài sức tưởng tượng và sự mong đợi của họ. Chả thế mà khi “Chuyện thằng say” trở thành ca khúc “hit” trên mạng, tác giả của nó là Anh Tuấn nhóm MTV thay vì vui mừng đã thật lòng thú nhận: “Đó chỉ là một ca khúc viết cẩu thả, chỉ để cho vui thôi nhưng không ngờ nó lại được công chúng ưa thích đến thế. Tôi thật sự buồn vì điều này”. Bản thân nhóm hát MTV cũng trần tình rằng: “Đó là một thành công chưa thật xứng đáng. Sự dễ dãi này là lỗi của chúng tôi”.

 

Quả thật, có những ca khúc “ăn khách” khiến người nghe có chút am hiểu chuyên môn không thể không đặt câu hỏi: Điều gì giúp nó ăn khách!? Một trong những ca khúc được khán giả trẻ yêu nhạc cực kỳ thích thú thời gian qua là “Thu cuối” của 3 giọng ca Yanbi, Hằng Bingboong và Mr T.Điều. Dù chỉ được phát hành trên mạng những nó vẫn trở thành “hiện tượng”, đến mức khắp các quán bar, khán giả trẻ có thể hát theo một cách thuần thục. Không thể phủ nhận, ca khúc này mang phong cách rap/hiphop lạ tai và sôi động. Song nếu xét về tính nghệ thuật thì nó không hề có gì nổi bật cả về ca từ lẫn tiết tấu. Vậy mà không một nhạc sĩ kỳ cựu hay một chuyên gia âm nhạc nào có thể ngờ rằng, nó đã thu hút hơn 44 triệu lượt nghe, chiếm lĩnh 11 tuần liên tiếp trong top 3 bảng xếp hạng của Zing Mp3 - diễn đàn âm nhạc trực tuyến lớn nhất hiện nay!

 

Do được nhiều bạn trẻ có phong cách nghe nhạc dễ dãi yêu thích nên nhạc “thời trang” được nhiều ca sĩ, nhạc sĩ trẻ tìm đến như một cách dễ nhất để thu hút fan hâm mộ, gây dựng tên tuổi. Có cầu ắt có cung - các nhà sản xuất âm nhạc cũng lên kế hoạch một cách bài bản hơn để khai thác loại nhạc này. Cứ thế, cả người sáng tác lẫn người hát bị cuốn theo vòng xoáy của người thưởng thức. Kết quả là, thị trường nhạc Việt ngày một trở nên biến dạng với đầy dẫy những ca khúc “ăn khách” nhưng “rẻ tiền”.
 
Ca khúc Chuyện thằng say không được chuyên môn đánh giá cao nhưng lại được giới trẻ rất yêu thích
"Thu cuối" không thực sự nổi bật về tính nghệ thuật nhưng lại dễ dàng trở thành "hit" trên cộng đồng âm nhạc trực tuyến

 

Tầm văn hóa thấp

 

Ca sĩ Phương Thanh ngạc nhiên trước sự tung hô này và thốt lên rằng: “Không hiểu bây giờ khán giả thích gì nữa”. Còn nhạc sĩ Minh Châu thì than thở: “Tôi có cảm tưởng như “gu” thẩm mỹ của nhiều khán giả đang ngày một thấp đi”. Những tác phẩm âm nhạc đích thực với chất lượng chuyên môn cao, ý nghĩa ca từ sâu sắc gần như bị gạt bỏ ra ngoài sở thích của một bộ phận không nhỏ công chúng trẻ nghe nhạc. Tất nhiên, với khán giả thế hệ 9X, nhiều người không cần có sự cảm nhận sâu sắc nội dung bài hát, ý nghĩa ca từ và ở một mặt nào đó, những ca khúc này đã ít nhiều phản ánh đúng sự thật đời sống.

 

Quả thực, đây đang là một thực tế đáng lo ngại. Người xưa từng nói, nghe nhạc là biết được nước thịnh hay suy. Nền âm nhạc của một đất nước luôn phản chiếu bộ mặt văn hóa đất nước ấy. Và không chỉ làm chiếc gương in bóng tâm hồn một dân tộc, âm nhạc còn là loại hình nghệ thuật tác động trực tiếp và mạnh mẽ nhất vào đời sống xã hội đương thời. Nhìn vào việc lựa chọn, sử dụng và yêu thích những sản phẩm âm nhạc hôm nay sẽ thấy quá nhiều cảnh đời thường, sự nhếch nhác về tâm hồn, sự dung tục trong bản năng…

 

Tiến sĩ Trịnh Hoài Thu - giảng viên Trường ĐH Sư phạm Nhạc họa Trung ương chia sẻ: “Nhìn vào sự lựa chọn và thích thú với những tác phẩm âm nhạc thị trường của giới trẻ khiến tôi không khỏi lo lắng. Các em đang có biểu hiện phần nào lệch hướng thẩm mỹ”. Quan trọng hơn, khi một bộ phận công chúng trẻ không thận trọng trong việc chọn lọc sản phẩm nghệ thuật, cứ tỏ ra thích thú giữa một rừng các sản phẩm chất lượng thấp, đó là họ đã cổ vũ, đã dẫn đường cho những người sáng tác, biểu diễn đi theo những thị hiếu lạc lõng. Trong khi đó, các nhà chuyên môn và giới truyền thông thì lại chưa có cách gì để hướng khán giả theo trào lưu nghe “nhạc sạch”. Thực tế đáng buồn này càng khiến ước mơ nâng tầm nhạc Việt trở nên quá xa vời.

 

Trước thực trạng đời sống âm nhạc còn nhiều gam màu tối sáng cạnh tranh, chen lấn nhau; nghệ thuật chân chính và những trào lưu nhất thời lúc này lúc khác, nơi nọ nơi kia còn xâm thực lẫn nhau, thiết nghĩ, khán giả cần phải có bản lĩnh hơn, kiên quyết hơn để chọn lựa thưởng thức những sản phẩm âm nhạc chất lượng cao, đồng thời đào thải những “mầm mống thảm họa” ra khỏi đời sống âm nhạc dân tộc. Về phía những người làm nhạc và hát nhạc, cũng xin đừng quá chạy theo cái lợi trước mắt mà bỏ rơi trách nhiệm với xã hội!

 

Theo Hoàng Linh

Petrotimes