Báo chí phương Tây “rối tung” ngôn ngữ với... năm Mùi

(Dân trí) - Khi đưa tin về Tết Âm lịch ở Châu Á, các tờ báo phương Tây gặp phải một vấn đề hóc búa, đó là họ không có từ tương đồng với con giáp Mùi để chuyển nghĩa. Họ không biết Mùi nên được dịch là dê, là cừu, hay là linh dương…

Năm Mùi, ở một số nước Á Đông, linh vật là chú cừu xinh xắn, dễ thương.

Năm Mùi, ở một số nước Á Đông, linh vật là chú cừu xinh xắn, dễ thương.

Năm mới Ất Mùi đã tới, mới đây, hãng tin AFP (Pháp) đã có bài viết về “Học thuyết năm Mùi”, bàn về linh vật của năm Ất Mùi là dê, là cừu, sơn dương hay linh dương? Thực tế, ở một số nước Châu Á, hình tượng linh vật của năm nay không thật thống nhất, có nước chọn hình ảnh chú dê, có nước lại chọn hình ảnh chú cừu…

Trong những ngày qua, đã có nhiều báo phương Tây đề cập tới câu chuyện này. Theo chiêm tinh học của nhiều nước Á Đông, mỗi năm âm lịch đều gắn với hình tượng một con giáp trong vòng tuần hoàn 12 con giáp ứng với 12 năm.

Biểu tượng cho năm nay là con giáp Mùi, có thể hiểu là dê, là cừu, là sơn dương, linh dương… Thực tế, tùy theo đức tính của con giáp Mùi mà người ta muốn hướng tới, họ có thể lựa chọn bất cứ con vật nào trong nhóm này là linh vật của năm.

Hình tượng sơn dương, linh dương gắn liền với thiên nhiên hoang dã, với sự mạnh mẽ, nhanh nhẹn, lanh trí. Hình tượng chú dê đã bớt “hoang dã, bất kham” hơn, thuần hậu, ôn hòa hơn. Cừu thì hiền lành, “nhu mì”…

Năm Mùi, ở một số nước Á Đông, linh vật là chú cừu xinh xắn, dễ thương.

Hình tượng chú dê vẫn là quen thuộc với văn hóa Á Đông hơn cả, do dê gắn bó với đời sống nông nghiệp đã từ rất lâu đời.

Thực tế, tất cả các loài vật này đều xuất hiện trong những bức tranh phong thủy, những món đồ vật trang trí chào đón năm Mùi. Theo văn hóa dân gian nhiều nước Á Đông, năm Mùi có linh vật là dê, là cừu, sơn dương hay linh dương thực chất không quá quan trọng, bởi hình tượng con giáp được lựa chọn dựa trên những ý nghĩa tốt lành mang tính biểu trưng.

Con giáp Mùi mang nhiều ý nghĩa biểu đạt, tượng trưng, không liên hệ trực tiếp tới một loài vật cụ thể nào như dê, cừu, hay linh dương… Điều này đã được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử Á Đông thống nhất.

Trong tiếng Trung, một ngôn ngữ mang đậm tính hình tượng, chữ “dương” là một thành tố tạo nên chữ “tường”, chữ “tường” hàm ý cát tường, thịnh vượng. Thực tế, chữ “cát dương” và “cát tường” có thể sử dụng thay thế cho nhau trong tiếng Hán cổ. Chữ “dương” lại xuất hiện trong cả chữ “thiện” hàm ý tốt lành, nhân từ, thuận hòa, dễ dàng…

Vì vậy, “dương” là tổng hòa của tất cả những gì được coi là may mắn, phúc lộc, tốt lành mà người ta luôn ao ước có được trong suốt một năm.

Năm Mùi, ở một số nước Á Đông, linh vật là chú cừu xinh xắn, dễ thương.


Trong khi khái niệm Mùi rất thân thuộc và dễ hiểu đối với người Á Đông, thì đối với phương Tây, đây là một khái niệm gần như không có từ tương đương khi chuyển nghĩa, họ chỉ có cách quy ra một khái niệm cụ thể như dê, cừu, hoặc linh dương, đó là lý do tại sao những ngày này, nhiều tờ báo phương Tây lại quan tâm tới chuyện linh vật của năm Mùi.

Đó cũng chính là sự khác biệt thú vị của chiêm tinh học phương Đông và phương Tây. Người ta nói rằng, người tuổi Mùi không bao giờ phải lo về ba thứ trong đời, đó là cái ăn, cái mặc, nơi ở. Vì vậy, năm 2015, dù là dê, là cừu, linh dương hay sơn dương, thì vẫn là một năm rất đẹp, hứa hẹn sung túc, dồi dào.

Bích Ngọc
Theo AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm