Báo Anh ấn tượng với tranh cổ động chống dịch Covid-19 của Việt Nam

(Dân trí) - Bài báo đăng tải trên tờ tin tức The Guardian (Anh) đưa lại góc nhìn thú vị về tranh cổ động tại Việt Nam, đặc biệt trong thời điểm hiện nay, khi cả nước đang cùng chống dịch Covid-19.

Bài viết đăng tải trên tờ tin tức uy tín The Guardian (Anh) có đoạn: Việt Nam đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh thông qua các biện pháp được tiến hành hiệu quả như cách ly, khoanh vùng, xét nghiệm kịp thời, và đặc biệt là hoạt động tuyên truyền hiệu quả thông qua tranh cổ động.

Báo Anh ấn tượng với tranh cổ động chống dịch Covid-19 của Việt Nam - 1

Tranh cổ động do họa sĩ Lê Đức Hiệp thực hiện có thông điệp “ở nhà là yêu nước”.

Sau thành công của ca khúc “Ghen cô Vy” tuyên truyền về việc rửa tay sạch sẽ vốn đã được truyền thông quốc tế đưa tin khá nhiều trong thời gian qua, giờ đây, tờ tin tức The Guardian (Anh) lại tiếp tục giới thiệu những bức tranh cổ động ấn tượng được các họa sĩ tại Việt Nam thực hiện để hưởng ứng chiến dịch cả nước cùng phòng chống dịch Covid-19.

Đây được xem là một trong những hình thức tuyên truyền thông qua nghệ thuật đang được tiến hành hiệu quả tại Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Điều ấn tượng là bức vẽ với thông điệp ngắn gọn về việc cách ly xã hội này không phải do nhà chức trách đề nghị họa sĩ thiết kế, mà do họa sĩ Lê Đức Hiệp thực hiện với tinh thần và xúc cảm của một công dân, một người nghệ sĩ khi đứng trước vấn đề chung mà cả đất nước đang cùng đối mặt:

“Sau khi nhà chức trách yêu cầu mọi người hãy ở nhà để ngăn chặn lây lan dịch bệnh Covid-19, tôi lên mạng xã hội và thấy vẫn còn nhiều người tụ tập nơi đông người, đi ra quán cà phê, ngồi ăn nơi hàng quán... Những hình ảnh đó khiến tôi suy nghĩ.

“Tôi muốn tạo ra một hình ảnh nào đó có thể gây lan truyền, giúp nâng cao ý thức và truyền cảm hứng để mọi người làm điều đúng đắn trong hoàn cảnh hiện nay. Tôi lựa chọn phong cách đặc trưng của tranh tuyên truyền cổ động, bởi những hình ảnh đó vốn rất thân quen với người dân Việt Nam, và phong cách này sẽ luôn khơi dậy tình cảm yêu nước trong mỗi người dân”.

Họa sĩ Lê Đức Hiệp không phải họa sĩ duy nhất đưa tranh cổ động vào hoạt động tuyên truyền chống dịch. Họa sĩ Phạm Trung Hà cũng đã cùng phối hợp với nhà chức trách để thực hiện bộ tem “Chung tay phòng, chống dịch Covid-19”.

Báo Anh ấn tượng với tranh cổ động chống dịch Covid-19 của Việt Nam - 2

Bộ tem “Chung tay phòng, chống dịch Covid-19”

Hưởng ứng lời kêu gọi của nhà chức trách trong việc thực hiện tranh cổ động phòng chống dịch, nhiều họa sĩ cũng đã cùng tham gia sáng tác. Trong đó có họa sĩ Lưu Yên Thế (73 tuổi), dù tuổi đã cao và đang trải qua việc điều trị ung thư, nhưng họa sĩ vẫn thực hiện được hai bức tranh cổ động để hưởng ứng chiến dịch.  

Giờ đây, hai bức vẽ này đang được sử dụng ở nhiều địa điểm công cộng nhằm nâng cao ý thức của người dân. Họa sĩ Lưu Yên Thế chia sẻ: “Vẽ tranh tuyên truyền cổ động đã là sở thích và sở trường của tôi kể từ thập niên 1960-1970. Tại thời điểm này, tranh tuyên truyền cổ động lại đang được sử dụng để truyền đạt thông tin nhanh, hiệu quả và ấn tượng tới người dân.

“Dù tôi đang có sức khỏe yếu và thời hạn gửi tranh cũng khá gấp gáp, nhưng tôi vẫn quyết định cần phải tham gia hoạt động này để góp một phần sức lực cùng chung tay chống lại dịch bệnh.

“Dù chúng tôi không phải những người tham gia chống dịch ở tuyến đầu, nhưng mọi họa sĩ đều có thể hưởng ứng theo cách của mình bằng cách đưa ra những thông tin, thông điệp chính xác thông qua các bức tranh cổ động”.

Báo Anh ấn tượng với tranh cổ động chống dịch Covid-19 của Việt Nam - 3

Bức tranh tuyên truyền về việc đeo khẩu trang của họa sĩ Lưu Yên Thế

Theo The Guardian, những thông điệp ngắn gọn được chuyển tải thông qua tranh cổ động, cùng với những kế hoạch hành động chính xác, kịp thời đã giúp Việt Nam kiểm soát được tình hình dịch bệnh.

The Guardian cũng chia sẻ ý kiến của một số họa sĩ khác đang thực hiện những bức vẽ ý nghĩa, khắc họa các lực lượng đang tham gia tuyến đầu chống dịch ở Việt Nam.

Các họa sĩ đều chia sẻ rằng vẽ tranh hiện là cách để họ kết nối với đời sống cộng đồng, như nữ họa sĩ Huỳnh Kim Liên chia sẻ: “Chúng ta đang trong cuộc chiến với dịch bệnh, là họa sĩ, chúng tôi làm những gì mình có thể để tham gia cuộc chiến ấy: chúng tôi vẽ tranh”.

Bích Ngọc

Theo The Guardian