Bản tin văn hóa thế giới tuần qua

(Dân trí) - Scarlett Johansson vừa thắng kiện lại bị kiện ngược, đấu giá hợp đồng hôn nhân của Napoleon, thư viện Singapore thiêu hủy sách thiếu nhi viết về tình yêu đồng tính, tìm thấy chai nước khoáng cổ nhất thế giới… là những tin tức văn hóa đáng chú ý trong tuần.

Scarlett Johansson vừa thắng kiện lại bị… “kiện ngược”

Bản tin văn hóa thế giới tuần qua


Một tòa án của Pháp vừa bác bỏ đơn kiện của nhà văn Pháp Gregoire Delacourt đối với nữ diễn viên Mỹ Scarlett Johansson vì tội phỉ báng, sau khi nữ diễn viên gọi nhà văn là “kẻ đồi trụy” tại một cuộc phỏng vấn hồi năm ngoái. Vì thua kiện, nên anh này đã phải trả tiền án phí 2.000 euro (hơn 57 triệu đồng).

Đây là cuộc kiện cáo thứ hai giữa hai người. Trong cuộc kiện cáo đầu tiên liên quan tới tác phẩm văn học “Điều đầu tiên chúng ta thấy” - tác phẩm đã bôi nhọ chuyện đời tư và hình ảnh của Johansson, cô đã thắng kiện nhà văn Delacourt và vừa được bồi thường 2.500 euro (gần 72 triệu đồng). (Nguồn: AFP)

Emma Watson trở thành Đại sứ Thiện chí của Liên Hợp Quốc

Bản tin văn hóa thế giới tuần qua


Nữ diễn viên Emma Watson mới đây đã được mời làm Đại sứ Thiện chí của tổ chức Phụ nữ Liên Hợp Quốc chuyên về vấn đề quyền bình đẳng giới. Watson đã nhận được trách nhiệm và vinh dự cao quý này ngay sau khi tốt nghiệp Đại học hồi tháng trước.

Mới 24 tuổi, nữ diễn viên của loạt phim Harry Potter được coi là một nghệ sĩ trẻ nổi tiếng có sức ảnh hưởng tích cực, bên cạnh đó, Liên Hợp Quốc cũng đang cần những nhân tố trẻ để thúc đẩy quyền bình đẳng giới trong thế kỷ 21 này. (Nguồn: The Independent)

Đấu giá giấy đăng ký kết hôn của Napoleon

Bản tin văn hóa thế giới tuần qua


Giấy đăng ký kết hôn của Napoleon và người vợ đầu tiên - phu nhân Josephine - sắp được đem ra bán đấu giá với mức giá dự kiến 100.000 euro (hơn 2,8 tỉ đồng). Văn bản này được soạn thảo vào ngày 8/3/1796, có chữ ký của Napoleon cùng vị hôn thê yêu kiều.

Là một trong những cặp tình nhân nổi tiếng lãng mạn nhất trong lịch sử thế giới, theo quy ước của giới thượng lưu thời bấy giờ, giấy đăng ký của họ cũng đồng thời là bản hợp đồng hôn nhân phân chia tài sản được chứng nhận bởi pháp luật. Về sau, dù Napoleon vẫn còn yêu Josephine nhưng cuộc hôn nhân này đã bị hủy bỏ bởi bà không thể sinh con. (Nguồn: AFP)

Bức tranh bị đánh cắp trị giá gần 64 tỉ đồng được tìm thấy lại

Bản tin văn hóa thế giới tuần qua


Một bức tranh của danh họa người Pháp Henri Matisse từng bị đánh cắp hơn một thập kỷ trước khỏi viện bảo tàng Caracas ở Venezuela hồi năm 2000, giờ đây đã được tìm thấy lại và được trả về cho chính chủ.

Bức tranh “Người phụ nữ mặc chiếc quần đỏ” khắc họa một người đẹp bán khỏa thân được thực hiện hồi năm 1925 bởi danh họa Matisse, có giá vào khoảng 3 triệu đô la. Bức tranh đã được tìm thấy lại hồi tháng 7/2012 khi những kẻ tội phạm bị mắc bẫy, đem bán bức tranh này với giá rẻ cho một điệp viên ngầm của FBI. (Nguồn: Naharnet)

2.000 bản thiết kế kiến trúc hiếm có được tìm thấy lại ở Bỉ

Bản tin văn hóa thế giới tuần qua


2.000 bản thiết kế kiến trúc từng được thực hiện bởi kiến trúc sư nổi tiếng người Bỉ Victor Horta (1861-1947) vốn tưởng đã mất tích vĩnh viễn, mới đây đã bất ngờ được tìm thấy lại. Người ta đã gửi tặng cho kho lưu trữ tài liệu của Bỉ một khối lượng khổng lồ những tài liệu kiến trúc cũ, trong số này, họ đã bất ngờ tìm thấy 2.000 bản vẽ của Victor Horta.

Brussels là một thành phố mang nhiều dấu ấn thiết kế của Victor Horta. Những bản vẽ này giờ đây mang nhiều giá trị lịch sử. Horta trong những năm tháng cuối đời đã hủy bỏ tất cả những bản vẽ thiết kế của mình, vì vậy, 2.000 bản vẽ này là nguồn tư liệu hiếm hoi còn lại về ông. (Nguồn: CNA)

Bức tượng Ai Cập Sekhemka được bán với giá 581 tỉ đồng

Bản tin văn hóa thế giới tuần qua


Một bức tượng Ai Cập có niên đại 4.000 năm tuổi đã được bán với giá gần 16 triệu bảng Anh (hơn 581 tỉ đồng) tại London. Bức tượng Sekhemka khắc họa một nhân vật có thật, từng là một quan lớn, một thẩm phán, một nhà quản lý của Ai Cập xưa.

Trước việc một di sản văn hóa - lịch sử có giá trị bị đem bán đấu giá và có thể bị lọt vào tay những nhà sưu tập tư nhân, phía Ai Cập đã lên tiếng chỉ trích viện bảo tàng Northampton - đơn vị sở hữu bức tượng. Viện bảo tàng Northampton đã bán bức tượng với mong muốn có thêm kinh phí mở rộng cơ sở hạ tầng của họ. (Nguồn: BBC)

Thư viện Singapore thiêu hủy sách truyện thiếu nhi viết về tình yêu đồng tính

Bản tin văn hóa thế giới tuần qua


Cuốn sách văn học dành cho thiếu nhi “And Tango Makes Three” kể về hai chú chim cánh cụt đực cùng nhau nuôi dạy một chú chim cánh cụt con. Hàng loạt thư viện quốc gia ở Singapore sắp tới sẽ đem thiêu hủy những ấn bản của cuốn sách này, sau khi nhận được một số lời phàn nàn cho rằng nội dung cuốn sách không thích hợp dành cho trẻ nhỏ.

Trước hết, những cuốn sách này đã bị loại khỏi giá sách. Tuy vậy, quyết định này cũng không nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của người dân Singapore, khi có hàng ngàn người phản đối kế hoạch thiêu hủy sách. (Nguồn: Guardian)

Tìm thấy chai nước khoáng lâu đời nhất thế giới

Bản tin văn hóa thế giới tuần qua


Chai nước khoáng có niên đại 200 tuổi được mệnh danh là chai nước khoáng lâu đời nhất thế giới vừa được tìm thấy ở vùng biển Baltic bởi các nhà khảo cổ học người Ba Lan. Chai nước khi được tìm thấy vẫn ở trong tình trạng tốt và vẫn còn đang được đóng kín. Nhà sản xuất đã khắc chữ “Selters” lên trên bề mặt chai gốm.

Chai nước cao 30cm, đã chìm xuống đáy biển cùng với một vụ đắm tàu. Selters là một hãng nước khoáng cao cấp của Đức, ở thế kỷ 19, hãng này rất được giới thượng lưu Châu Âu yêu thích. Chai nước khoáng được tìm thấy đã được sản xuất trong khoảng thời gian từ 1806-1830. (Nguồn: Daily Mail)

Triểm lãm nghệ thuật của một nghệ sĩ người Thụy Sĩ gốc Việt

Bản tin văn hóa thế giới tuần qua


Một triển lãm nghệ thuật có tên “Slow Wave” (Sóng chậm) của nữ nghệ sĩ Mai-Thu Perret mới đây đã được mở tại Hồng Kông. Mai-Thu Perret vốn nổi tiếng với phong cách nghệ thuật sắp đặt đầy tính kỷ luật, qua đó, cô muốn thể hiện sự bình đẳng giới thông qua những món đồ thủ công tự tay thực hiện.

Những tác phẩm của Mai-Thu Perret thường có nhiều tầng lớp, thế giới thẩm mỹ chứa đựng trong tác phẩm rất phong phú, dồi dào, với một sự đối lập, mâu thuẫn, căng thẳng không thể giải quyết, phản ánh mối bất hòa giữa nghệ thuật và biến động xã hội.

Mai-Thu Perret sinh ra ở Geneva (Thụy Sĩ), từng theo học ở trường Đại học Cambridge (Anh), từng nhận được nhiều giải thưởng nghệ thuật có uy tín, đã tổ chức nhiều triển lãm cá nhân ở nhiều nước trên thế giới.

Bích Ngọc
Tổng hợp