"Ban mai kỳ diệu" nỗ lực vì tuổi học đường

Nhà thơ Ngô Đức Hành

(Dân trí) - "Ban mai kỳ diệu" đa dạng về đề tài. Mỗi truyện là một "lát cắt" từ đời sống, tâm hồn trẻ thơ.

"Ban mai kỳ diệu" gồm 2 tập của nhiều tác giả - ấn phẩm đặc biệt do Nhà xuất bản Văn học phát hành vừa phát hành trong năm 2021.

50 tác giả trong "Ban mai kỳ diệu" hiện sinh sống và làm việc khắp mọi miền đất nước từ miền núi xuống đồng bằng, từ nông thôn ra thành thị. Tôi nhận ra điều này qua đề tài, nhân vật, bối cảnh của câu chuyện...

Ban mai kỳ diệu nỗ lực vì tuổi học đường - 1

"Ban mai kỳ diệu" gồm 2 tập của nhiều tác giả.

Sính và Rình trong "Ánh sáng trên núi" (tác giả Đặng Thủy Tiên) là con trai trong một gia đình có 3 anh em, ở một bản nhỏ heo hút nghèo khó.

Hàng ngày để đến được trường bán trú, Sính và Rình phải "bước chân thoăn thoắt qua con đường mòn" và sau khi "vượt qua sườn đồi, dốc núi" mới kịp giờ học. Hai anh em học cùng lớp, điều vẫn xảy ra ở miền núi.

Rình sáng dạ, ngược lại việc học đối với Sính "khó hơn lên rừng lấy củi với bố, hay đi làm nương với mẹ". "Sính ghét cái chữ lắm" (trang 11), chỉ thích lên rừng hái nấm, săn bắt động vật hoang dã.

Trong một lần ngủ, Sính rơi vào một cơn mơ kỳ lạ. Đó là được chứng kiển cuộc họp của Chúa Rừng xanh với loài động vật hoang dã như hổ, khỉ, gấu.... cho đến gà rừng. Các loài kêu cứu. Sính chỉ bật dậy, thoát ra khỏi mê sảng khi nàng Tiên cây vuốt vào má.

Sính thay đổi, bây giờ mới hiểu vì sao ngay cả bé Mầy- em gái út trước đây cũng không thích ăn thịt các loài động vật trong rừng mà anh trai săn bắt được mang về. Sính chăm học hơn, biết bảo vệ từng cành cây, ngọn cỏ trên rừng, từng con chim non, con sóc nhỏ không may bị lạc mẹ trên rừng.

Câu chuyện của Sính gửi một thông điệp không chỉ đến học sinh mà cả người lớn về ý thức bảo vệ môi trường, môi sinh, đa dạng sinh học. Cùng chủ đề này, Khánh Linh một học sinh Thủ đô lại lớn lên nhờ giảng giải của mẹ qua "Bài văn đáng nhớ" (Tạ Thanh Hải).

Khánh Linh học giỏi, thành viên của Đội tuyển văn tham gia câu lạc bộ "Em yêu văn học" chứ không phải đùa. Thế nhưng cô giáo Phương, người bồi dưỡng trực tiếp không hài lòng qua một bài văn của Khánh Linh. Khánh Linh cũng buồn khi cô giáo phê "có chi tiết chưa hợp lý". Khánh Linh nghĩ không ra mà buồn lâu. Mẹ biết nhưng chưa hỏi con gái.

Thế rồi, nhân việc được đi Ecopark, khi qua Công viên Mùa xuân, mẹ Khánh Linh mới gợi ý con gái. Đang vui, Khánh Linh đọc lại bài cho mẹ nghe. Mẹ giảng giải cho Khánh Linh "chi tiết chưa hợp lý" đó là "thả thuyền giấy xuống hồ" trong bài văn.

Ồ, Khánh Linh mới nghĩ ra, nếu ai cũng làm thế thì "chẳng bao lâu hồ sẽ thành bãi rác khổng lồ". Chưa kể trong bài văn, cùng thả thuyền giấy xuống hồ cùng Khánh Linh còn có một bạn Sơn nhỏ tuổi nữa. Ồ ra hồ khi không có người lớn giám hộ rất dễ xảy ra đuối nước.

Khánh Linh hiểu ra nhiều điều. "Bài văn đáng nhớ" còn có ý nghĩa làm bố làm mẹ, phải hiểu tâm lý con mình, nhẹ nhàng gợi chuyện và giải thích cho con ở những thời điểm hợp lý nhất.

Vì thế, "Bài văn đáng nhớ" không chỉ "đáng nhớ" với học sinh mà cả phụ huynh nữa. Không chỉ phụ huynh, cô còn phải hiểu hoàn cảnh học sinh, như trong "Biển" (tác giả Hương Nguyên), biết chia sẻ, động viên những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

"Ban mai kỳ diệu" còn đặt ra nhiều vấn đề trong một môi trường giảng đường hiện đại như "bệnh ích kỷ" trong "Chị và em" (tác giả Chu Thị Minh Thúy); nạn "bạo lực học đường" trong "Bí mật của Ma cà rồng" (tác giả Tâm An); đề cao những giá trị nhân ái, thấu cảm trong "Con chó Duz của Nếnh" (tác giả Lương Thị Hồng Vân)....

Tôi đặc biệt thích thú câu chuyện trong "Cuộc xâm lăng của binh đoàn virus" (tác giả Nguyễn Thùy Dương).

Để bảo vệ Trái đất và từng con người trước sự "xâm lăng" của virus, các bé đã rút ra bài học phải ăn chín, uống sôi, rửa tay chân sạch sẽ bằng xà phòng...

Câu chuyện thật thú vị khi loài người đã và đang đấu tranh vì sinh tồn với Covid-19.

Ban mai kỳ diệu nỗ lực vì tuổi học đường - 2

Hoạt động tặng sách "Ban mai kỳ diệu".

Văn học cho thiếu nhi là một bộ phận không thể thiếu trong dòng chảy của văn học Việt Nam. Đáng tiếc, những năm gần đây, việc tìm kiếm những sáng tác, trình diễn nghệ thuật giàu giá trị nhân ái để nuôi dưỡng tâm hồn các em thiếu nhi đang là nỗi trăn trở lớn của toàn xã hội.

Đội ngũ nhà văn viết cho thiếu nhi ngày càng thưa vắng. Những nhà văn viết cho thiếu nhi đang như "những ngôi sao cô đơn" trong làng văn.

Dường như trong thời đại công nghệ số, giữa người lớn và trẻ em tâm hồn ngày càng xa nhau? Nhà sử học Dương Trung Quốc có lần cho rằng chúng ta hiện tại không hiểu trẻ con, không hiểu nên khó viết.

Các chương trình truyền hình thực tế bây giờ không mang lại cho trẻ sự phát triển về trí tuệ mà đưa chúng lên bục ganh đua, ganh đua cả từ phụ huynh của các cháu, nguy nhất là "máu" ăn thua.

Văn học thiếu nhi không còn là câu chuyện nhỏ của riêng các em. Độc giả nhí cũng như những ai quan tâm luôn mong chờ những tác phẩm mang tinh thần nhân văn sâu sắc, giá trị thẩm mỹ đa dạng và đậm hơi thở cuộc sống đương đại với các vấn đề gần gũi, thiết thực.

Văn học cho thiếu nhi cũng là trăn trở của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Ông cho rằng, nhu cầu của những đứa trẻ, của các bậc phụ huynh, của những người luôn luôn suy nghĩ về chiến lược giáo dục cho trẻ em là rất lớn.

Trong khi đó, sách văn học cho thiếu nhi của chúng ta rất mong manh. Hai, ba chục năm trước, ta có thể kể tên những nhà văn viết cho trẻ em. Nhưng bây giờ kể tên họ rất ít và khó.

"Trẻ em hôm nay khác thế hệ ngày trước. Các em thông minh, tự tin, hòa nhập nhanh và có những ứng xử khiến người lớn phải bất ngờ. Để có cái nhìn toàn diện, cần phải có thời gian để trải nghiệm.

Nếu viết bằng lăng kính của người lớn, bằng việc răn dạy đạo đức khô cứng, trẻ em không thấy mình ở trong đó thì tác phẩm in ra cũng chỉ để hứng bụi trong các nhà sách mà thôi". Cách nói của nữ nhà văn nổi tiếng Võ Hồng Thu có vẻ "chua ngoa" nhưng sự thật.

Trong tình hình chung như vậy, việc Quán Chiêu văn cho xuất bản "Ban mai kỳ diệu", thực sự là tấm lòng dành cho trẻ em Việt Nam. Theo nhà văn Trịnh Đình Nghi, "Ban mai kỳ diệu" gồm 50 truyện ngắn được chọn ra từ 250 tác phẩm tham dự cuộc thi "Viết cho thiếu nhi" do Quán Chiêu văn tổ chức năm 2021.

Ban mai kỳ diệu nỗ lực vì tuổi học đường - 3

Văn học thiếu nhi không còn là câu chuyện nhỏ của riêng các em.

"Sách xuất bản để dành tặng cho thư viện của 36 trường học ở 15 tỉnh và 5 làng trẻ em SOS trên cả nước, số lượng phát hành 2.000 cuốn", nhà văn Trịnh Đình Nghi cho biết. "Ban mai kỳ diệu" bất chấp dịch bệnh Covid-19 đã đến với các địa chỉ được tặng nơi vùng sâu, vùng xa.

"Ban mai kỳ diệu" - Tập 1 gồm 26 truyện, "Ban mai kỳ diệu" - Tập 2 gồm 24 truyện, khổ sách 13x20 cm, bìa trang nhã, bắt mắt, ruột giấy vàng, nhẹ, chữ thông thoáng, phù hợp với tuổi học đường; tiện lợi bỏ vào cặp sách và học sinh có thể ngồi đọc bất cứ đâu.

Bìa sách đã là hình ảnh thuộc về thế giới trẻ thơ. Nói thế để thấy, nhà tổ chức cuốn sách có dụng ý và hiểu tâm lý lứa tuổi. Nhà tổ chức, không ai khác chính là Quán Chiêu văn, một diễn đàn văn chương online độc đáo, có thương hiệu và uy tín duy nhất hiện nay.

Viết cho thiếu nhi ngoài tài năng, còn phải có tấm lòng yêu thương trẻ em. Theo nhà văn Võ Hồng Thu, việc chọn lọc 50 tác phẩm từ 250 tác phẩm vô cùng khó khăn, bởi sự đa dạng.

Điều đó cho thấy lực lượng sáng tác là thành viên của Quán Chiêu văn hùng hậu, quan trọng hơn và rất mừng là đông đảo dành sự quan tâm cho trẻ em.

"Không phải tất cả những người tham gia đều thành thạo về kỹ thuật viết, đôi khi một tác phẩm lọt qua vòng tuyển chọn chỉ vì có một vài chi tiết lấp lánh từ đợi thực", đọc "Ban mai kỳ diệu" đồng cảm với chia sẻ của nhà văn Võ Hồng Thu.