Bạn có tin trò chuyện là cách đọc sách chân thực nhất?
(Dân trí) - Mỗi con người là một cuốn sách sở hữu những câu chuyện và tri thức riêng biệt đầy ấn tượng, “thư viện nhân loại” được mở ra với niềm tin như thế. Đến với nơi này, tất cả những gì bạn cần làm là trò chuyện để thấu hiểu thật nhiều về những “cuốn sách sống”.
Đến với thư viện nhân loại, bạn có thể mượn những “cuốn sách sống” để trực tiếp trò chuyện sinh động với những cuốn sách đó. Bạn “đọc” những cuốn sách này bằng cách trò chuyện, đơn giản bởi ở đây, mỗi cuốn sách là một con người. “Thư viện nhân loại” là nơi mà mọi câu hỏi đều có thể được đặt ra và được trả lời một cách chân thực nhất.
“Thư viện nhân loại” đầu tiên được thành lập ở Đan Mạch năm 2000, giờ đây, hoạt động của những thư viện nhân loại đã vươn đến hơn 70 quốc gia và trở thành một sự kiện định kỳ được chờ đợi trong đời sống sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở nhiều thành phố trên thế giới.
Tại một buổi sinh hoạt điển hình của “thư viện nhân loại”, người ta sẽ tập trung tại một địa điểm đã được thông báo trước vào một khung giờ cụ thể. Tại đây, người đọc sẽ xem mục lục các “đầu sách” và lựa chọn ra “cuốn sách” mà mình muốn đọc.
Ban tổ chức sẽ làm nhiệm vụ kết nối, sau khi sắp xếp xong xuôi, người đọc và “cuốn sách” họ chọn sẽ cùng ngồi xuống trò chuyện trong 30 phút. Những cuộc trò chuyện “từ trái tim đến trái tim” chính là điều mà những buổi đọc sách tại “thư viện nhân loại” hướng tới.
Những người muốn trở thành “cuốn sách” trong thư viện sẽ đăng ký với ban tổ chức từ trước. Họ sẽ đưa ra những lời giới thiệu về bản thân mình để người đọc có những nhận định ban đầu về “nội dung cuốn sách” và tự quyết định xem mình muốn “đọc” cuốn sách nào.
Bằng cách trò chuyện với những “cuốn sách sống”, người đọc sẽ có cơ hội hiểu về một con người và hơn thế, họ sẽ có những góc nhìn chân thực về một cộng đồng, một nhóm người, về cuộc đời và số phận, mà bình thường cuộc sống có thể không cho phép họ có cơ hội gặp gỡ, giao lưu.
Đến với “thư viện nhân loại”, những người đăng ký làm “sách sống” được khuyến khích nêu ra những chi tiết mà họ cho là nổi bật nhất trong đời sống của mình.
Hãy thử hình dung, bạn muốn tìm hiểu về bệnh rối loạn tâm lý lưỡng cực - một chứng bệnh tâm thần khiến con người có thể đi từ vui sướng tột cùng đến đau khổ tột độ một cách nhanh chóng, nếu bạn tìm hiểu trên mạng, những thông tin có được có thể sẽ không đáp ứng hết tất cả những gì bạn vẫn còn đang thắc mắc.
Cơ hội được ngồi trò chuyện với một người đang chịu đựng căn bệnh này và sẵn lòng trả lời tất cả mọi thắc mắc của bạn, đấy quả là một trải nghiệm trực tiếp tuyệt vời.
Thực tế, tất cả những người đến với “thư viện nhân loại” đều cùng một lúc vừa là độc giả vừa là “sách sống”. Những tương tác có được tại “thư viện nhân loại” khiến những người tìm đến đây có thể phá bỏ những định kiến về một nhóm người nào đó.
Điều mà tất cả mọi “thư viện nhân loại” đều hướng tới, đó là có được những “sách sống” đến từ mọi nẻo đời, với những nét khác biệt đa dạng để tạo nên những phổ rộng về nội dung.
Tại thư viện nhân loại, mỗi cuốn sách đều có một tiêu đề, cùng những nét sơ lược nổi bật về cuộc đời cuốn sách, những thông tin chi tiết về nhân thân sẽ không được nêu ra. Sẽ có những cuốn sách như “Người di cư tị nạn”, “Người tàn tật”, “Người có HIV”, “Người rối loạn tâm lý lưỡng cực”, “Người theo đạo Hồi”, “Người từng bị tấn công tình dục”, “Người yêu xăm trổ, bấm khuyên”, “Người béo phì”…
Mỗi con người là một cuốn sách sở hữu những câu chuyện và tri thức riêng biệt đầy ấn tượng, “thư viện nhân loại” (Human Library) được mở ra với niềm tin như thế.
Bích Ngọc
Theo Inquisitr/Huff Post