Bài Chòi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(Dân trí) - Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm vui to lớn với các tỉnh, thành phố có di sản nói riêng cũng như nhân dân cả nước nói chung.

Tối 24/4, tại thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) đã diễn ra Lễ đón bằng UNESCO, ghi danh Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Quyết định này trước đó đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công bố tại Hội nghị lần thứ 12 diễn ra ở Jeju, Hàn Quốc.

Bài Chòi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - 1

Lễ đón bằng UNESCO, ghi danh Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Bài Chòi Trung bộ Việt Nam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm vui to lớn với các tỉnh, thành phố có di sản gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa và Bình Định nói riêng cũng như nhân dân cả nước nói chung.

Đây không chỉ là dịp để tôn vinh những giá trị đặc sắc của Di sản Nghệ thuật Bài Chòi mà qua đó còn góp phần khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Tại buổi lễ, Ban tổ chức cũng đã khai mạc Liên hoan các tổ, nhóm, câu lạc bộ Bài Chòi tỉnh Quảng Bình lần thứ nhất năm 2019. Thông qua đó, nhằm tôn vinh giá trị văn hóa đặc sắc của Nghệ thuật Bài Chòi. Tuyên truyền, giới thiệu một cách sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ những giá trị tiêu biểu của Di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài Chòi trên quê hương Quảng Bình.

Bài Chòi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - 2
Bài Chòi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - 3

Bài Chòi là một môn nghệ thuật truyền thống của người dân Trung Bộ

Bài Chòi được biết đến là một loại hình nghệ thuật dân gian xuất hiện cách đây khoảng 300 - 400 năm ở các tỉnh Trung Bộ. Người dân miền Trung từ Quảng Bình đi vào tận đến Phan Thiết đều ưa chuộng loại hình này.

Để chơi bài chòi, người ta dựng 9 hoặc 11 cái chòi, chia thành 2 bên, mỗi bên 5 chòi, mỗi chòi cao độ 2-3m, rộng đủ vài ba người ngồi và một chòi trung tâm. Bài chòi, hiểu một cách đơn giản nhất là một kiểu ngồi trên chòi đánh bài, nhưng nó không chỉ dừng lại ở một trò chơi bài ở trong một không gian mở mà nó gắn liền với nghệ thuật diễn xướng hô bài chòi với các nghệ nhân chính trong vai trò "anh hiệu" (những người quản trò).

Tiến Thành