Bác Ba Phi phim "Đất phương Nam": Bệnh tật, sống chật vật ở tuổi ngoài 70
(Dân trí) - Cuộc sống hiện tại của nghệ sĩ Mạc Can, người từng thủ vai Bác Ba Phi dí dỏm, phóng khoáng trong phim "Đất Phương Nam" khiến nhiều người xót xa.
Nghệ sĩ Mạc Can được khán giả truyền hình biết đến với những vai diễn nghèo khổ, vai ông Bụt, phù thủy trong truyện cổ tích... gắn liền với tuổi thơ của các khán giả 8X và đầu 9X. Ở cái tuổi 76, nghệ sĩ Mạc Can đã sở hữu hàng trăm vai diễn lớn nhỏ và hàng loạt tác phẩm ấn tượng.
Trong đó vai diễn ông già đậm chất Nam Bộ tên Ba Phi ở Đất Phương Nam đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả. Nhân vật Ba Phi trong phim được lấy nguyên mẫu từ nghệ nhân Nguyễn Long Phi là một nông dân tại huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, vốn có khiếu kể chuyện rất phong phú và đặc sắc, được nhiều người ưa thích.
Hình ảnh bác Ba Phi dí dỏm, phóng khoáng mà nghệ sĩ Mạc Can thể hiện được nhận xét là "đúng chất" so với nguyên mẫu nhân vật. Đây cũng là vai diễn khiến Mạc Can hãnh diện nhất. "Vai ngắn thôi nhưng khi mình xuống dưới miền Tây người ta kêu mình là "bác Ba Phi", đó là cái hãnh diện chứ hả?", ông từng chia sẻ.
Không chỉ được biết đến ở lĩnh vực diễn xuất, Mạc Can còn là một nhà văn của văn đàn Việt Nam. Ông là tác giả của tiểu thuyết nổi tiếng "Tấm ván phóng dao", "Những bầy mèo vô sinh", tập truyện ngắn "Món nợ kịch trường"…
Cho đến tận tuổi xế chiều, nghệ sĩ Mạc Can vẫn miệt mài đi biểu diễn ảo thuật, viết văn, đi diễn. Tuy nhiên, thu nhập bấp bênh. Tuổi càng cao, ông càng "gánh" nhiều bệnh. Như Dân trí phản ánh, từ năm 2019 đến giữa năm 2020, ông nhiều lần phải nhập viện vì bị viêm loét dạ dày, thấp khớp, gút... Nghệ sĩ Mạc Can từng có nhiều năm sống neo đơn trong căn nhà thuê rộng hơn 20m2, chống chọi với rất nhiều căn bệnh mãn tính.
Ở tuổi 75, sức khỏe suy kiệt, không thể tự chăm sóc bản thân, năm 2020 nam nghệ sĩ phải dọn đến sống nương nhờ ở nhà em gái út tên Lê Ngọc Yến ở Hóc Môn, TP HCM.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí về bệnh tình của nghệ sĩ Mạc Can, bà Ngọc Yến cho biết nam nghệ sĩ bị nhiều bệnh như bệnh gout, bệnh tim mạch tái phát.
"Anh Mạc Can bị bệnh gout, bệnh tim mạch. Năm 2020, anh phải nhập viện điều trị nhiều lần. Sau khi ở viện về, anh Mạc Can ở nhà tôi gần năm nay. Mấy tháng trước anh nằm một chỗ, chân đau nhức, không đi lại được. Giờ sức khỏe của anh khá hơn, tập đi được rồi nhưng phải chống gậy, có người dìu, đỡ. Tuổi già mà, lắm bệnh, thi thoảng bệnh lại tái phát", bà Ngọc Yến kể.
Theo bà Ngọc Yến, nhiều năm nay, bà chăm sóc ba mẹ. Khi ba mẹ chị mất thì chị lại chăm sóc người anh trai thứ hai tên Lê Hảo Tâm. Và sau đó là nghệ sĩ Mạc Can…
Bà Ngọc Yến bộc bạch: "Tôi chăm sóc anh Mạc Can chỉ là bỏ công ra thôi chứ tiền bạc là của anh, bản thân tôi cũng làm công nhân, nghèo khổ lắm. Mấy chục năm nay, tôi đều chăm sóc người thân…
Hiện tại, anh Mạc Can đã không ở đây nữa. Anh đã hàn gắn với chị dâu. Bây giờ anh Can đã về sống với chị dâu được hơn một tháng rồi, từ ngày 23/10.
Anh em có thương nhau đến mấy cũng không bằng vợ chồng. Dù tôi dành tình cảm người em cho anh mình rất nhiều nhưng vẫn không bằng được vợ con. Anh Can đã lớn tuổi, sức khỏe yếu, tôi mong cuối đời anh hàn gắn với vợ con, về sống chung với vợ con để khi nằm xuống sẽ ấm áp hơn…".
Bà Ngọc Yến chia sẻ thêm: "Cuộc sống của anh Can vẫn rất chật vật, nhà cửa chật hẹp, vợ anh Can cũng lớn tuổi, không đi làm được để kiếm tiền. Con cái anh Can cũng lo lắng, đỡ đần bố mẹ nhưng chúng cũng không giàu có gì, đi làm công nhân thôi. Anh Can nhiều bệnh, sức khỏe yếu, cũng cần nhiều chi phí thuốc thang…".
Cũng theo chia sẻ của bà Yến, nguyện vọng của nghệ sĩ Mạc Can là được tận mắt thấy tiểu thuyết Tấm ván phóng dao được chuyển thể thành phim. Đây là tiểu thuyết do chính nghệ sĩ Mạc Can sáng tác với nhiều tâm huyết.
"Tôi rất là mong tiểu thuyết Tấm ván phóng dao được chuyển thể thành phim vì đó là tâm huyết của anh Can. Tác phẩm đó là tác phẩm thành công và nổi tiếng của anh Can. Anh Can có mong mỏi là sẽ được chuyển thể thành phim. Đã có nhiều người bắt tay làm, viết kịch bản nhưng mà không có đủ kinh phí để dàn dựng.
Theo anh Can nói, tác phẩm tả thực về cuộc sống gia đình tôi trên sông nước nên khi diễn kịch không lột tả hết. Có nhiều người cũng dự định dựng phim nhưng cuối cùng vẫn chưa làm được. Muốn tận mắt chứng kiến cuốn tiểu thuyết được dựng thành phim là mong mỏi cuối đời của anh Can. Anh trăn trở và mong chờ dữ lắm", bà Ngọc Yến tiết lộ.