Bà Chủ tịch nhận giải thưởng Kovalevskaya và hành trình đưa Tết cổ truyền vào đời sống bà con J’rai

Là người J’rai đầu tiên vinh dự được nhận giải thưởng Kovalevskaya (năm 2014), bà Kueng không chỉ giúp người dân xã Kon Chiêng thoát nghèo; mà sau khi thoát nghèo, người dân nơi đây đã biết đưa Tết cổ truyền dân tộc vào trong đời sống văn hóa.

Diệt giặc đói

Sinh ra trong một gia đình đông anh em và nghèo khó, từ nhỏ bà Đinh Thị Kueng (54 tuổi, làng K'Tu, xã Kon Chiêng, Mang Yang, Gia Lai) đã phải sống trong cảnh đói khổ, thường xuyên phải ăn rau rừng thay cơm. Vì vậy, bà Kueng luôn cảm nhận rõ được ý nghĩa của những hạt gạo có được trong những lúc đói giáp hạt. Không chỉ mình gia đình bà Kueng rơi vào cảnh không có cơm ăn mà hầu hết các gia đình ở Kon Chiêng vào thời điểm giáp hạt (tháng 6, 7) đều phải vào rừng hái rau, đào củ mài ăn thay cơm.

Bà Kueng - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Kon Chiêng.
Bà Kueng - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Kon Chiêng.

Thấm thía được nỗi khổ của gia đình mình và những người trong làng, từ nhỏ bà Kueng luôn mơ ước bản thân mình có thể giúp dân làng diệt được giặc đói. Chính vì vậy, thay vì bắt chồng sớm như những cô gái Bahnar trong vùng, bà Kueng tham gia lớp học đào tạo cán bộ tại địa phương. Năm 1982, bà chính thức làm cán bộ Hội Phụ nữ xã Kon Chiêng mà không có bất kì đồng lương hay trợ cấp nào.

Trước nạn đói của bà con vào những tháng giáp hạt, năm 2000, chính quyền huyện Mang Yang phát động phong trào ''Kho thóc tình thương'' đối với tất cả các xã trong huyện; mỗi làng sẽ xây dựng một kho thóc, khi thu hoạch xong từng hộ sẽ góp một ít thóc vào kho, chờ đến thời gian giáp hạt gia đình nào thiếu gạo sẽ được chia về ăn. 

Vốn là người có uy tín ở làng mình, được chị em phụ nữ trong làng tin tưởng, bà Kueng đã vận động phụ nữ trong làng góp mỗi hộ một gùi lúa vào kho thóc sau khi thu hoạch mùa màng xong và được 900kg. Đến thời gian đói giáp hạt, nhiều hộ gia đình trong thôn không có gạo ăn và được chia thóc trong kho về giã ăn. Thấy người dân làng K'Tu có gạo ăn lúc đói giáp hạt, những người dân làng khác cũng muốn làng mình có ''kho thóc tình thương''.

Chuyện cho vay vốn của Hội phụ nữ xã

Trước khi mô hình ''Kho thóc tình thương'' ra đời, bà Kueng đã vận động các hội viên trong Hội Phụ nữ tận dụng những rẫy đất bỏ hoang, đất gần suối để tăng gia sản xuất, trồng mì, trồng lúa với mô hình ''Kho mì tình thương''. Với sự dẫn dắt của bà Kueng, Hội Phụ nữ của xã đã khai hoang được 27 ha đất trồng nông sản. Sản phẩm sau khi thu hoạch được bán lấy tiền làm quỹ hội. Năm 2001, bà Kueng tiếp tục cho ra đời mô hình ''Nuôi bò tình thương'', số tiền bán nông sản được gần 10 triệu đồng, bà Kueng mua một con bò cái đưa cho gia đình nghèo nhất làng K'Tu nuôi là gia đình anh Byơnh (SN 1972). 

Được Hội Phụ nữ giao bò cho nuôi, đó là nguồn động viên rất lớn đối với vợ chồng anh Byơnh. Suy nghĩ trong họ đã thay đổi và họ quyết tâm làm ăn, chăm nuôi con bò của Hội giao, và sau đó bò mẹ đã đẻ ra bê con. Bà Kueng tặng bê con cho gia đình anh Byơnh và lấy lại bò mẹ giao cho gia đình hộ nghèo khác nuôi. Cứ như vậy, từ một con bò mô hình ''Nuôi bò tình thương'' đến nay bò mẹ đã cho ra đời 25 con bò cho 25 chủ hộ.

Bà Kueng bên Kho thóc tình thương của làng K'Tu.
Bà Kueng bên "Kho thóc tình thương" của làng K'Tu.

Quay lại chuyện ''Kho mì tình thương'', sau khi mua được bò mẹ để phát triển mô hình nuôi bò cho các hộ nghèo lấy vốn, mỗi năm, ''kho mì'' lại làm ra hàng chục triệu đồng, ngoài tiền mua phân, đầu tư phân bón, số tiền dư còn lại Hội đã cho các gia đình nghèo trong xã vay không lãi để đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi lúc khó khăn. Đến nay, tiền làm được từ ''kho mì'' đã cho 3.237 lượt chị em phụ nữ vay với số tiền vay khoảng 3-5 triệu đồng/người.

Nhận thấy những mô hình trên giúp được bà con thoát đói, thoát nghèo, bà Kueng còn phát triển thêm phong trào ''Nuôi heo đất'', và kết quả cả 9 thôn đều ''nuôi'' được heo đất với tổng số tiền 129 triệu đồng. Số tiền này, Hội giải quyết cho các chị em khó khăn mượn không tính lãi, mỗi chị em được vay 3-5 triệu đồng. Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Kon Chiêng còn vận động giúp đỡ các chị em trong từng thôn làng đổi ngày công trong mỗi vụ mì, lúa, ngô..., giúp đỡ nhau làm ăn.

Đến nay, ngoài những con bò giao tặng cho các gia đình nuôi, thì Hội đã có 216 triệu đồng tiền mặt trong quỹ của Hội dùng để hoạt động Hội và sẵn sàng giúp đỡ những trường hợp khó khăn trong xã; ngoài ra, số tiền mà bà con trong xã đang vay để đầu tư làm ăn cũng lên đến hàng trăm triệu đồng.

Từ một gia đình thiếu ăn liên tục, cứ mỗi vụ đói giáp hạt gia đình bà Rơih (58 tuổi, thôn K'Tu) phải sống qua ngày bằng những bữa rau rừng và củ mài, từ khi được Hội Phụ nữ xã giúp đỡ bằng các mô hình trên, đến nay gia đình bà Rơih trở thành gia đình có kinh tế khá giả, con cái thành đạt. Bà Rơih cho biết, bà có 6 đứa con trong đó một làm cán bộ, 2 con đang là sinh viên đại học, 2 con đã lập gia đình và một đang đi học. 

Không chỉ con cái học hành nên người, mà kinh tế gia đình bà Rơih rất vững chắc khi có 5 ha rẫy trồng mì, bời lời, hàng trăm trụ tiêu, 10 con trâu và 15 con bò mỗi năm thu về trên 500 triệu đồng. Còn gia đình anh Byơnh, từ một con bò bây giờ nhà anh đã có đàn bò 18 con, 3ha rẫy, 200 trụ tiêu... mỗi năm thu được cả trăm triệu.

Và rất nhiều gia đình khác đã thoát nghèo nhờ những mô hình mà Hội Phụ nữ triển khai thực hiện.

Anh Đinh Nguy - Phó Chủ tịch UBND xã Kon Chiêng cho biết, chị Kueng là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã hàng chục năm nay, tất cả những mô hình trên đều do chị phụ trách và triển khai. Trước đây, hầu như tất cả bà con trong xã đều thuộc hộ nghèo, nhưng đến nay số hộ nghèo trong xã chỉ còn 30%, Hội đã dùng quỹ giúp trẻ em nghèo, gia đình bệnh tật... với số tiền 147 triệu đồng và phát triển lên 802 chi hội viên. Không chỉ vậy, từ khi không còn đói khổ, kinh tế khá giả hơn bà con trong xã đã biết ăn tết cổ truyền giống người Kinh.

Trước những đóng góp lớn trong công cuộc diệt giặc đói, đẩy lui cái nghèo của bà Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, tháng 12/2014, bà Kueng vinh dự được ra Thủ đô Hà Nội nhận giải thưởng Kovalevskaya dành cho những cá nhân, tập thể có đóng góp lớn cho xã hội.

Suốt đời hy sinh vì dân làng, nhưng đến bây giờ bản thân mình vẫn sống cô đơn, tuy nhiên với bà Kueng niềm an ủi lớn nhất là bà con trong xã không còn ai phải thiếu cơm vào những lúc đói giáp hạt. ''Thấy bà con trong làng giàu có hơn, không còn bị đói nữa là mình hạnh phúc lắm. Hôm đi nhận giải thưởng là lần đầu tiên mình được ra Hà Nội, được thăm lăng Bác Hồ mình rất vui và xúc động. Giúp được bà con dân tộc mình, với mình cuộc đời đã rất ý nghĩa rồi''', bà Kueng chia sẻ.

Thiên Thư


Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm