Đà Nẵng:
Ba bảo vật quốc gia ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm
(Dân trí) - Du khách đến Bảo tàng Điêu khắc Chăm không thể bỏ qua ba bảo vật quốc gia đang được lưu giữ và trưng bày ở bảo tàng có hơn 100 tuổi tọa lạc giữa trung tâm thành phố Đà Nẵng này.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm hiện lưu giữa khoảng hơn 2.000 hiện vật, nhóm hiện vật. Trong đó, có hơn 500 hiện vật, nhóm hiện vật được trưng bày để người dân và du khách thưởng lãm; đồng thời, phục vụ công tác nghiên cứu, khảo cổ. Đáng chú ý, ở đây có 3 bảo vật quốc gia: Tượng Bồ tát Tara, Đài thờ Mỹ Sơn E1 và Đài thờ Trà Kiệu. Đây đều là những cổ vật mang đậm phong cách điêu khắc Chăm và mỗi bảo vật quốc gia kể một câu chuyện riêng về văn hóa Chăm với những giai thoại huyền bí.
Tượng Bồ tát Tara cao 1,15 mét có thể xem là một trong những tượng đồng lớn nhất và đặc trưng cho phong cách Đồng Dương cách đây hơn 1000 năm từ hồi thế kỷ IX.
Trượng Bồ tát Tara được công nhận là bảo vật quốc gia đang trưng bày ở Bảo tàng điêu khắc Chăm này là chứng minh cho đỉnh cao nghệ thuật truyền thống của Chăm-pa với kỹ thuật đúc đồng tinh xảo hết hợp với phong cách điêu khắc tiêu biểu cho nền văn hóa Đồng Dương. Chính những đường nét tinh xảo của hiện vật cùng vẻ đẹp thanh thoát, bí ẩn khiến du khách khó rời mắt khỏi pho tượng quý này. Theo lời giới thiệu của Bảo tàng, pho tượng được người dân ở xã Bình Minh (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) đào được vào năm 1978 và đem đến Bảo tàng.
Khối Đài thờ Mỹ Sơn E1 được đặt trang trọng ở Bảo tàng là nơi mà du khách luôn dừng chân rất lâu ở Bảo tàng để nghe những câu chuyện xoay quanh bảo vật quốc gia này. Đây là một trong những đài thờ có niên đại sớm nhất có nguồn gốc từ Thánh địa Mỹ Sơn cách đây khoảng 1.300 - 1.400 năm (thế kỷ VII - VIII), đại diện cho phong cách điêu khắc thời kỳ đầu của Chăm - pa.
Giá trị của Đài thờ thể hiện ở các hoạt cảnh được chạm khắc tinh xảo xung quanh đài thờ tái hiện đời sống sinh hoạt thường ngày như chơi nhạc, đàm đạo... đến các nghi thức tín ngưỡng của các tu sĩ Ấn Độ giáo ẩn dật thời bấy giờ. Qua đó cho thấy mối giao lưu văn hóa giữa Ấn Độ và Chăm-pa trong thời kỳ đầu. Chính ông Henri Parmentier - Trưởng khoa Khảo cổ của trường Viễn Đông bác cổ, một trong những người đầu tiên góp công xây dựng nên Bảo tàng điêu khắc Chăm ở Đà Nẵng ngày nay đã tìm thấy Đài thờ Mỹ Sơn E1 trong cuộc khai quật khảo cổ ở Thánh địa Mỹ Sơn khoảng năm 1902-1903.
Bảo vật quốc gia thứ ba ở Bảo tàng là Đài thờ Trà Kiệu được phát hiện ở kinh đô Trà Kiệu (nay ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Đài thờ được chế tác từ sa thạch xanh xám này tiêu biểu cho phong cách Trà Kiệu trong nghệ thuật điêu khắc của Chăm- pa trong giai đoạn chuyển tiếp từ thế kỷ VII - X.
Giá trị hấp dẫn của bảo vật quốc gia này nằm ở câu chuyện về đám cưới của hoàng tử Rama và công chúa Sita trong trường ca Ramayana huyền thoại thể hiện trên thân đài. Trang sức, kiểu tóc, mũ đội đầu ... của các nhân vật trong hoạt cảnh tái hiện bằng nghệ thuật điêu khắc Chăm-pa trên thân Đài thờ thể hiện rõ phong cách Trà Kiệu thời bấy giờ.
Khánh Hiền