Anh hùng lao động, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp: “Lửa thắp lên rồi sẽ cháy tận cùng thôi”
Đêm nhạc “Như tôi đã sống” tôn vinh chân dung Anh hùng lao động, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp qua thơ, nhạc được tổ chức tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô trong 2 ngày 27 - 28/1 vừa qua đã kín ghế khán giả tới thưởng thức, dù chịu ảnh hưởng "một nốt thăng" của U23.
Cuộc đời của Anh hùng lao động, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp hiện ra như một cuốn phim theo cách dàn dựng nhạc vũ kịch công phu, hấp dẫn.
Đêm nhạc thêm một lần nữa chứng tỏ rằng, nếu như ngoài đời, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp, Tổng Giám đốc Tổng Công ty 36, Bộ Quốc phòng, được phong Anh hùng lao động vì những đóng góp lớn lao trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước; thì trong nghệ thuật, bằng những trải nghiệm của chính mình trong quá trình lao động và chiến đấu, bằng cảm xúc chân thành, nồng thắm của một người con xứ Nghệ, ông đã đóng góp cho nền thơ, nhạc những tác phẩm thực sự độc đáo, với một phong cách rất riêng. Những bài thơ, bản nhạc của một người không sinh ra để làm nghệ thuật, nhưng có khí chất, bản lĩnh của một người anh hùng, đã thấm sâu vào lòng người đọc, người nghe một cách tự nhiên mà thấm thía.
Khó ai nghĩ được rằng, với khối lượng công việc kinh doanh bộn bề đến thế, ông vẫn sáng tác không hề biết mệt mỏi, bút lực dồi dào, ra hàng chục cuốn sách trong đó có tự truyện Cha tôi (viết về cụ Nguyễn Đăng Cẩn, thân phụ ông), Tình mẹ lời ru (viết về thân mẫu), tiểu thuyết "Như tôi đã sống" (được coi là tài liệu học tập, phấn đấu cho chiến sĩ của quân đội)… cùng hàng trăm bài thơ, bản nhạc về quê hương, nguồn cội, gia đình, anh em, đồng đội, và về chí khí, hoài bão của bản thân. Đọc thơ ông, thấy một Nguyễn Đăng Giáp rất chân chất, nồng nàn với người thân, bạn bè; nhưng đồng thời cũng thấy một Nguyễn Đăng Giáp khác, với khí phách ngang tàng, quả cảm trước những thách thức của thời cuộc; một Nguyễn Đăng Giáp đầy ưu tư trước cuộc đời, con người và rất nhiều những chiêm nghiệm về nhân quả. Trong ông có một sự kết hợp đẹp giữa phẩm chất anh hùng và thi nhân.
Sau đêm nhạc, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện thân tình với Nguyễn Đăng Giáp.
* Trong đêm nhạc "Như tôi đã sống" vinh danh con người, sự nghiệp của anh bằng thơ và nhạc, khán giả đã nhìn thấy anh rơi lệ. Cho đến thời điểm này, cảm xúc của anh như thế nào với hành trình cuộc đời mình qua thơ nhạc?
- Không khóc sao được khi tôi nhìn về cuộc đời mình với những năm tháng tuổi thơ nghèo khó vô cùng mà những người trong cuộc như tôi mới thấu: “Mất mùa như trở bàn tay/Ngọn đèn dầu hiu hắt về đâu”, rồi những câu chuyện về ông ngoại, mẹ tôi, cha tôi và người em của tôi đã vĩnh viễn ra đi nơi chiến trận khi đang còn thanh xuân “trái tim chưa kịp xốn xang một lần”... Nhà sản xuất "Vàng son một thuở" đã giúp tôi nhìn thấy cuộc đời mình như một cuốn phim nhiều chương hồi, trường đoạn, những con đường khúc khuỷu mà tôi đã đi qua mượn thơ nhạc để giãi bày… Đêm nhạc ấy mặc dù bị ảnh hưởng bởi “một nốt thăng” của đội tuyển U23 Việt Nam khi mang vinh quang trở về cho đất nước, nhưng mọi người đến với tôi rất đủ đầy - những tấm lòng ấy khiến tôi rất xúc động và cảm kích.
Có người nói, đêm nhạc thế là thành công mỹ mãn rồi. Nhưng với tôi, nó là bình thường bởi tôi quan niệm, mọi thứ đều phải phát triển, cuộc sống luôn ở phía trước, dừng lại là tụt hậu, nhất là với các doanh nghiệp. Tôi biết tôi không là gì để có được đêm nhạc như thế, ngoài kia còn nhiều người chắc chắn cũng làm thơ, viết nhạc như tôi hoặc hơn tôi. Tôi rất cảm kích khi "Vàng son một thuở" đã chọn lựa tôi trong chuỗi chương trình vinh danh tác giả, tác phẩm của họ. Người ta nói, tiến một phân để xử thế, lùi một bước để làm người, đêm nhạc là một "bước lùi" cần làm với tôi vì tôi đã 64 tuổi, có thể nói là "thời cơ đã chín muồi" để được hiện diện qua nghệ thuật. Tôi sẵn sàng đối diện với những phản biện của cuộc sống, chấp nhận những điều người đời chưa hiểu, chưa thống nhất…
* Là người lính, rồi làm giám đốc, Tổng giám đốc một doanh nghiệp lớn, với biết bao những thách thức trên thương trường đối với con tàu mà ông ở vị trí thủ lĩnh. Ông đã vượt qua như thế nào để vẫn dành thời gian cho thơ nhạc?
- Thực ra thơ và con người là một. Thơ chính là cuộc đời. Cách đây gần 40 năm, khi người ta đi tìm hiểu bạn gái bằng mồm mép thì tôi tìm hiểu nhà tôi bây giờ bằng thơ. Hồi đó, tôi công tác tại Lào về phép chỉ có 12 ngày, làm sao có đủ thời gian giãi bày, nên phải chuyển tải thông tin một cách nhanh nhất đến với cô ấy bằng thơ: “Đường đi đâu có rộng hơn. Đời ta đâu thiếu muôn vàn hoa thơm”.
Quan điểm của tôi là làm thơ là để “xả stress”, để cân bằng cuộc sống chứ không phải sống vì thơ. 25 bài thơ, nhạc được thể hiện trong chương trình chỉ là một lát cắt trong kho tàng 275 tác phẩm của tôi. Thơ là phản ánh cuộc sống, là tiếng lòng, là câu chuyện cuộc đời, nói lên nỗi niềm nhân tình thế thái, thể hiện bản lĩnh, khí phách của mình, chứ không phải mơ mộng vơ vẩn.
Đời là thơ, là nhạc. Chặng đường thơ và nhạc của tôi là để phục vụ cho sự phát triển của Tổng công ty 36, ghi lại nỗi lòng của tôi đối với công việc, bạn bè, những tải nghiệm trong cuộc sống... Tôi nghĩ thế này, phàm những doanh nghiệp không có văn hoá doanh nghiệp thì không phát triển được, cũng như một dân tộc không có văn hoá thì trở về mông muội. Văn xuôi, thơ, nhạc của tôi đã in ra được 10 đầu sách, không phải là khoe nhưng trong những lần phát biểu, chưa bao giờ tôi phải dùng giấy để đọc, kể cả nhân viên của tôi cũng vậy. GS Nguyễn Đình Chú sau khi nghe bài thơ Đoạn trường tôi sống của tôi, đã nói rằng, giờ đây phải nhìn tôi với con mắt khác, vì tôi sinh năm 1954 nhưng lại rất thạo những lời văn cổ “phi cổ bất thành kim”. Có lẽ do tôi được kế thừa từ ông bà nội ngoại, từ cha mẹ mới có được nền tảng đó ….
* Thơ, nhạc của anh có khẩu khí đầy tính nam nhi, nghĩa khí và trượng nghĩa, vậy con người nhà thơ Nguyễn Đăng Giáp và doanh nhân Nguyễn Đăng Giáp giống và khác nhau nhau thế nào?
- Kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp Claude Cuvelie, Giám đốc Công ty Site Architect hợp tác cùng tôi trong xây dựng, thiết kế trường Đại học kinh tế Quốc dân có nói với nhà thơ Chí Tình bạn của tôi rằng, ông thấy ở ông Giáp có 3 con người: Thứ nhất: Là quân nhân với khẩu khí đặc trưng của người lính; Thứ 2: Là một doanh nhân, bởi khẩu khí thẳng thắn như thế nhưng ông biết cương, biết nhu; Thứ 3: Là một nhà thơ bởi khẩu khí thẳng thắn, bộc trực là thế nhưng lại có một trái tim nồng ấm, một tâm hồn rất nhạy cảm, rất đời thường, rất “thơ”. Con người tôi là vậy - quyết liệt trong thương trường nhưng cũng rất nhân văn, tình nghĩa trong đời thường.
* Trong đêm diễn “Như tôi đã sống”, anh có nói về những “nốt lặng” trong đời sống của mình bên cạnh những bộn bề lo toan. Vậy những “nốt lặng” đó có nhiều không với một thủ lĩnh của Tổng công ty 36?
- Thực ra là rất nhiều, như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói, đời người có 2 thứ là thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn còn tình yêu thì vô cùng. Quan điểm của tôi thì, thời gian là hữu hạn nhưng cảm xúc thì vô hạn. Thời gian đâu tôi làm thơ? Các cụ xưa đã từng nói “Đi bảy bước làm nên một bài thơ” quả không sai, khi có cảm xúc đúng là như vậy. Điều căn cốt chính là cảm xúc và câu chuyện thôi thúc mình muốn viết. Ca sĩ Chế Linh nhận tập thơ của tôi, trên đường bay từ Việt Nam sang Canada, anh đã kịp viết tặng tôi một bài hát. Như vậy, vấn đề không phải là thời gian. Cảm xúc đó đến bất chợt, giống như chỉ trong 4 đêm mà tôi viết được trường ca “45 năm đoạn trường tôi sống” với 475 câu thơ.
Tôi nhìn cuộc đời, nhìn thế sự, và tôi muốn viết thơ từ cảm xúc, tâm tư và trải nghiệm của chính mình.
* “Như tôi đã sống” là hành trình cuộc đời ông - một hành trình Xích Thố, hành trình sống, chiến đấu, yêu thương và vươn lên của một Anh hùng lao động. Thông điệp chính ông muốn gửi qua chương trình là gì?
- Nói ra thì nhiều nhưng tựu trung lại là những chiêm nghiệm về nhân quả. “Nhân” tốt thì “quả” tốt - đạo Phật đã nói như vậy - đó là lý do để xây dựng nền tảng đạo đức cho con người. Nếu quá khứ không tốt thì không thể có tương lai đẹp. "Nhân và quả nổi chìm bao số phận. Hạnh phúc một đời binh đao chiến trận. Nay trả lại cho đời nốt nhạc vần thơ". Tuổi thơ tôi sống trong nghèo khó, lớn lên khi đất nước có chiến tranh, gác bút nghiên lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc, thời bình trở về là một thương binh - lại tiếp tục chiến đấu trên thương trường khốc liệt, luôn đối diện với những gian truân, khó khăn, thách thức. Có thể nói - cuộc sống của tôi là một cuộc chiến đấu không ngừng nghỉ, thời gian hưởng thụ không có, nhưng tôi đã được cha ông nuôi dạy về chí làm trai, trong tôi luôn có một khát vọng vươn lên mãnh liệt, không đầu hàng trước mọi hoàn cảnh, như tôi đã viết trong bài "Tình khúc mùa thu" hôm 28/9/2017:
Như chim ưng luôn tung cánh bay xa
Dù phía trước đường bay dài vời vợi
Biết sứ mệnh còn bao nhiêu chờ đợi
Lửa thắp lên rồi sẽ cháy tận cùng thôi.
Thơ và nhạc luôn mang hình ảnh cuộc đời, vĩ đại hơn cả các kinh sách, vì thơ và nhạc thì ai cũng tiếp cận được, lay động được trái tim của mọi người. Thơ của tôi được các nhạc sĩ chắp cánh thành nhạc, chuyển tải thông điệp của trái tim đến những ai luôn mong ước sống cuộc sống tốt đẹp hơn, sống với nhau biết yêu thương hơn, nhìn cuộc đời như tôi từng viết “trả lại cho đời giá trị niềm tin”.
* Ông nói, cuộc sống là không dừng lại, vậy sau chương trình này có tạo động lực để ông có thêm những bước phát triển mới trên con đường thơ, nhạc?
- Chính những cảm xúc từ đêm thơ đã tạo cho tôi những tư duy sáng tạo mới. Khát vọng của con người là khát vọng vô cùng, trí tuệ của con người là vô biên, sức mạnh của con người là vô địch. Chắc chắn tôi luôn tiến về phía trước ở mọi mặt, trong đó có thơ và nhạc. Trước thềm năm mới Mậu Tuất, tôi xin gửi tới toàn thể bạn đọc lời chúc mừng năm mới qua 2 khổ cuối của bài thơ Nói với mùa xuân Hà Nội mà tôi mới viết trước Đêm nhạc chỉ vài ngày:
“Đinh Dậu qua còn vang vọng tiếng gà
Ngẩng cao đầu, gáy vươn tầm châu lục
Vững vàng tự tin trước bao ma lực
Tỏa sáng doanh nhân một sắc hoa đời
Mậu Tuất sang: Nhân thế - Đất trời
Tam hợp (1) trùng phùng gọi mùa xuân mới
Hào khí ngàn năm Thăng Long Hà Nội
Lắng đọng dâng trào, thành nốt nhạc vần thơ”.
* (1): Dần - Ngọ - Tuất