Ảnh chài lưới của Việt Nam lọt top ảnh đẹp trên báo Mỹ
(Dân trí) - Kỷ niệm 125 năm thành lập, tạp chí du lịch - khám phá nổi tiếng của Mỹ - National Geographic mời độc giả từ khắp nơi trên thế giới gửi ảnh về cho báo. Một bức ảnh của nhiếp ảnh gia Việt Nam đã lọt top những bức ảnh đẹp nhất.
Trong lịch sử 125 năm thành lập, tờ tạp chí chuyên về du lịch - khám phá nổi tiếng của Mỹ - National Geographic đã có vô số những bức ảnh kinh điển ở nhiều thể loại. Tờ tạp chí có một đội ngũ phóng viên và cộng tác viên phủ rộng khắp nơi trên thế giới. Bàn chân họ đã đi tới mọi nẻo đường, ghi lại hình ảnh của những vùng đất từ đông đúc, phát triển cho tới những nơi hẻo lánh, xa xôi.
Để kỷ niệm một chặng đường dài đã đi qua, National Geographic hiện đang tiến hành một chương trình thú vị có tên “Bức ảnh của tôi” (Your Shot). Độc giả có thể gửi ảnh về cho báo, những bức hình ấn tượng nhất sẽ được lựa chọn để đăng tải trên trang điện tử và xuất hiện trong ấn bản báo giấy.
Thế giới đang thay đổi từng ngày và nhiếp ảnh cho phép chúng ta ghi lại sự thay đổi đó một cách sinh động. Đó chính là ý nghĩa của chương trình “Bức ảnh của tôi” - Hãy khám phá thế giới đang thay đổi xung quanh chúng ta. Hạn nộp ảnh về tham dự kết thúc trong ngày 22/10.
“Bức ảnh của tôi” khuyến khích các độc giả chia sẻ những bức hình ấn tượng nhất mà họ thực hiện. Đáng chú ý trong những bức ảnh được National Geographic lựa chọn đăng tải gần đây có một bức được thực hiện ở Việt Nam, bởi một nhiếp ảnh gia Việt Nam.
Quăng lưới: Cách bắt tôm cá truyền thống của người dân Thừa Thiên Huế. Tác giả Hoàng Giang Hải.
Nhiếp ảnh gia Hoàng Giang Hải là một cái tên đã khá quen với các sân chơi nhiếp ảnh thế giới. Trong chương trình “Bức ảnh của tôi” lần này, bên cạnh bức “Quăng lưới” được ban biên tập National Geographic đánh giá cao và đưa vào top những bức ảnh ấn tượng nhất do độc giả gửi về, Hoàng Giang Hải còn có 3 tác phẩm ảnh khác:
Quay sợi: Một phụ nữ người Hà Nhì đang quay sợi trước cửa nhà.
Ruộng bậc thang: Mỗi năm, vào mùa thu, người H’mong sống ở vùng núi phía Bắc Việt Nam lại bắt đầu bước vào vụ thu hoạch. Bức hình được chụp ở một thửa ruộng bậc thang nằm ở Mù Cang Chải, Yên Bái.
Ngày mới: Thung lũng Bắc Sơn ở huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
Tháng 4 vừa qua, nhiếp ảnh gia Hoàng Giang Hải cũng có một tác phẩm ảnh lọt vào vòng chung kết của giải ảnh Smithsonian của Mỹ. Bức ảnh ghi lại cảnh người dân thu hoạch muối lúc mặt trời sắp lặn ở huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
Những bức ảnh cũng được đánh giá cao tại chương trình “Bức ảnh của tôi”:
Bão trắng: Bão ở hẻm núi Grand Canyon, bang Arizona, Mỹ. Nhiếp ảnh gia Klaus Priebe đã đi săn bão trong suốt nhiều tuần và bất ngờ bắt gặp một cơn bão ở hẻm núi đẹp nổi tiếng nước Mỹ.
Công viên quốc gia Bromo Tengger: Không gì có thể thay đổi cảnh quan của một vùng đất nhanh hơn một ngọn núi lửa. Nhiếp ảnh gia Dennis Walton đã đến thăm công viên quốc gia Bromo Tengger ở đảo Java, Indonesia ngay sau khi ngọn núi lửa Semeru phun trào.
Người đi nhặt rác. Tác giả Dian Mulyadia.
Ánh sáng cuối cùng: Nhiếp ảnh gia Somnath Chakraborty chụp bức ảnh này trong một con hẻm nhỏ ở thành phố Varanasi, Ấn Độ.
Bình nguyên Castelluccio, Ý: Một thị trấn nhỏ nằm trên bình nguyên Castelluccio trông như thể một vương quốc cổ tích. Tác giả Mauro Maione.
Sống sót: Nhiếp ảnh gia Jonathan Tucker viết: Đây là bức ảnh chân dung tôi tự thực hiện khi đứng dưới một dòng sông băng ở Alaska. Đây là một trong những trải nghiệm ấn tượng nhất và cũng đáng sợ, nghẹt thở nhất trong cuộc đời tôi.
Cừu béo: Khi nhiếp ảnh gia Adres Beregovich đến thăm đảo Riesco ở Chile, anh đã ghé qua một nông trại và rất bất ngờ trước kích thước của những chú cừu mà họ nuôi ở đây.
Những tòa nhà chọc trời: Ở các thành phố lớn hiện nay không thiếu những tòa nhà cao tới mức nằm lẫn trong mây. Tác giả J. Ota.
Nhiếp ảnh gia Michele Martinelli chụp lại cảnh hàng ngàn con châu chấu bay trên đồng cỏ trong ánh nắng buổi xế chiều, chúng bu quanh một người đàn ông.
Nhiếp ảnh gia Mohd Irman Ismail chụp lại chân dung những người đàn ông sống trong bộ lạc Mentawai ở Indonesia.