Nghệ An:
Ấn tượng với lễ hội nơi hợp lưu giữa 3 con sông
(Dân trí) - Đó là Lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào, thuộc huyện biên giới Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Đền Vạn - Cửa Rào là ngôi đền nằm trung tâm hợp lưu giữa 3 con sông là Nậm Nơn, Nậm Mộ và Sông Cả.
Từ nhiều năm nay, lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào, huyện Tương Dương (Nghệ An) là điểm đến linh thiêng dành cho các du khách, người dân hành hương trẩy hội. Hàng năm lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào được tổ chức đổi mới hơn những vẫn giữ được nét văn hóa tín ngưỡng của người dân địa phương.
Lễ hội đền Vạn Cửa Rào năm nay được tổ chức vào ngày 21 và 22 tháng giêng âm lịch. Về với Đền Vạn - Cửa Rào là một di tích lịch sử văn hóa, là nơi thờ đốc tướng quân Đoàn Nhữ Hài cùng các binh sĩ tử trận trong cuộc chiến chống giặc Ai Lao giữ yên bờ cõi.
Đền Vạn - Cửa Rào tọa lạc ở vị trí địa linh ngã ba sông Nậm Mộ, Nậm Nơn và Sông Cả khí hậu ôn hòa mát mẻ, yên bình là chốn linh thiêng để các hương tử và người dân địa phương đi lễ đầu năm cầu mong an lành cho gia đình, làng bản.
Một số hình ảnh được PV Dân trí ghi lại tại Lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào:
Một góc Đền Vạn - Cửa Rào trong ngày hội.
Đồng bào dân tộc Thái, ở huyện Tương Dương chiếm đến hơn 60% dân số của cả huyện. Với bộ trang phục truyền thống áo cóm và váy thổ cẩm cách tân sặc sỡ, được các thiếu nữ mặc trong ngày Lễ hội.
Năm nay với quy mô cấp huyện, diễn ra từ ngày 23-25/2, tức từ ngày 19-21 tháng Giêng âm lịch. Nhằm nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc nơi đây, huyện đã cho cất dựng 6 ngôi nhà truyền thống của 6 dân tộc anh em là Thái, Mông, Kinh, Khơ Mú, Ơ Đu, Tày Pọong trong khuôn viên Đền.
Bên cạnh những mảng màu bắt mắt, thì phụ nữ Thái còn rất ưa thích và tự tin với những chiếc áo cóm sắc màu xanh.
Là dân tộc ít người nhất của cả nước, nhưng đồng bào dân tộc Ơ Đu cũng xiêm áo, xúng xính tại lễ hội. Và đây là tiết mục khắc luống không thể thiếu trong lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào.
Những màn múa khèn điêu luyện của những chàng trai Mông góp phần tạo nên không gian sinh hoạt cộng đồng tại nhà truyền thống Mông thêm sinh động và thu hút du khách hơn.
Bên cạnh sự sặc sỡ của đồng bào dân tộc Thái, Mông thì phụ nữ dân tộc Khơ Mú cũng sôi nổi trong điệu Tơm, một làn điệu dân ca độc đáo của đồng bào Khơ Mú.
Những cô gái Mông cười duyên trong trò chơi ném Po, một trong những trò chơi dân gian được tổ chức những ngày lễ hội mùa xuân của đồng bào dân tộc Mông.
Ngoài những chân váy thổ cẩm được thêu hoa văn cầu kỳ thì phụ nữ Thái còn có những chiếc váy dệt thổ cẩm họa tiết đơn giản. Đây là trang phục của phụ nữ nhóm Thái Thanh, hay còn gọi là “Xìn Mục”
Ngoài những bộ đồ sặc sỡ của các chị em phụ nữ thì tại Lê hội các chàng trai dân tộc cũng khoác lên mình những chiếc áo đặc trưng, trông rất khỏe khắn.
Xen kẽ là các tiết mục thi áo dài.
Phần hội với nhiều tiết mục "cây nhà lá vườn" tự biên tự diễn của các đội văn nghệ các xã tham gia biểu diễn đã để lại ấn tượng.
Nguyễn Duy